1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị thận ứ nước
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các loại bệnh trong đó có bệnh thận ứ nước. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất chống viêm, đủ nước và bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ chức năng thận và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Khi bị thận ứ nước, nếu dung nạp những thực phẩm không lành mạnh, khó chuyển hóa, khó hấp thu, gây áp lực khiến thận kiệt sức, bệnh tiến triển xấu nhanh hơn. Chính vì thế, lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo cân bằng dưỡng chất, tốt cho thận là điều cần được ưu tiên khi chăm sóc người bệnh thận ứ nước trong quá trình điều trị.
2. Người bệnh thận ứ nước nên ăn, uống gì?
Theo bác sĩ, người bệnh thận ứ nước nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất thiết yếu. Không cần kiêng cữ quá nhiều các loại thực phẩm khác nhau. Đặc biệt, với người bệnh thận ứ nước do sỏi thận hoặc sỏi niệu quản, cần chú ý tuân thủ chế độ dinh dưỡng sau:
- Uống đủ nước: Người bệnh thận ứ nước vẫn nên uống đầy đủ nước để duy trì sức khỏe. Việc uống nhiều nước có thể khiến triệu chứng đau lưng trở nên nặng hơn và mức độ ứ nước tăng nhanh hơn nhưng cơ thể vẫn cần lượng nước vừa đủ để duy trì chức năng thận và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu ngược dòng. Với trường hợp người bệnh thận ứ nước quá nặng dẫn đến suy thận cấp thì có thể cần giảm lượng nước uống vì lúc này cơ thể không còn khả năng thải nước qua nước tiểu nữa. Việc tăng hay giảm lượng nước nạp vào cơ thể nên được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau khi khám, chẩn đoán về tình trạng bệnh.
- Bổ sung canxi tự nhiên trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, hạn chế sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi.
- Chế độ ăn bổ sung phytase thực vật, chất được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm đại mạch, lúa mạch đen, gạo và các loại đậu.
- Các loại trái cây và rau củ giàu vitamin C, E và các polyphenol chống oxy hóa như cam, chanh, quả mọng, cà chua, và cà rốt có khả năng chống lại các gốc tự do và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Các khoáng chất như kẽm, selen có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
- Các thực phẩm lợi tiểu tự nhiên như dưa chuột, cần tây, dưa hấu có tác dụng lợi tiểu nhẹ, giúp tăng cường việc loại bỏ nước thừa và chất độc qua đường tiết niệu.
3. Người bị thận ứ nước không nên ăn, uống gì?
- Ăn ít muối: Việc ăn quá nhiều muối có thể làm tăng gánh nặng cho thận và gây ra các vấn đề về huyết áp, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm đài bể thận.
- Không ăn quá nhiều đạm động vật: Trong một số trường hợp bệnh lý thận, việc tiêu thụ quá nhiều đạm động vật có thể tạo ra nhiều chất thải từ quá trình chuyển hóa protein, làm tăng gánh nặng cho thận. Người bệnh nên ăn vừa phải các nguồn đạm động vật và bổ sung đạm thực vật từ các loại đậu và hạt.
- Không ăn thực phẩm chứa nhiều đường, bao gồm thực phẩm chứa đường đa, đường đơn: Người mắc bệnh thận ứ nước và có các bệnh nền như tiểu đường cần duy trì mức đường huyết ổn định. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng ở thận do đường huyết cao gây ra.
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ uống có đường dễ gây viêm, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm nặng thêm tình trạng của thận.
- Một số thực phẩm chứa nhiều oxalate như rau chân vịt, củ cải đường, chocolate và các loại hạt có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, từ đó làm tăng nguy cơ tạo tác nhân gây bệnh thận ứ nước. Người bệnh nên ăn hạn chế những thực phẩm này.
4. Một số khuyến cáo cho người bị thận ứ nước
- Giảm stress và tăng cường lối sống lành mạnh: Dinh dưỡng kết hợp với lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ và kiểm soát căng thẳng giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa tác nhân gây ra tình trạng thận ứ nước, hỗ trợ điều trị bệnh.
- Tránh caffein và rượu: Caffeine và rượu có thể gây kích ứng thận, ảnh hưởng đến chức năng thận. Hạn chế uống cà phê, trà đen, đồ uống có gas và tránh uống rượu để bảo vệ chức năng thận.
- Theo dõi lượng đường trong máu: Đối với những người có bệnh lý nền như tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết là cần thiết để bảo vệ thận và ngăn ngừa biến chứng.
- Hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và thực phẩm nhiều tinh bột đã qua chế biến. Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ để kiểm soát đường huyết.
- Uống đủ nước: Nước giúp thải độc tố và vi khuẩn qua đường tiểu, giảm áp lực lên thận và làm sạch đường tiết niệu. Uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày, trừ khi có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ. Uống nước đều đặn trong ngày, tránh uống quá nhiều nước một lần.