Vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe thai nhi
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người trong suốt cả vòng đời, đặc biệt là trong thời gian phụ nữ có thai và cho con bú. Phụ nữ có thai cần thêm nguồn dinh dưỡng cho cả mẹ, hình thành và phát triển thai nhi. Phụ nữ cho con bú cần bổ sung thức ăn để tăng cường sản xuất sữa cho con bú. Dinh dưỡng tốt khi mang thai, cho con bú là một trong các yếu tố quyết định bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, sự lớn lên và phát triển của trẻ.
Theo Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến cân nặng khi sinh của trẻ. Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng.
Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân. Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số dị tật bẩm sinh. Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu nếu người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch…. Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Can thiệp cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ngay từ ngày thứ 18 của phôi đã có mầm mống hình thành não và khi phôi được 3 tháng tuổi thì não đã có đủ các thành phần. Thời điểm 20 tuần tuổi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi, khi não bộ thai nhi tăng mạnh về khối lượng và dần hoàn thiện về chức năng. Từ tuần thứ 20 đến khi chào đời, kích thước não bộ tăng gấp 6 lần và tế bào thần kinh kết nối phức tạp hơn. Sự trưởng thành của não bộ rất quan trọng cho khả năng học hỏi và trí nhớ về sau. Quá trình này cần rất nhiều dưỡng chất như axit folic, vitamin B6, B12, mangan, đồng, iod, vitamin D, cholin, sắt và kẽm.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhanh nhất. Vì vậy, cần cung cấp đủ nhu cầu tăng lên về năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai. Chế độ ăn của người mẹ đủ acid béo không no cần thiết, đủ DHA (Decosahexaenoic Acid) sẽ giúp trẻ trí thông minh, thị giác tốt và có hệ tim mạch khỏe mạnh.
Nghiên cứu ảnh hưởng của trẻ sinh nhẹ cân do người mẹ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ lên chỉ số IQ cho thấy với mỗi 1kg nhẹ hơn khi sinh ra (so với anh/chị em sinh đôi) IQ ngôn ngữ về sau sẽ thấp hơn 13 điểm.
Khẩu phần ăn hợp lý cho phụ nữ mang thai
Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú mà Bộ Y tế ban hành cho thấy, trong thời kì mang thai và cho con bú, hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng, khối lượng cơ thể tăng dẫn đến nhu cầu năng lượng của bà mẹ khi có thai và cho con bú tăng lên so với chưa mang thai. Nếu năng lượng cung cấp không đủ trong một thời gian dài, bà mẹ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Ngược lại, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai nghén và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường (trên 4.000 gam).
Ăn đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo,vitamin và khoáng chất). Ăn nhiều loại thức ăn bổ dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ, rau quả tươi… và ăn nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào 3 tháng cuối để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, nhu cầu phát triển của thai nhi và dự trữ năng lượng để tạo sữa nuôi con. Nên uống đủ nước (mỗi ngày từ 1,2 lít đến 1,5 lít). Dùng muối I-ốt hàng ngày để chế biến thức ăn. Không uống bia, rượu, chè đặc, cà phê, không hút thuốc lá, thuốc lào. Hạn chế dùng quá nhiều gia vị như tiêu, tỏi, gừng, ớt…Chỉ dùng thuốc khi có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Phòng chống thiếu máu: Ăn các thức ăn giàu sắt như thịt nạc, cá, trứng, gan, và uống viên sắt - axit folic (hoặc viên đa vi chất) đều đặn từ khi có thai đến sau sinh 1 tháng để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Axit folic còn có tác dụng dự phòng dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Theo dõi cân nặng: Trong thời gian mang thai bà mẹ cần tăng từ 10 đến 12 ki lô gam để sinh con đủ cân và khỏe mạnh.
Theo cẩm nang Thông điệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, phụ nữ mang thai cần cân đối chất bột, chất đạm và chất béo. Cụ thể, một thai phụ cần bổ sung thêm 15g đạm/ngày và nhu cầu chất đạm cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối là 70g/ngày. Một thai nhi cần rất nhiều chất đạm để có thể tăng trưởng và tích tụ protein.
Trước hết, thai phụ cần chú ý đến nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh,... vừng lạc. Đây là những thức ăn có lượng đạm cao lại có chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu (vitamin A,D,E). Chất đạm động vật đáng chú ý là các loại thủy sản như tôm, cua, ốc... nên ăn thêm thịt, trứng, sữa. Bên cạnh đó, thai phụ cần đảm bảo các bữa ăn đều chứa tinh bột bởi đây là một trong những thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng, cung cấp năng lượng chính cho sự hoạt động của cơ thể và não bộ của cả mẹ và trẻ. Việc ăn uống đủ chất tinh bột sẽ cung cấp lượng carbohydrate thường xuyên, đảm bảo đủ lượng đường trong máu, giúp chống lại sự mệt mỏi.
Cùng với việc cân đối các chất bột, chất đạm và chất béo, thai phụ chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ quả; uống nhiều nước và các loại chất lỏng, giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ rất tốt cho việc chuyển hóa các chất và đào thải các cặn bã, chất độc trong cơ thể (lượng nước cần thiết tối thiểu hàng ngày khoảng 1,5 lít).
Các thai phụ cũng cần chú ý bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: can-xi, axit folic, sắt, các vitamin,... Thai phụ cũng có thể sử dụng thuốc bổ, các viên đa vitamin để bổ sung các vi chất cho cơ thể nhưng cần chú ý sử dụng với liều lượng hợp lý và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài 3 bữa chính, thai phụ nên bổ sung các bữa ăn nhẹ để kiểm soát sự thay đổi lượng đường trong máu và đảm bảo đủ năng lượng cho thai nhi phát triển, tuyệt đối không bỏ qua các bữa ăn sáng. Thai phụ cần chú ý kiêng không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc; giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, hạt tiêu, đặc biệt cần kiểm soát kỹ, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Nếu thức ăn có nhiều muối, thai phụ có thể bị phù nề.
Để khắc phục các triệu chứng nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ cần lưu ý: ăn bữa nhỏ, bữa phụ giàu dinh dưỡng; ăn các loại trái cây, thức ăn lỏng; tránh thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ; uống nước ngoài bữa ăn; có thể bổ sung đa sinh tố, vi chất và không nên uống thuốc chống ói.
Bên cạnh đó, các thai phụ cần chú ý: cùng với khẩu phần ăn hợp lý cần phải kết hợp với sự vận động bằng các bài tập nhẹ, đi bộ... để kiểm soát việc tăng cân và giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng. Thai phụ nên giữ cho tâm lý vui vẻ, duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, không nên thức khuya hay làm việc quá sức. Để theo dõi sự phát triển của thai, các bà mẹ nên thực hiện việc khám thai định kỳ trong suốt thời kỳ mang thai.
Tháp dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng, tháp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai gồm có 7 tầng như những loại tháp dinh dưỡng của các đối tượng khác. Tuy nhiên, lượng dùng và cách dùng sẽ khác nhau rất nhiều theo mỗi giai đoạn của quá trình mang thai.
Tháp dinh dưỡng được chia làm 7 tầng với những nhóm thực phẩm chính: nước, ngũ cốc, rau quả, thực phẩm chứa đạm, sữa, dầu mỡ, muối và đường. Ở mỗi nhóm này, phụ nữ mang thai cần ăn đủ các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần bổ sung các nhóm thực phẩm khác như dầu mỡ, muối và đường để cân bằng dinh dưỡng nhưng không nên lạm dụng.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần tập thể dục kết hợp với dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Ngoài ra, tháp dinh dưỡng do Bộ Y tế ban hành còn khuyến cáo các bà mẹ nên bổ sung viên sắt và axit folic trong thời gian mang thai và 1 tháng sau khi sinh. Phụ nữ đang cho con bú cần bổ sung 1 viên vitamin A với lượng 200.000 IU trong vòng 1 tháng sau sinh.
Theo tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể ăn uống bình thường như phụ nữ không mang thai. Nhu cầu dinh dưỡng sẽ thay đổi từ tháng thứ 4.Ở 3 tháng giữa, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu có sự thay đổi khẩu phần ở các nhóm thực phẩm. Trừ đường, muối và dầu mỡ, mẹ bầu cần bổ sung thêm những nhóm thực phẩm khác trong tháp dinh dưỡng. Các nhóm ngũ cốc, rau quả, thực phẩm chứa đạm, mỗi nhóm cần tăng thêm 1 đơn vị trong khẩu phần ăn. Nhóm sữa cần tăng thêm 2 đơn vị so với người bình thường.
Trong 3 tháng cuối, lượng dầu mỡ được sử dụng trong khẩu phần cũng tăng thêm 1 đơn vị so với người bình thường. Sữa và thực phẩm chứa đạm cần tăng thêm 3 đơn vị. Nhóm rau xanh và trái cây mỗi loại tăng thêm 1 đơn vị so với người bình thường. Nước tăng 2 đơn vị và ngũ cốc tăng 1,5 đơn vị.
Với phụ nữ cho con bú, lượng ngũ cốc và nước cần nhiều hơn hẳn, mỗi loại tăng thêm lần lượt 2,5 và 3 đơn vị. Rau quả vẫn giữ nguyên mức tăng 1 đơn vị ăn. Thực phẩm chứa đạm tăng 2 đơn vị và sữa tăng thêm 3,5 đơn vị so với người thường. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần được bổ sung thêm 2 đơn vị dầu mỡ vào khẩu phần ăn trong thời gian này.
Trong thời kỳ mang thai, em bé có thể sẽ chèn ép lên các cơ quan tiêu hóa nên mẹ bầu không thể ăn nhiều thức ăn cùng một lúc. Tuy nhiên vì nhu cầu dinh dưỡng nên mẹ bầu cần phải chia nhỏ các bữa ăn, ăn thành nhiều bữa trong ngày để có thể cung cấp đủ chất cho thai nhi. Trong thời gian này, hệ tiêu hóa cũng hoạt động chậm chạp hơn bình thường nên hãy chú ý ăn từ tốn và vừa phải, không ăn quá nhiều thức ăn một lúc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hà Nội Ghi Nhận Gần 10.000 Ca Mắc Sốt Xuất Huyết | SKĐS