1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với người viêm loét dạ dày
Theo chia sẻ của TS.BS Đoàn Huy Cường – Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), viêm loét dạ dày là bệnh rất thường gặp, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), ăn uống không khoa học và hợp lý được nhiều nghiên cứu chỉ ra là các nguyên nhân hàng đầu.
- 1.Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với người viêm loét dạ dày
- 2.Người bị bệnh viêm loét dạ dày nên ăn uống gì để cải thiện chứng bệnh?
- 2.1.Những loại thực phẩm bệnh nhân viêm loét dạ dày nên sử dụng:
- 2.2.Các đồ ăn, thức uống mà người bị viêm loét dạ dày không nên hoặc hạn chế sử dụng:
- 3.Cách chế biến và lời khuyên ăn uống cho người viêm loét dạ dày
- 3.1.Cách chế biến thực phẩm:
- 3.2. Ăn đúng cách cho người bị viêm loét dạ dày
- 3.3. Thời điểm ăn uống tốt nhất đối với người bị viêm loét dạ dày
- 4. Các lưu ý khi chăm sóc người viêm loét dạ dày
Người bị viêm loét dạ dày cần tuân thủ chế độ ăn uống đặc biệt để giảm thiểu cơn đau và tăng cường quá trình phục hồi. Chế độ này không chỉ giúp hạn chế sự khó chịu mà còn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Thực đơn cho người bị viêm loét dạ dày nên tập trung vào các thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng nhưng đồng thời cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm có thể làm tăng độ acid trong dạ dày.
2. Người bị bệnh viêm loét dạ dày nên ăn uống gì để cải thiện chứng bệnh?
2.1. Những loại thực phẩm bệnh nhân viêm loét dạ dày nên sử dụng:
Rau quả giàu flavonoid: Các thực phẩm như táo, hành, gừng, trà xanh là những loại quả chứa hàm lượng Flavonoid cao, có khả năng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Thực phẩm chứa vi khuẩn có lợi: Sữa chua được xem là những thực phẩm giàu lợi khuẩn. Lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ trong thực phẩm có công dụng làm giảm lượng acid bên trong dạ dày, đồng thời giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau hoặc đầy hơi. Có thể bổ sung táo, lê, bột yến mạch vào trong bữa ăn để có một hệ tiêu hóa tốt.
Vitamin A: Khoai lang là một thực phẩm lý tưởng chứa nhiều vitamin A. Loại vitamin này có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày bằng cách làm giảm tình trạng nghiêm trọng của những vết loét. Hơn nữa vitamin A còn giúp hạn chế viêm loét dạ dày tái phát. Ngoài khoai lang thì có thể tìm thấy vitamin A trong những thực phẩm như rau bina, cà rốt, dưa lưới và gan bò.
2.2. Các đồ ăn, thức uống mà người bị viêm loét dạ dày không nên hoặc hạn chế sử dụng:
Rượu bia và thức uống có cồn: Rượu bia là nguyên nhân gây ra kích thích đường tiêu hoá, thậm chí làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa. Người đã từng mắc bệnh hoặc đang điều trị viêm loét dạ dày không được sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn. Với người khỏe mạnh cũng không nên lạm dụng để hạn chế bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để xử lý những thức ăn có nhiều dầu mỡ hơn. Vì vậy, không nên ăn thức ăn dầu mỡ để tránh tình trạng kích thích dạ dày, ảnh hưởng đến những vết loét vốn có.
3. Cách chế biến và lời khuyên ăn uống cho người viêm loét dạ dày
3.1. Cách chế biến thực phẩm:
Chọn và chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu: Những thực phẩm dễ tiêu hóa sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho dạ dày, tránh co bóp mạnh liên tục và tính chất mềm mịn của thức ăn sẽ không làm các vết viêm loét, tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể cho những món ăn này vào danh sách: cháo, bơ, khoai lang, sữa chua,…
Nên chế biến món ăn hấp, luộc; hạn chế chiên xào vì dễ gây chướng bụng, đau bụng, dạ dày sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tiêu hóa.
3.2. Ăn đúng cách cho người bị viêm loét dạ dày
Thức ăn nên được nấu chín hoặc ninh nhừ, không ăn đồ ăn sống, tái. Ăn chậm, nhai kỹ khi dùng bữa.
Chú ý đến nhiệt độ của đồ ăn: Nếu đồ ăn lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh, nếu đồ ăn quá nóng dễ làm xung huyết niêm mạc dạ dày.
Nồng độ thức ăn: Thức ăn quá đặc hay quá loãng đều ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của dạ dày. Nếu đặc quá thức ăn sẽ không thấm đều men tiêu hoá, nếu quá lỏng thì men tiêu hóa sẽ bị pha loãng, sự tiêu hóa sẽ không đạt hiệu quả cao nhất.
3.3. Thời điểm ăn uống tốt nhất đối với người bị viêm loét dạ dày
Ăn uống đúng bữa: Theo các nghiên cứu khoa học, thời điểm tốt nhất để ăn sáng là 7-8h, bữa trưa cách bữa sáng 4 giờ, ăn tối cách lúc đi ngủ ít nhất 3 tiếng. Người bệnh viêm loét dạ dày tuyệt đối không được bỏ bữa, bởi nếu để bụng quá đói sẽ làm gia tăng cơn đau do dạ dày phải co bóp mạnh. Đồng thời cũng tránh ăn quá no khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích và tiết ra nhiều a-xit gây viêm loét.
Bổ sung các bữa nhỏ trong ngày: Ngoài 3 bữa chính, việc bổ sung bữa phụ giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn nhằm trung hòa a-xit. Tốt nhất là ăn bữa nhỏ sau bữa chính từ 2-3 tiếng. Lưu ý không ăn thêm vào ban đêm.
4. Các lưu ý khi chăm sóc người viêm loét dạ dày
Nên thái nhỏ, nghiền nát và nấu thật mềm thức ăn giúp bệnh nhân dễ ăn và hấp thụ hơn.
Hỗ trợ chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân tránh những căng thẳng, lo lắng. Cho họ nghỉ ngơi thật nhiều, tránh làm việc quá sức.
Cho bệnh nhân ăn ngay sau khi nấu xong. Lưu ý thức ăn không được quá nóng hoặc quá lạnh không tốt cho dạ dày.
Nhắc nhở bệnh nhân ăn chậm, nhai kỹ giúp dạ dày không phải hoạt động nhiều gây tổn thương.
Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh viêm loét dạ dày. Do đó, bệnh nhân viêm loét dạ dày nên đến gặp bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng để lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.