Chế độ dinh dưỡng chống viêm, giảm đau cho người bị lạc nội mạc tử cung

31-03-2025 17:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến lượng hormone, tình trạng viêm và cân nặng. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp giảm viêm và giảm đau cho người bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ với dấu hiệu điển hình là những cơn đau bụng rất khó chịu trước và trong kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng như: đau lưng, đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy…

Theo ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, BV Bưu điện, lạc nội mạc tử cung không chỉ gây đau mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Phát hiện sớm, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp giúp kiểm soát triệu chứng và đạt được các mục tiêu sức khỏe.

Việc điều trị lạc nội mạc tử cung nhằm mục tiêu giảm đau hoặc cải thiện khả năng sinh sản. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ; Theo dõi định kỳ đảm bảo hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sớm; Tránh liệu pháp thay thế hormone không cần thiết; Cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, có chế độ ăn giàu rau xanh và giảm thực phẩm chế biến...

Chế độ dinh dưỡng chống viêm, giảm đau cho người bị lạc nội mạc tử cung- Ảnh 1.

Việc điều trị lạc nội mạc tử cung nhằm mục tiêu giảm đau hoặc cải thiện khả năng sinh sản.

Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến lượng hormone, tình trạng viêm và cân nặng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, đường và thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm làm cho các triệu chứng lạc nội mạc tử cung trầm trọng hơn.

Lượng chất béo chuyển hóa hấp thụ cao hơn cũng có liên quan đến khả năng phát triển bệnh lạc nội mạc tử cung cao hơn. Ngược lại, chế độ ăn lành mạnh giàu acid béo omega-3, chất xơ, trái cây, rau giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm, cải thiện cơn đau và các triệu chứng tiêu hóa do ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung.

Ngoài ra, việc thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng với những thực phẩm lành mạnh cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh.

2. Những chất dinh dưỡng giúp chống viêm, giảm đau cho người bệnh

Vì lạc nội mạc tử cung là một tình trạng viêm mạn tính nên ngoài chế độ ăn đủ chất người bệnh nên lưu ý bổ sung nguồn thực phẩm chống viêm sẽ rất có lợi cho sức khỏe, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm và giảm đau hiệu quả.

Acid béo omega-3

Thực phẩm có chất béo omega-3 được chứng minh là giúp làm dịu chứng viêm, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và có khả năng làm giảm sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung.

Acid béo omega-3 được tìm thấy nhiều trong cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá cơm…; và nguồn thực vật như quả óc chó, hạt lanh, hạt chia…

Chất xơ

Tăng cường lượng chất xơ từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu có thể giúp điều chỉnh nồng độ estrogen và giảm viêm, cả hai đều quan trọng trong việc kiểm soát lạc nội mạc tử cung.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, quinoa, gạo lứt, bánh mì nguyên hạt có nhiều chất xơ hòa tan và vitamin B. Những thực phẩm này là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi cho đường ruột giúp giảm viêm trong cơ thể.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có tác dụng chống lại gốc tự do gây tổn thương tế bào và có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Do đó, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa được khuyến khích để giảm viêm.

Chất chống oxy hóa có trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: quả mọng, rau lá xanh đậm, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cà chua, khoai tây, khoai lang, táo, đào, bơ, lựu, nho, ca cao, thảo mộc, cà phê, trà…

Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn Địa Trung Hải là một trong những chế độ ăn được nghiên cứu nhiều nhất đối với nhiều tình trạng viêm mạn tính. Nó rất giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin có khả năng làm giảm các dấu hiệu viêm.

Chế độ ăn uống này chủ yếu bao gồm các loại thực phẩm nguyên chất tự nhiên như: trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo, dầu ô liu, quả hạch, các loại hạt. Đồng thời hạn chế chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, carbohydrate tinh chế và thực phẩm có đường bổ sung.

Chế độ dinh dưỡng chống viêm, giảm đau cho người bị lạc nội mạc tử cung- Ảnh 3.

Chế độ ăn Địa Trung Hải có tác dụng chống viêm tốt cho người bị lạc nội mạc tử cung.

3. Người bị lạc nội mạc tử cung nên tránh thực phẩm gì?

Người bị lạc nội mạc tử cung nên tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm có thể làm tăng viêm nhiễm, kích thích cơn đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh bao gồm một số loại thực phẩm sau:

Thịt đỏ

Các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu, ngựa, lợn... chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng sản xuất prostaglandin, một chất hóa học thúc đẩy sản xuất estrogen. Estrogen dư thừa có thể kích thích sự phát triển của mô nội mạc tử cung.

Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa có trong đồ chiên rán, bánh ngọt công nghiệp, thực phẩm chế biến sẵn... Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm.

Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt có đường

Thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, đường và chất phụ gia có thể thúc đẩy viêm.

Thực phẩm chứa gluten

Nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cũng gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Gluten có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các sản phẩm từ chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này ở những người nhạy cảm với gluten hoặc mắc các bệnh liên quan đến gluten như hội chứng ruột kích thích.

Do đó nếu người bệnh nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn sau khi ăn thực phẩm chứa gluten (đặc biệt là các vấn đề tiêu hóa) nên thử chế độ ăn không gluten trong một khoảng thời gian để xem liệu có cải thiện hay không.

Thực phẩm giàu FODMAP

FODMAP là nhóm carbohydrate có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa và chất tạo ngọt... có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón ở những người nhạy cảm. Việc giảm tiêu thụ thực phẩm giàu FODMAP có thể giúp giảm các triệu chứng tiêu hóa thường đi kèm với lạc nội mạc tử cung như đầy hơi, đau bụng.

Caffeine và đồ uống có cồn

Cà phê, trà đặc, soda và đồ uống có cồn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở một số người bị lạc nội mạc tử cung.

Lưu ý: Mức độ nhạy cảm với các loại thực phẩm có thể khác nhau ở mỗi người. Người bệnh nên chú ý đến phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm khác nhau và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Hỏi ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Xem thêm:

Lạc nội mạc tử cung dùng thuốc như thế nào?Lạc nội mạc tử cung dùng thuốc như thế nào?

SKĐS - Lạc nội mạc tử cung không chỉ gây đau mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Phát hiện sớm, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng và đạt được các mục tiêu sức khỏe.

Một số bài tập tốt cho người lạc nội mạc tử cungMột số bài tập tốt cho người lạc nội mạc tử cung

SKĐS - Vận động thể chất hợp lý hỗ trợ giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lạc nội mạc tử cung. Một số bài tập không chỉ giúp giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu mà còn hỗ trợ cân bằng nội tiết tố, giảm căng thẳng cho người bệnh.



Thu Phương
Ý kiến của bạn