Hà Nội

Chế độ dinh dưỡng cho người viêm nướu răng

29-10-2024 15:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Viêm nướu là tình trạng viêm nhiễm ở mô nướu quanh răng, có thể gây sưng, đau, chảy máu và nguy hiểm khi không được khắc phục sớm. Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm nướu, hồi phục sức khỏe nướu nhanh hơn.

Viêm nướu là bệnh lý răng miệng gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Theo thống kê, nước ta có hơn 60% trẻ em và 80% người lớn bị viêm nướu, viêm quanh răng. Tình trạng viêm nướu khi không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, dễ dẫn tới bệnh nha chu nghiêm trọng, mất răng và tụt nướu.

1. Vai trò của dinh dưỡng trong ngăn ngừa viêm nướu

Kết hợp các chất dinh dưỡng này vào chế độ ăn hàng ngày giúp duy trì sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa viêm nướu. Thêm vào đó, vệ sinh răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ nướu và răng.

Cùng với việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng để chống lại bệnh nướu răng. Trong quá trình hồi phục của người bị viêm nướu răng, ăn uống cũng quan trọng vì kiêng khem các thức ăn không tốt cho nướu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Chế độ dinh dưỡng cho người viêm nướu răng- Ảnh 1.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng khi bị viêm nướu.

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết để bảo vệ sức khỏe nướu khỏi viêm nướu

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại bệnh nướu răng một cách tự nhiên tốt nhất. Trong chế độ dinh dưỡng có một số chất dinh dưỡng đặc biệt hiệu quả mà bạn nên bổ sung thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của nướu răng. Theo đó, mọi người nên chú ý các chất dinh dưỡng:

+ Vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình tái tạo mô, giảm nguy cơ viêm và chảy máu nướu. Sử dụng vitamin C bạn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại vi khuẩn gây bệnh, tái tạo nướu răng. Vitamin C đủ cũng sản xuất collagen để giữ cho dây chằng nha chu và các mô khác khỏe mạnh.

+ Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, hỗ trợ sức khỏe xương và nướu. Nó còn có tác dụng chống viêm, giúp nướu khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh về nướu.

+ Canxi và phốt pho: Canxi và phốt pho là những khoáng chất quan trọng giúp răng và nướu chắc khỏe. Chúng có vai trò duy trì cấu trúc xương và răng, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng nướu.

Chế độ dinh dưỡng cho người viêm nướu răng- Ảnh 2.

Các thực phẩm giàu canxi và phốt pho sẽ tốt cho sức khỏe của nướu răng. Ảnh minh họa

+ Chất xơ: Các loại rau củ quả giàu chất xơ như táo, cà rốt, và rau xanh không chỉ giúp làm sạch mảng bám trên răng khi nhai, mà còn kích thích sản sinh nước bọt, giúp làm sạch miệng và giảm vi khuẩn gây viêm nướu.

+ Omega-3: Omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá thu và các loại hạt có tác dụng kháng viêm, giúp giảm nguy cơ viêm nướu và các vấn đề liên quan đến nướu răng.

+ Chất chống ôxy hóa Co-enzyme Q10 có thể ngăn sự tiến triển từ viêm nướu thành viêm nha chu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người có đủ CoQ10 ít có nguy cơ mắc bệnh nướu răng hơn.

+ Collagen: Nướu răng sẽ tổ chức lại lớp mô khi bị bệnh nướu răng để đối phó với tình trạng viêm. Điều này dễ làm suy giảm collagen. Thông thường, sự suy giảm collagen được coi là dấu hiệu chính của sự tiến triển bệnh nha chu. Để chống lại điều này, bạn sẽ cần ăn thực phẩm có nhiều collagen.

3. Những thực phẩm nên ăn để phòng viêm nướu

Những thực phẩm này sẽ giúp duy trì sức khỏe nướu và ngăn ngừa viêm nướu:

3.1. Các loại rau xanh đậm: Các loại rau như cải bó xôi, cải xoăn, và bông cải xanh, ớt chuông… rất giàu vitamin C, canxi và chất chống oxy hóa. Vitamin C giúp bảo vệ nướu khỏi viêm nhiễm, trong khi canxi tăng cường xương và nướu. Chất xơ trong rau củ quả có khả năng kích thích nướu, tăng tiết nước bọt giúp trung hòa axit trong khoang miệng để ngăn vi khuẩn phát triển.

3.2. Các loại quả giàu vitamin C: Cam, chanh, kiwi, dâu tây và đu đủ chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa viêm nướu.

Táo, cà rốt, cần tây giúp kích thích sản xuất nước bọt, làm sạch vi khuẩn và mảng bám trong khoang miệng, từ đó giảm nguy cơ viêm nướu.

3.3. Các loại thực phẩm chứa omega 3: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích… cung cấp nhiều axit béo thiết yếu omega 3, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe nướu. Omega-3 cũng có nhiều trong các loại hạt như hạt lanh, hạt hướng dương, hạt chia, quả óc chó…

3.4. Thịt: Bữa ăn cần bổ sung thêm thịt, nhất là thịt gà có chứa nhiều kẽm, vitamin B12, protein, vitamin B12 giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình lành vết thương.

3.5. Sữa và các sản phẩm từ sữa: Những thực phẩm chứa nhiều canxi và phốt pho này là 2 khoáng chất quan trọng giúp duy trì răng và nướu khỏe. Cùng với đó là thực phẩm chứa axit lactic giúp kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong khoang miệng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại gây viêm nướu, giúp giảm sưng viêm và chảy máu nướu.

3.6. Tỏi và hành: Tỏi và hành có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm tự nhiên, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nướu.

3.7. Trà xanh có chứa catechin – một loại chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm, giúp giảm mảng bám và bảo vệ sức khỏe nướu.

3.8. Nước: Đảm bảo uống đủ nước sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa, các mảng bám trên răng và cho khoang miệng luôn ẩm ướt, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, giúp nướu khỏe mạnh.

4. Viêm nướu có cần kiêng thực phẩm nào không?

Ăn sai loại thực phẩm có thể gây ra một số khó chịu và khiến bạn có nguy cơ bị tăng nặng tình trạng viêm. Đây là những thực phẩm nên hạn chế, tránh ăn khi bị viêm nướu mà bạn nên biết:

+ Đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng: Nướu sẽ trở nên nhạy cảm khi bị sưng, viêm. Bởi vậy, ăn những đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng càng làm cho tình trạng này nặng hơn. Quá trình chữa lành tự nhiên của nướu vì vậy cũng lâu hơn.

Thực phẩm cay nóng còn có thể làm giảm lượng nước bọt trong khoang miệng. Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ răng miệng khỏi vi khuẩn và axit, khi thiếu thì vi khuẩn dễ tấn công. Nướu dễ bị sưng tấy, đỏ rát và thậm chí là lở loét.

Chế độ dinh dưỡng cho người viêm nướu răng- Ảnh 3.

Thực phẩm cay nóng sẽ gia tăng tình trạng viêm, sưng nướu khi đang bị viêm nướu.

+ Đồ ăn có tính axit: Thực phẩm có tính axit có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng vì chúng có khả năng làm mòn men răng, tăng nguy cơ viêm nướu. Thực phẩm có có tính axit như chanh, bưởi, cam, giấm, nước ép trái cây đóng chai… Thay vào đó, bạn nên chọn ăn trái cây ít axit như chuối, táo, lê,…

+ Đồ chiên rán thường chứa nhiều dầu mỡ. Chúng có thể bám vào nướu và tạo thành một lớp màng ngăn cản, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng và làm quá trình hồi phục nướu lâu hơn khi bị viêm. Cao răng cũng dễ hình thành, khi đó làm cho tình trạng viêm nướu nặng hơn.

+ Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao: Các loại thực phẩm chức hàm lượng đường cao như trái cây sấy khô nên hạn chế. Khi ăn, lượng đường dư thừa sẽ tạo thành mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng nên dễ gây bệnh lý về răng.

Ngoài ra, mọi người cũng nên hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… vì các chất kích thích có thể gây kích ứng nướu, khiến nướu sưng đau, dễ chảy máu hơn.

5. Lưu ý trong chăm sóc răng miệng để tránh viêm nướu

Cùng với những lưu ý ăn uống, trong chăm sóc răng miệng mọi người cũng nên lưu ý:

+ Tần suất đánh răng: Cần tạo thói quen và duy trì việc đánh răng hàng ngày. Đánh răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối và chải răng ít nhất trong 2 phút để loại bỏ hết những mảng bám và vi khuẩn trên răng. Lưu ý khi vệ sinh răng cần làm sạch toàn bộ bề mặt răng từ trong, ngoài và mặt nhai. Để làm sạch sẽ răng, giảm mảng bám, bạn nên tập dùng chỉ nha khoa.

+ Dùng nước súc miệng phù hợp: Dùng nước súc miệng cũng tốt trong chăm sóc răng miệng, nhưng cần lựa chọn phù hợp. Sản phẩm có chứa các chất kháng khuẩn như cetylpyridinium chloride (CPC) hoặc chlorhexidine giảm vi khuẩn và ngăn chặn mảng bám. Bạn nên chọn nước súc miệng không chứa cồn để tránh kích ứng nướu và có chứa fluoride để bảo vệ men răng. Tốt nhất khi lựa chọn thì bạn tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa.

+ Vệ sinh răng miệng đúng cách: Dùng bàn chải đánh răng lông mềm, chải răng nhẹ nhàng theo hình chữ U với đầu chải hướng xuống dưới để tránh làm tổn thương nướu. Kem đánh răng cần chọn loại chứa fluoride để bảo vệ men răng, ngừa các bệnh răng miệng.

Viêm nướu có thể gây mất răngViêm nướu có thể gây mất răng

SKĐS - Viêm nướu răng là tình trạng viêm giai đoạn đầu tại chỗ của nướu. Nướu bị viêm kích ứng bởi mảng bám lâu ngày. Viêm nướu không phải là bệnh trọng, tuy nhiên, nếu để viêm nướu kéo dài sẽ gây ra đau, nhức và ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân.


BS Dương Văn Bảo
Ý kiến của bạn