Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cổ tử cung

19-06-2024 09:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Để duy trì sức khỏe tốt, người bệnh ung thư cổ tử cung được khuyên nên giữ cân nặng khỏe mạnh, duy trì hoạt động thể chất và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Những biện pháp này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư cổ tử cung

Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến và có thể gây tử vong cho nhiều phụ nữ. Có nhiều yếu tố gây ung thư cổ tử cung, trong đó nhiễm virus HPV là yếu tố phổ biến quan trọng nhất.

Các yếu tố khác như: tuổi cao, tiền sử gia đình (có mẹ hoặc chị gái bị ung thư cổ tử cung), hút thuốc, nhiễm vi khuẩn Chlamydia qua quan hệ tình dục, hệ miễn dịch suy yếu… có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung.

Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxy hóa và vitamin có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hơn những người có chế độ ăn không lành mạnh bao gồm thực phẩm chứa nhiều đường, thịt đã qua chế biến, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa…

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cổ tử cung- Ảnh 1.

Thực phẩm chứa nhiều đường không tốt cho người bệnh ung thư cổ tử cung.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, để duy trì sức khỏe tốt sau điều trị ung thư cổ tử cung, người bệnh nên: Giữ cân nặng khỏe mạnh; Duy trì hoạt động thể chất, hạn chế thời gian ngồi hoặc nằm; Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn. Cố gắng tránh xa thuốc lá. Tốt nhất là không uống rượu… Những biện pháp này cũng làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác.

Thực tế cho thấy, chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ sẽ tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì chức năng và chống lại bệnh tật; Giảm tác dụng phụ của điều trị; Cải thiện tâm trạng và giảm bớt căng thẳng, lo âu...

2. Các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh ung thư cổ tử cung

Không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể giảm nguy cơ bằng cách thay đổi lối sống. Ung thư cổ tử cung là một ví dụ về một loại ung thư không liên quan đến chế độ ăn uống, cân nặng hoặc không hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, hóa trị, xạ trị và thậm chí cả các tác dụng phụ của phẫu thuật thường đóng vai trò trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong suốt quá trình điều trị.

Dưới đây là một số khuyến nghị dinh dưỡng lành mạnh:

Ăn đủ chất dinh dưỡng

Người bệnh ung thư cổ tử cung cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để hỗ trợ quá trình điều trị và nâng cao sức khỏe bao gồm:

Chất đạm: Giúp cơ thể phục hồi và sửa chữa mô, duy trì hệ miễn dịch, sản xuất enzyme. Nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm bao gồm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt.

Tinh bột: Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp duy trì hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Người bệnh nên chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế như: Gạo lứt, yến mạch, khoai lang, bánh mì nguyên cám…

Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng, giúp hấp thu vitamin tan trong dầu, hỗ trợ chức năng não bộ, thị lực. Nên chọn chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ), quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt…

Vitamin, khoáng chất: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa thiếu máu… Nguồn thực phẩm: Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, các loại đậu, các loại hạt…

Uống đủ nước

Nước rất quan trọng cho mọi chức năng của cơ thể, giúp thanh lọc cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các tế bào, đào thải độc tố, đặc biệt là trong quá trình điều trị ung thư. Người bệnh nên uống ít 2 lít nước mỗi ngày.

Bổ sung thực phẩm chống viêm và chống oxy hóa

Các nghiên cứu về vai trò của chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung đã tập trung vào các chất dinh dưỡng chống oxy hóa và chế độ ăn giảm thiểu tác động của virus HPV. Trong đó hạn chế thực phẩm gây viêm và tăng cường thực phẩm chống oxy hóa, chống viêm có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Chất chống oxy hóa có vai trò bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Các gốc tự do có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh và được cho là có vai trò gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư.

Người bệnh ung thư cổ tử cung nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng, cải thiện sức khỏe tổng thể. Các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm tốt nhất bao gồm: rau, trái cây, các loại quả mọng, ngũ cốc, trà xanh…

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cổ tử cung- Ảnh 3.

Người bệnh ung thư cổ tử cung nên ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

3. Một số thực phẩm tốt cho người bệnh ung thư cổ tử cung

Nghiên cứu cho thấy, các chất dinh dưỡng chống oxy hóa như caroten, vitamin A, C, E và folate có thể ngăn ngừa hoặc giảm nhiễm trùng HPV gây ung thư cổ tử cung.

Thực phẩm chứa flavonoid: Những hợp chất hóa học này được cho là có tác dụng bảo vệ chống ung thư, được tìm thấy trong măng tây, đậu đen, bông cải xanh, rau bina, cải bắp, việt quất, tỏi, rau diếp, hành tây, táo, đậu nành…

Thực phẩm giàu folate: Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm: bơ, rau diếp, đậu xanh, đậu lăng, nước cam… có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những phụ nữ bị nhiễm HPV.

Carotenoid: Những nguồn vitamin A quý giá này được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây, rau, đậu, đặc biệt là trong các loại thực phẩm có màu cam như cà rốt, bí đỏ, khoai lang...

Quả mọng: Các loại quả mọng như: dâu tây, dâu đen, quả việt quất, quả mâm xôi… có chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins. Các hợp chất này có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: chất xơ, chất đạm, vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, chất xơ, chất chống oxy hóa và nhiều loại hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm viêm, ngăn ngừa bệnh tật.

Trà xanh: Trà xanh có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, đặc biệt là một chất gọi là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Hàm lượng EGCG cao trong trà xanh làm giảm viêm nhiễm và bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi bị hư hại dẫn đến bệnh tật.

Cách tốt nhất để tăng lượng chất chống oxy hóa cho cơ thể đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ là chúng ta nên sử dụng nhiều nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật có nhiều màu sắc khác nhau.

Cần lưu ý, mặc dù chế độ ăn uống không có mối liên hệ trực tiếp đến việc gây ra ung thư cổ tử cung nhưng dinh dưỡng tổng thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của người bệnh. Để tối đa hóa lợi ích của dinh dưỡng, tốt nhất người bệnh, người chăm sóc nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia về chế độ ăn phù hợp với thể trạng cá nhân.

Xem thêm:

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cungCác phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

SKĐS – Ung thư cổ tử cung đứng đầu trong các khối u ác tính ở đường sinh sản nữ. Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung có thể giảm thông qua phòng ngừa, chẩn đoán sớm, phát hiện và điều trị hiệu quả.


Thu Phương
Ý kiến của bạn