Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại tâm thu

10-02-2025 14:25 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ngoại tâm thu là một dạng rối loạn nhịp tim, thường khiến nhiều người lo lắng. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, việc xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng này.

1. Vai trò của dinh dưỡng đối với người bệnh ngoại tâm thu

Theo BS. Nguyễn Minh Ngọc, ngoại tâm thu là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhịp đập đến sớm hơn so với nhịp tim bình thường.

Ngoại tâm thu có thể xuất hiện đơn độc, hoặc báo hiệu một chuỗi nhịp nhanh sau đó. Mặc dù ngoại tâm thu không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm, nhưng nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề tim mạch nghiêm trọng hơn.

Ngoại tâm thu có thể do các yếu tố liên quan đến bệnh lý tim mạch gây nên, ví dụ như bệnh mạch vành, suy tim, viêm cơ tim, bệnh van tim… Thiếu ngủ, mệt mỏi kéo dài, căng thẳng thần kinh, sử dụng các loại đồ uống có cồn, rượu bia, cà phê, hút thuốc lá… được cho là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ngoại tâm thu.

Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, digitalis trong điều trị các bệnh lý tim mạch; thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm… cũng có thể gây ra ngoại tâm thu.

Một số trường hợp hiếm gặp hơn, ngoại tâm thu có thể do thiếu máu, cường giáp, suy giáp, thoát vị hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản…

Trong một vài trường hợp, ngoại tâm thu có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh mà không rõ nguyên nhân.

Thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ngoại tâm thu và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp ổn định nhịp tim, giảm các cơn co bóp bất thường, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu như hồi hộp, trống ngực. Khi các triệu chứng ngoại tâm thu được kiểm soát tốt, người bệnh sẽ cảm thấy khỏe mạnh, năng động hơn và chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Bên cạnh đó, các dưỡng chất từ thực phẩm lành mạnh giúp nuôi dưỡng cơ tim, tăng cường sức khỏe và khả năng hoạt động hiệu quả của tim.

Ngoài ra, chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp giảm cholesterol xấu, ổn định huyết áp, giảm viêm, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác như xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, đột quỵ...

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 1.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ngoại tâm thu và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

2. Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh ngoại tâm thu

2.1. Thực phẩm giàu omega-3

Omega-3 là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, là loại acid béo tốt cho tim mạch. Nó có tác động đến sự co bóp của cơ tim và điều hòa ổn định nhịp tim. Chế độ dinh dưỡng giàu omega-3 sẽ giúp làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể và tăng mức cholesterol tốt; giúp giảm viêm và cải thiện chức năng tim mạch.
Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi,…); hạt lanh, hạt chia… Nên bổ sung omega-3 vào chế độ ăn uống ít nhất 2-3 lần mỗi tuần.

2.2. Thực phẩm chứa nhiều khoáng chất

Khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những người có vấn đề về tim mạch.

Magie: Có vai trò quan trọng trong việc ổn định tín hiệu dẫn truyền thần kinh cũng như quá trình co cơ tim, giúp tim đập bình thường.

Những thực phẩm chứa nhiều magie bao gồm: Hạnh nhân, hạt điều, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành, đậu phụ, hạt chia, chuối, rau xanh lá,…

Kali: Kali có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn giàu kali sẽ giúp giảm bớt lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Khoai lang, khoai tây, cà chua, dưa hấu, củ cải, đậu đen, cá hồi,… là những thực phẩm rất giàu kali.

Natri: Các loại thực phẩm giàu natri như cà rốt, cải bó xôi, sữa chua, trứng, phô mai, cần tây,… rất tốt cho sức khỏe tim mạch nói chung và người bệnh ngoại tâm thu nói riêng.

2.3. Thực phẩm giàu vitamin và chất xơ

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 2.

Thực phẩm giàu vitamin và chất xơ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh ngoại tâm thu.

Các loại rau xanh và trái cây cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp giảm cholesterol xấu, ổn định huyết áp và cải thiện chức năng tim mạch.
Có thể kể đến các loại trái cây chứa nhiều vitamin C, như cam quýt, ổi, cà chua, dứa, kiwi, dưa hấu, xoài, đu đủ, quả anh đào, rau có màu xanh đậm,…; Thực phẩm chứa nhiều vitamin E: Dầu oliu, nghệ tây, đậu nành, lúc mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà Lan,…; và các loại thực phẩm chứa nhiều beta-carrotein như rau và trái cây có màu cam, đỏ, vàng hoặc xanh như cải xoăn, súp lơ,…

Bên cạnh đó, các loại ngũ cốc là nhóm thực phẩm có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm lượng cholesterol. Không chỉ giàu vitamin, chất xơ, các chất chống oxy hóa mà ngũ cốc nguyên hạt còn chứa nhiều khoáng chất như kali, natri rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Có thể bổ sung thêm gạo lứt, lúa mạch, hạt kê, bột mì nguyên cám, yến mạch, ngũ cốc granola,… vào chế độ ăn hằng ngày cho người bệnh ngoại tâm thu.

3. Những thực phẩm người bệnh ngoại tâm thu cần hạn chế

Người bị ngoại tâm thu nói riêng hay bệnh tim mạch nói chung nên kiêng sử dụng những nhóm thực phẩm dưới đây:

3.1. Thực phẩm chứa nhiều chất kích thích

Nicotine, caffeine và cồn có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, gây rối loạn nhịp tim và làm trầm trọng thêm tình trạng ngoại tâm thu.

Chính vì vậy, người bệnh ngoại tâm thu nên bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các loại thực phẩm chứa nhiều caffeine như cà phê, trà, socola… vì chúng không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 3.

Người bệnh ngoại tâm thu nên hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia cà phê, trà, socola…

3.2. Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Một chế độ ăn có quá nhiều chất béo không lành mạnh sẽ dẫn nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như: béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mức cholesterol trong máu và mức chất béo trung tính cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, đột quỵ,…

Trong hầu hết các thực phẩm được chế biến sẵn như thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, các món chiên xào, đồ nướng, bánh ngọt,… đều có chất béo chuyển hóa, đường và muối, có thể làm tăng cholesterol xấu, tăng huyết áp và gây béo phì, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

3.3. Thực phẩm nhiều đường

Sử dụng quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch. Không những vậy, đường còn tăng mức insulin, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nhịp tim và huyết áp. Từ đó dễ xuất hiện các cơn đau tim, đột quỵ, các bệnh lý mạch máu ngoại biên… Chính vì vậy, nên tránh xa những thực phẩm có nhiều đường như: bánh ngọt, kem, sữa chua, khoai tây chiên, bánh quy, mứt, bơ, các loại nước ngọt,…

3.4. Thực phẩm nhiều muối

Muối có thể làm tăng huyết áp, nên hạn chế tiêu thụ muối trong chế biến thức ăn.

Khi ăn nhiều muối, khiến thận phải làm việc quá tải. Lượng natri trong máu cao sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch, gây tăng thể tích máu. Do đó, việc sử dụng lượng muối quá mức là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, chất bảo quản và chất tạo màu, không tốt cho sức khỏe tim mạch.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng lành mạnh bao gồm tăng cường ăn một số loại thực phẩm tốt và tránh tiêu thụ các loại thức ăn thức uống có hại giúp kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng ngoại tâm thu, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thuCâu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thu

SKĐS - Ngoại tâm thu là một rối loạn nhịp tim hay gặp, thường không gây nguy hiểm ở những người khỏe mạnh. Với những người có bệnh tim mạn tính, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.


CNĐD. Minh Phương
Ý kiến của bạn