Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm cơ tim

03-11-2024 07:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học là một trong những biện pháp góp phần hỗ trợ phòng nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim. Trong chế độ ăn với người bệnh viêm cơ tim, bệnh nhân cần tránh một số thực phẩm để giảm gánh nặng cho tim.

1. Vai trò dinh dưỡng với bệnh viêm cơ tim

Theo PGS. TS. Hoàng Bùi Hải (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội) chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Viêm cơ tim sẽ ảnh hưởng đến cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim. Đây là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim. Khi nặng, viêm cơ tim gây ra suy tim, làm cho không bơm đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể. Các cục máu đông có thể hình thành trong tim, dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử.

Viêm cơ tim là do sự viêm nhiễm ở cơ tim, thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc phản ứng tự miễn. Chế độ ăn uống không trực tiếp gây ra bệnh cơ tim nhưng lại là yếu tố có thể góp phần làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng tốt góp phần hỗ trợ phòng nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim.

Chuyên gia về tim mạch đã chỉ ra một số lợi ích của việc tuân thủ chế độ ăn ở người viêm cơ tim:

Hỗ trợ hệ miễn dịch: Viêm cơ tim thường là hậu quả của nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn. Bổ sung dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.

Điều hòa huyết áp: Tình trạng viêm cơ tim có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, dễ dẫn đến rối loạn huyết áp. Chế độ ăn hỗ trợ điều hòa huyết áp sẽ giúp tim không bị quá tải.

Giảm cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch: Cholesterol cao có thể làm tổn thương mạch máu và gia tăng nguy cơ cho tim, đặc biệt với người bệnh viêm cơ tim. Việc giảm cholesterol giúp bảo vệ tim và duy trì lưu thông máu tốt.

Cung cấp năng lượng cho cơ tim: Chế độ ăn uống đầy đủ năng lượng sẽ giúp cơ tim không bị quá tải.

Hỗ trợ điều hòa đường huyết: Mức đường huyết ổn định rất quan trọng cho sức khỏe tim mạch và giúp giảm nguy cơ biến chứng của viêm cơ tim.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm cơ tim- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

2. Một số chất dinh dưỡng cần thiết và thực phẩm nên ăn cho bệnh nhân viêm cơ tim

+ Thực phẩm chứa chất oxy hóa: Các loại quả mọng (việt quất, dâu tây…), rau xanh, cà rốt, cà chua và trà xanh. Chất chống oxy hóa như Polyphenol và Flavonoid… giúp bảo vệ tế bào tim khỏi tổn thương do gốc tự do, làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

+ Omega-3: là một axit béo không bão hòa có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giúp giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim. Các loại cá giàu omega-3 (cá hồi, cá thu), dầu ô liu, quả óc chó, hạt lanh, rau xanh đậm, và quả mọng.

+ Vitamin C, A và kẽm: Chúng có nhiều trong cam, chanh, kiwi, cà rốt, khoai lang, thịt gà, hàu, hạt bí…

+ Thực phẩm giàu kali và magie giúp điều hòa nhịp tim và thư giãn cơ tim, ngăn ngừa rối loạn nhịp và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Chúng có nhiều trong chuối, khoai lang, bơ, rau xanh, hạt, ngũ cốc nguyên cám…

3. Thực phẩm nên hạn chế để phòng ngừa viêm cơ tim

Thực phẩm nhiều đường và tinh bột tinh chế: Các loại đường tinh luyện, bánh kẹo ngọt và đồ uống có ga có thể gây viêm và ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch.

Thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo transfat: Thịt đỏ, thức ăn nhanh, và đồ chiên rán chứa nhiều chất béo xấu, dễ làm tăng cholesterol và tăng nguy cơ viêm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiêu thụ nhiều chất béo trans làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hơn gấp 3 lần so với việc tiêu thụ những chất béo bão hòa.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm cơ tim- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Thực phẩm nhiều muối: Muối làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim. Bởi vậy nên hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều muối như đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.

Đồ uống có cồn và caffeine: Đồ uống có cồn và caffeine có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây thêm căng thẳng cho cơ tim.

4. Thói quen ăn uống tốt cho người viêm cơ tim

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng sẽ giúp người bệnh viêm cơ tim tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm và bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt nhất. Chế độ ăn giàu chất chống o xy hóa giúp giảm bớt tình trạng viêm nhiễm, từ đó hạn chế nguy cơ tổn thương lâu dài cho cơ tim.

+ Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh quá tải cho tim.

+ Uống đủ nước để duy trì tuần hoàn tốt, giúp hỗ trợ chức năng tim và loại bỏ độc tố.

+ Hạn chế ăn tối muộn để giảm gánh nặng cho cơ thể trong khi ngủ.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm cơ tim- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Để sớm hồi phục sức khỏe sau khi điều trị cho người viêm cơ tim, trong chăm sóc cần lưu ý: Trong chế độ ăn cần cân đối và cân bằng 4 nhóm thực phẩm thiết yếu cho cơ thể gồm nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; Tăng cường rau củ, trái cây…; Tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn được đóng hộp và loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas…

Ở giai đoạn sớm rất khó để phát hiện viêm cơ tim do người bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Mọi người cần lưu ý với biểu hiện đau ngực trái nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức…, tốt nhất là có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường sớm về sức khỏe.

Ngoài ra, cũng cần chú ý tiêm vaccine phòng bệnh, luôn cập nhật về các loại vaccine được khuyến nghị, bao gồm cả những loại vaccine chống lại cúm và rubella – bệnh có thể gây viêm cơ tim.

Làm thế nào để phòng bệnh viêm cơ tim ở trẻ em? Làm thế nào để phòng bệnh viêm cơ tim ở trẻ em?

SKĐS - Viêm cơ tim là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm, tuy nhiên, bệnh cũng có thể được đề phòng bằng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.


An Khánh
Ý kiến của bạn