Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống cổ

23-12-2024 10:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các loại bệnh, trong đó có bệnh thoái hóa cột sống cổ. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh và giảm nguy cơ tái phát.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị thoái hóa cột sống cổ

Trong quá trình điều trị thoái hóa cột sống cổ, ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân nên kết hợp bổ sung dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm có lợi cho xương để nâng cao hiệu quả điều trị. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ trị bệnh và giảm nguy cơ tái phát bệnh.

2. Người bị thoái hóa cột sống cổ nên ăn gì?

  • Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý liên quan đến xương nên việc bổ sung canxi là cần thiết. Bởi canxi là yếu tố thiết yếu cho sức khỏe, tác động đến sự phát triển của xương khớp, cũng như giúp duy trì độ chắc khỏe của xương, ngăn ngừa tình trạng loãng xương, nứt xương và gãy xương. Các nguồn thực phẩm phong phú về canxi bao gồm sản phẩm từ sữa, sữa chua, các loại đậu như đậu Hà Lan, cá hồi và rau xanh…
Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống cổ- Ảnh 1.

Canxi là yếu tố thiết yếu cho sức khỏe, tác động đến sự phát triển của xương khớp, cũng như giúp duy trì độ chắc khỏe của xương, ngăn ngừa tình trạng loãng xương, nứt xương và gãy xương.

  • Thực phẩm giàu vitamin A không chỉ tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng chống bệnh tật mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi khi mắc bệnh. Dưỡng chất này còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và hấp thụ protein hiệu quả. Chuyên gia chỉ ra một số thực phẩm chứa nhiều vitamin A như gan bò, gà, sữa, bơ, phô mai, trứng, cũng như trái cây màu cam hay rau màu xanh đậm hoặc khoai lang.
  • Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12. Dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của tủy xương và hỗ trợ sự phát triển cũng như thực hiện chức năng của cột sống cổ. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B12 gồm thịt đỏ, cá, gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa...

  • Thực phẩm giàu vitamin D có tác dụng cải thiện khả năng hấp thụ canxi, hỗ trợ phát triển xương và giúp ngăn ngừa nguy cơ như gãy xương, loãng xương và thoái hóa cột sống cổ. Một số loại thực phẩm có hàm lượng vitamin D cao như dầu cá, lòng đỏ trứng...
  • Omega 3 có tác dụng chống viêm, rất có lợi cho người bị thoái hóa cột sống cổ. Hợp chất này giúp ức chế phản ứng viêm ở các đốt sống bị thoái hóa và các mô xung quanh. Người bị thoái hóa cột sống cổ nên ăn các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm... hoặc hàu, trứng cá muối để bổ sung omega 3 cho cơ thể.
  • Sắt là dưỡng chất cần thiết cho các tế bào, hỗ trợ việc vận chuyển oxy và loại bỏ carbon, đồng thời tham gia vào sản xuất myoglobin, một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cơ thể và hỗ trợ cột sống. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm cua, sò, thịt đỏ, đậu nành, và trứng gà…
  • Thực phẩm giàu magie có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng của cơ, khả năng co dãn, duy trì trương lực cơ, và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến cột sống cổ. Các loại thực phẩm chứa magie bao gồm gạo, ngũ cốc, đậu các loại, hạt, chuối, tôm hùm và các loại rau xanh…
Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống cổ- Ảnh 2.

Bệnh nhân nên tìm đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp.

Ngoài ra với một số trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh đặc biệt, bệnh nền nên tìm đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp tránh tình trạng các bệnh khác tiến triển nặng khi dùng chế độ ăn hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ.

3. Người bị thoái hóa cột sống cổ không nên sử dụng thực phẩm nào?

  • Người bị thoái hóa cột sống cổ nên hạn chế hoặc không sử dụng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Bởi các loại thực phẩm này có thể làm tăng tình trạng viêm và thoái hoá, đặc biệt là ở vùng cột sống cổ.
  • Các loại thức ăn cay nóng như ớt, gừng, hạt tiêu… có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa cột sống cổ và gây ra các cơn đau nhức xương khớp. Vì vậy, người bệnh nên tránh các loại thức ăn cay trong bữa ăn.
  • Các loại thực phẩm như thịt xông khói, thịt lợn muối, thực phẩm đóng hộp không có lợi cho người bị thoái hóa cột sống cổ vì chúng có hàm lượng cao muối, purin, fructose... Sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng ở các vị trí cột sống bị thương tổn.
  • Một số thực phẩm chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê sẽ tác động xấu đến xương khớp, đặc biệt là vùng cột sống cổ và còn gây hại cho sức khỏe chung của người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống cổ- Ảnh 3.

Các loại thức ăn cay nóng như ớt, gừng, hạt tiêu… có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa cột sống cổ và gây ra các cơn đau nhức xương khớp.

4. Một số khuyến cáo của bác sĩ để phòng, trị bệnh thoái hóa cột sống cổ

  • Trong lao động, sinh hoạt cần tránh các động tác sai tư thế, đột ngột thay đổi tư thế, giữ một tư thế quá lâu, mang vác quá nặng gây chèn ép xương cột sống... Tránh va chạm mạnh gây thương tổn vùng cột sống cổ.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa cột sống cổ và nhiều bệnh tật khác.
  • Tập thể dục thường xuyên để làm tăng lưu lượng máu và oxy đến các vùng trên xương sống, hỗ trợ vận chuyển các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp duy trì tính linh hoạt của cột sống.
  • Khi ngủ, tránh nằm ở 1 tư thế quá lâu, không nằm sấp khiến cổ bị gập xuống, gối đầu có độ dày phù hợp, không nên nằm gối đầu quá cao.
  • Phát hiện sớm các dị tật vùng cột sống, các bệnh lý xương khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, bệnh có nhiều nguyên nhân và tiến triển từ từ, có khả năng gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm khả năng vận động của người bệnh.


Ths. dinh dưỡng Bùi Thị Nhị Sen
Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới
Ý kiến của bạn