Hà Nội

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh than

12-11-2024 11:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Việc ăn uống không lành mạnh, chế biến thực phẩm không an toàn… là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới vi khuẩn gây bệnh than có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

1. Vai trò của dinh dưỡng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh than

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường - Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng do vi khuẩn than có tên khoa học là Bacillus anthracis gây ra.

Khi tiếp xúc với mầm bệnh than cả người và động vật đều có thể bị bệnh nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nhanh chóng khi không được điều trị kịp thời.

Con người bị bệnh than là do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh. Bào tử của vi khuẩn than có thể xâm nhập vào cơ thể con người, sinh sôi nảy nở lan ra khắp cơ thể, sinh ra các chất độc và gây ra các biểu hiện bệnh. Bệnh than là một bệnh lý nghiêm trọng, cần điều trị bằng kháng sinh và các liệu pháp y tế chuyên sâu.

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh than- Ảnh 1.

Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng, có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.

Việc ăn uống không lành mạnh, chế biến không an toàn… sẽ là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới vi khuẩn gây bệnh than có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với liệu pháp điều trị giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể, phòng ngừa và hỗ trợ quá trình hồi phục, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

+ Tăng cường hệ miễn dịch: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, phản ứng tốt hơn trước sự xâm nhập của vi khuẩn, ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng.

+ Giữ cơ thể đủ năng lượng và sức khỏe tổng thể để phòng bệnh. Một chế độ ăn giàu protein và năng lượng giúp cơ thể đủ sức để đối phó với tình trạng nhiễm trùng. Protein cũng là thành phần quan trọng giúp tạo ra tế bào miễn dịch mới.

+ Hỗ trợ đường ruột, giảm tác dụng phụ của kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh than có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và men vi sinh giúp duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.

+ Giảm thiểu các biến chứng: Dinh dưỡng hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung để phòng và hỗ trợ bệnh than

Theo các chuyên gia, bổ sung các chất dinh dưỡng kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp hệ miễn dịch được củng cố và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bao gồm vi khuẩn gây bệnh than.

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh than- Ảnh 2.

Bổ sung các chất dinh dưỡng giúp hệ miễn dịch được củng cố và giảm nguy cơ nhiễm bệnh

Một số chất dinh dưỡng nên bổ sung hàng ngày để nâng cao sức khỏe phòng bệnh than như:

2.1. Vitamin C

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin C giúp kích hoạt tế bào bạch cầu và tăng cường hoạt động của chúng, giúp phòng ngừa các tác nhân gây bệnh. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây cam, chanh, bưởi, ổi, kiwi, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh…

2.2. Vitamin D

Vitamin D giúp điều hòa hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và tăng cường sức đề kháng. Vitamin D có nhiều ở cá hồi, cá mòi, cá thu, sữa tăng cường vitamin D, lòng đỏ trứng…

2.3. Kẽm

Kẽm là khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể sản xuất và kích hoạt các tế bào bạch cầu, làm tăng khả năng phòng ngừa và chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Kẽm có nhiều trong hàu, thịt bò, hạt bí, hạt điều, đậu xanh, ngũ cốc nguyên hạt.

2.4. Selen

Selen là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn cung cấp nhiều selen là cá ngừ, cá mòi, thịt gà, trứng, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

2.5. Vitamin A

Vitamin A giúp duy trì sức khỏe của niêm mạc và hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn. Nguồn cung cấp vitamin A có nhiều ở trong gan động vật, các loại rau lá xanh đậm, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cải bó xôi…

2.6. Omega-3

Axit béo Omega-3 có tác dụng chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm trong cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể dễ dàng chống lại tình trạng nhiễm trùng. Nguồn cung cấp omega-3 có nhiều ở trong quả óc chó, hạt chia, hạt lanh, cá hồi, cá trích, cá thu…

2.7. Chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa Polyphenols và Flavonoids giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của vi khuẩn và giảm tình trạng viêm. Mọi người có thể tăng cường thông qua ăn các loại hạt, trà xanh, rau cải xanh, nho, dâu tây…

3. Một số thực phẩm người mắc bệnh than nên hạn chế ăn

Bệnh than không lây truyền qua đường thực phẩm nhưng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc sản phẩm động vật bị nhiễm khuẩn than. Để hỗ trợ phòng ngừa bệnh và tăng cường hệ miễn dịch, ngoài tăng cường các thực phẩm chứa vi chất dinh dưỡng tốt giúp bảo vệ sức khỏe, mọi người cũng cần tránh những thực phẩm có thể làm suy giảm hệ miễn dịch.

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh than- Ảnh 3.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán để không gây hại cho sức khỏe người bệnh.

Một số thực phẩm nên hạn chế hoặc không sử dụng như:

+ Thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều đường vì đường làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng phản ứng viêm. Ví dụ như đồ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt có ga…

+ Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có thể làm tăng viêm trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Ví dụ như thịt đỏ nhiều mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến công nghiệp…

+ Thực phẩm chứa cồn như rượu, bia có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch và làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn.

+ Thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt từ động vật. Tránh các sản phẩm động vật chưa qua xử lý kỹ như thịt chưa nấu chín, sữa chưa tiệt trùng… từ nguồn không an toàn. Tốt nhất là mọi người nên ăn chín, uống sôi và chọn sản phẩm động vật từ nguồn tin cậy, không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.

Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách, sau khi chôn sâu xác động vật nên rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo BS. Nguyễn Mạnh Trường, để tăng cường sức khỏe, mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với các nguồn có nguy cơ nhiễm bệnh như: Cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da; tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh…

Bác sĩ chỉ lý do bệnh than nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừaBác sĩ chỉ lý do bệnh than nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa

SKĐS - Chỉ trong tháng 5, Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than với 13 trường hợp mắc bệnh. Vậy bệnh than nguy hiểm thế nào, biểu hiện của bệnh than là gì và căn bệnh này có phòng được không... là hàng loạt câu hỏi mà nhiều người đặt ra.



Anh Khôi
Ý kiến của bạn