1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho người bị nhịp tim chậm
Người bị nhịp tim chậm khi nhịp tim ở dưới mức 60 nhịp/phút. Khi đó, lượng máu từ tim đến các bộ phận khác trong cơ thể bị giảm khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau nhức đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Nếu nhịp tim chậm trong thời gian dài, không được can thiệp điều trị có thể dẫn đến suy tim, ngừng tim, đe dọa đến tính mạng.
Cùng với điều trị y khoa, người bệnh nhịp tim chậm nên có chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp cải thiện bệnh hiệu quả hơn. Việc xây dựng một chế độ ăn cho người nhịp tim chậm khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trong việc bảo vệ sức khỏe.
Một số trường hợp nhịp tim chậm ở mức độ nhẹ, chưa cần dùng đến thuốc, chỉ cần xây dựng chế độ ăn phù hợp và thay đổi lối sống đã có thể cải thiện tình trạng bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh kết hợp thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng nhịp tim chậm.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh
Với người bệnh nhịp tim chậm rất cần một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Việc cân bằng 4 nhóm dưỡng chất gồm chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất là cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để có được chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn khi bị nhịp tim chậm:
Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây: Có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch;
Bổ sung thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt;
Bạn nên ưu tiên sử dụng nguồn protein ít chất béo như cá, thịt gia cầm, thịt nạc, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo,…
Uống đủ nước mỗi ngày.
Kiểm soát khẩu phần ăn, tránh ăn quá no vì nó vừa tạo gánh nặng cho dạ dày, gây tăng cân, lại vừa tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Rau xanh và trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.
3. Người bị nhịp tim chậm nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho hệ tim mạch. Người bệnh nhịp tim đập chậm nên ăn những thực phẩm này để hỗ trợ quá trình điều trị hoặc cải thiện tình trạng nhịp tim về mức bình thường.
Thực phẩm giàu khoáng chất
Magie, kali, natri, canxi,… là những khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những người bị nhịp tim chậm.
Magie: Có vai trò quan trọng trong việc ổn định tín hiệu dẫn truyền thần kinh cũng như quá trình co cơ tim, giúp tim đập bình thường. Hạnh nhân, hạt điều, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành, đậu phụ, hạt chia, chuối, rau xanh lá là những thực phẩm cực kỳ giàu magie, tốt cho tim mạch.
Natri: Đừng bỏ qua các thực phẩm giàu natri tự nhiên, tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn như: cà rốt, cải bó xôi, sữa chua, trứng, phô mai, củ cải đường, cần tây,…
Kali: Chế độ ăn cho người nhịp tim chậm giàu kali sẽ giúp giảm bớt lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Loại khoáng chất này có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ. Khoai lang, khoai tây, cà chua, dưa hấu, củ cải, đậu đen, cá hồi,… là một số thực phẩm giàu kali. Người bệnh nhịp tim chậm nên bổ sung các thực phẩm này.
Canxi: Là một khoáng chất phổ biến chiếm khoảng 1,5-2% tổng trọng lượng cơ thể. Để cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi cho cơ thể, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu canxi như: sữa và chế phẩm từ sữa; tôm, cua, cá, ốc; trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; vừng, đậu nành, mộc nhĩ; các loại rau lá xanh như: rau ngót, rau dền, rau cần, rau muống...
Thực phẩm giàu axit béo omega-3
Các axit béo omega-3 có thể hỗ trợ bảo vệ hệ tim mạch như tác dụng hạ huyết áp, làm chậm quá trình hình thành mảng bám ở mạch máu, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, đột quỵ hay giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim ở những người mắc bệnh tim...
Omega-3 có thể làm giảm mức triglyceride, một loại mỡ máu xấu và gia tăng HDL- loại mỡ máu tốt cho cơ thể. Omega-3 cũng có thể làm giảm kết dính tiểu cầu và dự phòng nghẽn mạch vành, giảm nguy cơ gây rối loạn nhịp tim…
Bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu omega-3 như: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, rau bó xôi, cải xoăn, rong biển, trứng,… Đặc biệt là cá, bạn nên ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần để có một trái tim khỏe mạnh.
Omega-3 có nhiều trong hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, rau bó xôi, cải xoăn, rong biển, trứng,…
Các loại hạt ngũ cốc
Các loại ngũ cốc là nhóm thực phẩm có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm lượng cholesterol. Ngũ cốc nguyên hạt không chỉ giàu vitamin, chất xơ, các chất chống oxy hóa mà còn chứa nhiều khoáng chất tốt cho người bị nhịp tim chậm. Bạn có thể bổ sung thêm gạo lứt, lúa mạch, hạt kê, bột mì nguyên cám, yến mạch…
Thực phẩm giàu chất xơ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường type 2. Nếu trong chế độ ăn uống hằng ngày bạn cung cấp nhiều chất xơ sẽ giúp duy trì nồng độ triglyceride máu ở mức ổn định. Từ đó, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, viêm tụy,…
Những thực phẩm có nguồn chất xơ hòa tan như: Dâu tây, trái cây họ cam quýt, việt quất, đậu Hà Lan, bột yến mạch,… có tác dụng hỗ trợ giảm cholesterol và có thể giúp điều hòa đường trong máu.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Người bị nhịp tim chậm nên bổ sung những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa tiến triển thành rung nhĩ. Những thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa gồm:
Vitamin C: Trái cây họ cam quýt, ổi, cà chua, dứa, kiwi, dưa hấu, xoài, đu đủ, quả anh đào, rau có màu xanh đậm,…
Vitamin E: Dầu oliu, nghệ tây, đậu nành, lúc mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà Lan,…
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có lợi cho người nhịp tim chậm.
Tăng cường sterol thực vật
Các sterol thực vật (còn gọi là phytosterol) là một hợp chất có khả năng làm giảm cholesterol trong máu bằng cách can thiệp và giảm sự hấp thụ cholesterol ở ruột non mà không ảnh hưởng đến cholesterol tốt trong cơ thể. Trái cây, các loại hạt, các loại đậu, dầu thực vật, các loại ngũ cốc, mầm lúa mì là những thực phẩm có chứa sterol thực vật tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn.
4. Người bị nhịp tim chậm không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm không tốt cho người bệnh tim mạch nói chung và bệnh nhân nhịp tim chậm nói riêng. Việc kiêng sử dụng những loại thực phẩm này sẽ giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ
Người bị nhịp tim chậm nên kiêng những món ăn được chế biến có nhiều dầu mỡ. Bởi một chế độ ăn có quá nhiều chất béo không lành mạnh sẽ khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như: béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng mức độ cholesterol trong máu và chất béo trung tính cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, đột quỵ,…
Vì vậy, người bị nhịp tim chậm nên tránh những món ăn được chế biến từ chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe tim mạch như: mỡ lợn, da gà, mỡ bò,…
Ngoài ra, trong hầu hết các thực phẩm được chế biến sẵn đều có chất béo chuyển hóa như thức ăn nhanh, đồ ăn được đóng hộp, các món chiên xào, đồ nướng, bánh ngọt,…
Người bị nhịp tim chậm nên kiêng những món ăn được chế biến có nhiều dầu mỡ.
Thực phẩm nhiều chất kích thích
Nicotine, caffeine và cồn là những chất kích thích rất phổ biến có trong nhiều loại thực phẩm, không tốt cho sức khỏe. Những người bị nhịp tim chậm càng nên kiêng nạp những thực phẩm này vào cơ thể để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Những thực phẩm nên kiêng là: Socola, cà phê, rượu, bia, nước ngọt có ga, đồ ăn cay, thuốc lá.
Thực phẩm nhiều đường
Các món ăn, đồ uống có nhiều đường thường kích thích vị giác, là món ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn nạp quá nhiều thực phẩm nhiều đường thì hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của bạn, nhất là đối với hệ tim mạch. Bởi sử dụng quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch.
Chính vì vậy, bạn nên tránh những thực phẩm có nhiều đường như: bánh ngọt, kem, sữa chua, khoai tây chiên, bánh quy, mứt, bơ, các loại nước ngọt,…
Thực phẩm nhiều muối
Các loại thực phẩm đóng hộp chứa nhiều muối, không tốt cho người nhịp tim chậm.
Ở nước ta, ước tính trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối mỗi ngày, mức này cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị. Khi ăn nhiều muối, đồng nghĩa với việc lượng natri nạp vào cơ thể lớn, khiến thận phải làm việc quá tải. Lượng natri trong máu cao sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch, gây tăng thể tích máu. Do đó, việc sử dụng lượng muối quá mức là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Vì vậy, người bị nhịp tim chậm nên hạn chế các thực phẩm như: khoai tây chiên, các loại thịt được chế biến sẵn, các loại bánh bim bim, mì ăn liền, pizza, thịt bò khô, ô mai,…