Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành

10-02-2025 14:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh mạch vành là một bệnh tim mạch phổ biến, xảy ra khi các động mạch vành cung cấp máu cho tim bị hẹp một phần hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ mảng xơ vữa. Chế độ dinh dưỡng liên quan mật thiết đến việc kiểm soát mỡ máu và ngăn ngừa triệu chứng, biến chứng bệnh mạch vành.

1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh mạch vành

Theo BS. Nguyễn Thu Trang, bệnh mạch vành là tình trạng cung cấp máu và oxy không đủ cho cơ tim. Bệnh thường liên quan đến sự hình thành các mảng bám trong lòng động mạch vành, cản trở lưu lượng máu.

Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa hình thành và phát triển mảng xơ vữa, kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol trong máu, từ đó giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.

Bên cạnh đó, thực hành dinh dưỡng hợp lý là cách để quản lý hiệu quả các triệu chứng, bao gồm tăng cường một số loại thực phẩm tốt và tránh tiêu thụ các loại thực phẩm có hại. Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, nhiều chất xơ, giàu chất chống oxy hóa, bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cắt giảm đường, muối… làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh mạch vành.

Để kiểm soát tình trạng bệnh mạch vành, ngoài việc tuân thủ điều trị, người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp vận động.

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 1.

Chế độ uống lành mạnh làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh mạch vành.

2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh mạch vành

Để có thể góp phần ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa và nguy cơ xảy ra biến chứng, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mạch vành cần đáp ứng những nguyên tắc sau:

2.1. Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa là nhóm thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn uống cho người bệnh mạch vành. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm này có thể hỗ trợ trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó giúp kháng viêm và ngăn chặn sự phát triển của bệnh mạch vành.

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 2.

Thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa là nhóm thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn uống cho người bệnh mạch vành.

2.2. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ hòa tan: Một số nghiên cứu cho thấy, chất xơ hòa tan có thể làm tăng lượng cholesterol tốt (HDL), giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi động mạch, hỗ trợ gia tăng hiệu quả chữa trị bệnh mạch vành. Chất xơ hòa tan cũng giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp duy trì đường huyết ổn định. Điều này rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường, một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.

2.3. Sử dụng nguồn protein lành mạnh: Các loại cá béo và hải sản, các loại đậu, quả hạch và hạt chứa nhiều protin lành mạnh. Một lượng nhỏ trứng và thịt gia cầm nạc cũng cần được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu chọn thịt đỏ, phải đảm bảo thịt nạc và hạn chế ăn (từ 1 - 3 lần/tuần). Bổ sung sữa không đường, sữa chua và phô mai.

2.4. Giảm đường, muối: Tiêu thụ nhiều muối gây tăng huyết áp, gia tăng áp lực lên tim. Ngoài ra, chế độ ăn uống dư thừa đường có thể khiến nồng độ cho chất béo trung tính (triglyceride) và cholesterol trong máu tăng cao, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiến triển của bệnh mạch vành. Do đó, người bệnh mạch vành cần cắt giảm muối, đường trong bữa ăn xuống dưới mức 5g muối / ngày và 25 - 36g đường / ngày.

2.5. Hạn chế chất béo xấu: Dung nạp nhiều chất béo xấu (bao gồm chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa) có thể khiến cho cholesterol trong máu tăng cao, thúc đẩy bệnh mạch vành trở nặng. Do đó, chế độ ăn của người bệnh mạch vành cần hạn chế tối đa chất béo xấu, có ở trong các loại thực phẩm như da, mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ,…

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 3.

Chế độ ăn của người bệnh mạch vành cần hạn chế tối đa chất béo xấu,

2.6. Bổ sung thực phẩm giúp tăng lưu thông máu: Tình trạng thiếu oxy máu đòi hỏi tim phải hoạt động "vất vả" hơn, lâu dần có thể dẫn đến suy tim. Trong khi đó, bổ sung thực phẩm chứa nhiều salicylate có thể giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ ngăn ngừa suy tim - một biến chứng nghiêm trọng của bệnh mạch vành.

3. Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh mạch vành

Có nhiều loại thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, giúp hạn chế tiến triển bệnh mạch vành. Dưới đây là một số loại thực phẩm người bệnh nên đưa vào thực đơn hàng ngày:

3.1. Trái cây, rau củ tươi

Các loại rau củ quả tươi đều chứa hàm lượng lớn vitamin, chất xơ, khoáng chất… hỗ trợ làm giảm cholesterol và lượng đường trong máu nên rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Tăng lượng thức ăn có nguồn gốc thực vật sẽ cải thiện bệnh tim, giúp ngăn ngừa cơn đau tim và ngừng tim đột ngột. Ngoài ra, bổ sung các loại thực phẩm này không gây tăng cân vì chúng rất ít calo, có thể giúp người bệnh mạch vành duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Các loại rau củ quả tươi nên có trong chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch vành điển hình như khoai tây, các loại đậu, bông cải xanh, rau bina, khoai lang, cà rốt, dưa hấu, dâu tây, táo, lê.

Những loại thực phẩm trên không những chứa nhiều chất oxy hóa mà còn giàu chất chống viêm cao, giúp giảm diễn tiến bệnh mạch vành.

3.2. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ hòa tan, vitamin nhóm B và các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể, góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm tác động tiêu cực của bệnh mạch vành. Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm cholesterol trong máu, từ đó hạn chế nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh mạch vành nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt thay thế cho các loại ngũ cốc tinh chế trong bữa ăn hằng ngày.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người mắc bệnh mạch vành bao gồm: gạo lứt, yến mạch, hạt kê, lúa mạch…

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 4.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người mắc bệnh mạch vành bao gồm: gạo lứt, yến mạch, hạt kê, lúa mạch…

3.3. Nguồn protein ít chất béo

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, tiêu thụ protein ít béo giúp cơ thể duy trì cân nặng khỏe mạnh, không làm tăng cholesterol và huyết áp, từ đó giúp bảo vệ tim mạch. Một chế độ dinh dưỡng ưu tiên các loại thực phẩm giàu protein ít béo thay thế cho các loại protein giàu béo trong chế độ ăn có tác động có lợi cho sức khỏe của tim.

Nguồn thực phẩm cung cấp protein tốt nhất cho người bệnh mạch vành bao gồm: Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa ít chất béo,... Một số loại cá giàu axit béo omega-3 (cá hồi, cá thu và cá trích, cá mòi…) cũng được chứng minh có thể làm giảm chất béo trong máu.

Ngoài ra, các loại thực phẩm như hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, dầu hạt cải, các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng) cũng cung cấp lượng protein ít chất béo dồi dào.

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 5.

Một số thực phẩm cung cấp protein và chất béo tốt nhất cho người bệnh mạch vành.

3.4. Chất béo lành mạnh

Không phải tất cả chất béo đều có hại với bệnh mạch vành. Ăn chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) ở mức độ vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm cholesterol và chống lại các cơn đau tim, đột quỵ. Theo khuyến nghị, 35% tổng năng lượng trong chế độ ăn dành cho người bệnh mạch vành nên đến từ chất béo không bão hòa, tức khoảng 78g/ngày.

Những chất béo lành mạnh được tìm thấy trong dầu ô liu, dầu canola, hạt lanh, quả bơ, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo…

3.5. Thực phẩm giúp tăng lưu thông máu

Một số loại thực phẩm có thể giúp tối ưu hóa lưu lượng máu. Trong đó có thể kể đến: nước ép lựu, dưa hấu, hành tây, trái cây họ cam, quýt (cam, quýt, chanh, bưởi), củ cải đường… Đây là các loại thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe và tuần hoàn của tim bằng cách giúp cải thiện lưu lượng máu và huyết áp.

Các loại gia vị (tỏi, gừng, nghệ, cam thảo, hành tây, quế,…) và các loại quả mọng (nho tươi, việt quất, dâu tây, nho khô)… chứa nhiều salicylate, có thể giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng của bệnh mạch vành.

4. Những thực phẩm người bệnh mạch vành nên hạn chế

4.1. Thực phẩm chứa nhiều muối

Ăn quá mặn dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và biến chứng bệnh mạch vành. Vì vậy, cần giảm lượng muối hoặc bột canh dùng trong chế biến thực phẩm. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, mức tiêu thụ muối của mỗi người là 5g/ngày.

Đồ hộp, thịt chế biến, thực phẩm muối chua, thức ăn nhanh…

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh mạch vành- Ảnh 6.

Cần giảm lượng muối hoặc bột canh dùng trong chế biến thực phẩm.

4.2. Thực phẩm có hàm lượng đường cao

Theo nghiên cứu được tiến hành trong nhiều thập kỷ, đường được coi là có hại cho tim hơn cả chất béo bão hòa. Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Điều này làm căng mạch máu và tim, làm tăng khả năng mắc bệnh tim. Một nghiên cứu khác cho thấy, chế độ ăn nhiều đường được cho là làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Bánh ngọt, bánh quy, ngũ cốc ăn sáng, nước giải khát, nước tăng lực,… là những loại thực phẩm có hàm lượng đường cao, cần hạn chế.

4.3. Chất béo bão hòa

Thường xuyên hấp thụ chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị tiêu thụ chỉ từ 5-6% lượng calo từ chất béo bão hòa trong một bữa ăn.

Các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa có thể kể đến các loại thịt đỏ (bò, lợn, cừu…); Sữa nguyên kem và các loại pho mai; Mỡ, bơ động vật; Một số loại dầu thực vật nhưng lại chứa hàm lượng chất béo bão hòa rất cao như dầu dừa, dầu cọ,…

4.4. Chất béo chuyển hóa

Lượng chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol LDL và giảm cholesterol HDL. Mức LDL cao kết hợp với mức HDL thấp có thể dẫn đến sự tích tụ cholesterol trong động mạch. Điều này làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Một số thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa, như: hamburger, pizza, đồ chiên, nướng, phô mai, kem,…

Trong chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng, cách chế biến rất quan trọng nhằm giúp cơ thể hấp thu được lượng dinh dưỡng tốt nhất. Người bệnh mạch vành nên ưu tiên chế biến món ăn bằng cách luộc, hấp hoặc trộn thay vì chiên, xào chứa nhiều dầu mỡ. Nếu muốn chế biến bằng cách chiên rán, nên chọn các loại dầu chịu nhiệt cao và giàu chất béo tốt như dầu hạt cải, dầu hướng dương….; Người bị cholesterol cao cũng nên hạn chế sử dụng bơ, sốt mayonnaise hoặc dầu động vật trong chế biến món ăn. Hạn chế sử dụng gia vị mặn như bột canh, muối, các loại sốt pha sẵn. Không nên dùng lại dầu ăn đã qua sử dụng.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh mạch vành. Bằng cách cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp tim khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa và thực hiện theo hướng dẫn chế độ ăn uống cho người bệnh mạch vành, đồng thời kết hợp vận động, thay đổi lối sống phù hợp.

Bệnh mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhBệnh mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh mạch vành là tình trạng cung cấp máu và oxy không đủ cho cơ tim. Bệnh thường liên quan đến sự hình thành các mảng bám trong lòng động mạch vành, cản trở lưu lượng máu.


CN. Lâm Nghi
Ý kiến của bạn