Chế độ dinh dưỡng cho người bị thống kinh

27-04-2025 12:21 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng đến một số vấn đề của chu kỳ kinh nguyệt. Việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp làm giảm sự khó chịu của các cơn đau thống kinh trong kỳ kinh nguyệt.

1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng với người bị thống kinh

Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thống kinh- Ảnh 1.

Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh nói chung, trong đó có người bị thống kinh. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng đến một số vấn đề của chu kỳ kinh nguyệt. Không có loại thực phẩm nào được chứng minh có tác dụng làm chấm dứt hoàn toàn cơn đau bụng kinh. Nhưng việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp làm giảm sự khó chịu của các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt.

2. Người bị thống kinh nên ăn, uống gì?

2.1 Bổ sung thực phẩm có chứa nhiều vitamin

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thống kinh- Ảnh 2.

Vitamin B12 và axit folic rất quan trọng cho sự phát triển của các tế bào máu và cân bằng nội tiết tố.

  • Trong các loại vitamin thiết yếu của cơ thể thì vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và cân bằng hormone sinh sản. Cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin D như trứng và cá béo...
  • Vitamin B6 giúp điều chỉnh hormone, giảm triệu chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt và tăng cường sản xuất progesterone. Có thể bổ sung vitamin B6 cho cơ thể bằng việc sử dụng chuối, khoai tây, thịt gia cầm và hạt hướng dương...
  • Vitamin B12 và axit folic rất quan trọng cho sự phát triển của các tế bào máu và cân bằng nội tiết tố. Những thực phẩm có nhiều loại dưỡng chất này là trứng, thịt, sữa và các loại rau lá xanh đậm...

2.2 Bổ sung đủ nước

Bác sĩ khuyến cáo người bị thống kinh nên uống đủ nước, đặc biệt là trong những ngày hành kinh. Việc này ngoài bổ sung nước cần thiết cho cơ thể còn có tác dụng giảm triệu chứng đau với một số trường hợp. Không nên uống một lúc quá nhiều nước hay uống quá lượng nước cơ thể cần. Nên tham vấn ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có liều lượng phù hợp với thể trạng, tình trạng bệnh.

2.3 Bổ sung thực phẩm chứa nhiều khoáng chất

  • Kẽm là khoáng chất cần thiết cho sản xuất hormone và hỗ trợ hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm hải sản (nhất là hàu), thịt đỏ, hạt bí ngô và đậu...
  • Trong thời gian bị thống kinh, lượng lớn máu bị đào thải ra ngoài. Sắt là dưỡng chất liên quan đến quá trình tái tạo hồng cầu. Thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, gan, đậu, rau bina và ngũ cốc bổ sung sắt...
  • Magie giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ cân bằng hormone. Magie có nhiều trong các loại hạt, rau xanh, hạt chia và bơ...

2.4 Bổ sung chất xơ

  • Chất xơ giúp loại bỏ estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giúp cân bằng hormone. Nguồn chất xơ dồi dào đến từ rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây tươi.

2.5 Bổ sung Protein

  • Protein động vật như thịt nạc, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa giúp cơ thể có đủ lượng axit amin cần thiết cho việc sản xuất và cân bằng hormone.
  • Protein thực vật trong các loại đậu và hạt cây giúp duy trì năng lượng và sự phát triển cơ bắp.

3. Người bị thống kinh không nên ăn gì?

3.1 Không nên ăn thức ăn cay và mặn

  • Thức ăn cay có thể làm dạ dày khó chịu, khiến người bệnh bị đau dạ dày, tiêu chảy và thậm chí là buồn nôn. Thực phẩm này được khuyến cáo nên tránh sử dụng trong kỳ kinh nguyệt.
  • Thức ăn mặn sẽ gây giữ nước khiến cơ thể bị đầy hơi dẫn đến triệu chứng đau bụng kinh nặng nề hơn.

3.2 Không nên sử dụng rượu bia

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thống kinh- Ảnh 3.

Người bị thống kinh không nên uống bia rượu trong những ngày hành kinh.

Người bị thống kinh không nên uống bia rượu trong những ngày hành kinh. Bởi bia rượu có thể làm cơ thể mất nước, làm trầm trọng hơn các triệu chứng khó chịu như đau đầu, đầy hơi, đau bụng kinh… Caffeine cũng có gây giữ nước và đầy hơi, làm trầm trọng thêm cơn đau đầu.

3.3 Hạn chế thức ăn chứa quá nhiều chất béo

Các loại thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên rán, thức ăn chế biến nhanh hoặc uống nước ngọt có gas có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể, khiến cơn đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.

3.4 Hạn chế các loại thịt đỏ

Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ sẽ sản xuất ra chất prostaglandin giúp tử cung co bóp để hình thành chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Tuy nhiên, nếu lượng prostaglandin cao có thể gây đau bụng kinh. Trong thịt đỏ chứa nhiều chất prostaglandin, vì thế chị em nên tránh bổ sung thịt đỏ như thịt bò, thịt dê, thịt cừu… trong khoảng thời gian này.

4. Một số khuyến cáo khác với người bị thống kinh

  • Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng phù hợp, chị em nên kết hợp với việc tập luyện thể dục vừa phải.
  • Thực hiện một số biện pháp nhằm phòng tránh bệnh phụ khoa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân trong kỳ kinh nguyệt.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, hạn chế các yếu tố gây stress, căng thẳng bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hormone sinh dục trong cơ thể nữ giới.
  • Chủ động chia sẻ tình trạng bệnh và những bất thường trong quá trình điều trị, tuân thủ theo khuyến cáo và chỉ định của bác sĩ.
Thống kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trịThống kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

SKĐS - Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.


TS. BS. Trần Thị Sơn Trà
Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới
Ý kiến của bạn