Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh loạn sản cổ tử cung

17-10-2024 13:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đa số các trường hợp bị loạn sản cổ tử cung là do nhiễm trùng dai dẳng virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - HPV) tại biểu mô cổ tử cung. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ giảm thiểu tác động của virus HPV, giảm tiến triển của bệnh loạn sản cổ tử cung.

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh loạn sản cổ tử cungThuốc và các phương pháp điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung

SKĐS - Loạn sản cổ tử cung là tình trạng tổn thương xảy ra khi xuất hiện các tế bào bất thường phát triển tại bề mặt biểu mô của cổ tử cung. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời thì loạn sản cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh loạn sản cổ tử cung

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Một chế độ ăn uống đủ chất sẽ cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để các cơ quan duy trì chức năng và chống lại bệnh tật; Giảm tác dụng phụ của điều trị; Giúp quá trình điều trị bệnh thuận lợi hơn...

Một chế độ ăn uống tốt cho người bệnh loạn sản cổ tử cung là giảm nguy cơ tiến triển của bệnh, trong đó tập trung vào các chất chống oxy hóa và giảm thiểu tác động của virus HPV. Những người có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxy hóa và vitamin có thể giảm nguy cơ tiến triển của loạn sản cổ tử cung sang giai đoạn nặng hơn. 

Chế độ ăn uống cho người bệnh loạn sản cổ tử cung nên ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: rau xanh, trái cây, đậu, ngũ cốc nguyên hạt… Những thực phẩm này chứa nhiều hợp chất có lợi, được cho là có khả năng bảo vệ cơ thể và giảm nguy cơ đột biến bất thường của tế bào dẫn đến loạn sản cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HPV. Đồng thời ngăn ngừa bệnh loạn sản cổ tử cung diễn tiến nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh loạn sản cổ tử cung

Dinh dưỡng cân bằng: Tập trung vào việc ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và cân bằng, bao gồm nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và các nguồn protein chất lượng như thịt gà, cá, đậu, hạt và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức ăn chiên nướng.

Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguồn vitamin C, vitamin E, beta-carotene và axit folic có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ miễn dịch. Nên sử dụng thực phẩm giàu vitamin như cam, dứa, cà chua, cà rốt, hạt chia và các nguồn thực phẩm giàu axit folic như rau xanh lá, đậu, lúa mạch và các loại hạt.

Bỏ thuốc lá và không sử dụng đồ uống có cồn: Nên bỏ hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn. Thuốc lá và đồ uống có cồn có thể tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung.

3. Chế độ ăn cho người bệnh loạn sản cổ tử cung

3.1 Ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết để ngừa bệnh loạn sản cổ tử cung tiến tiển nặng

Để ngừa bệnh loạn sản cổ tử cung tiến triển nặng, cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để nâng cao sức khỏe, cũng như hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Chất đạm: Giúp cơ thể phục hồi và sửa chữa mô, duy trì hệ miễn dịch, sản xuất enzyme. Nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm bao gồm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu, hạt.

Tinh bột: Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp duy trì hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Nên chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế như: Gạo lứt, yến mạch, khoai lang, bánh mì nguyên cám…

Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng, giúp hấp thụ vitamin tan trong dầu, hỗ trợ chức năng não bộ, thị lực. Nên chọn chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa có trong cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ), quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt…Nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa nhân tạo (có trong đồ chiên, bánh ngọt).

Vitamin, khoáng chất: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa thiếu máu… Nguồn thực phẩm: Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, các loại đậu, các loại hạt…

Uống đủ nước: Nước rất quan trọng cho mọi chức năng của cơ thể, giúp thanh lọc cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các tế bào, đào thải độc tố, đặc biệt là trong quá trình điều trị bệnh. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

3.2 Tăng cường thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chống oxy hóa

Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể giúp phòng ngừa bệnh tật. Các nhóm thiết yếu bao gồm:

Vitamin C và E: Ức chế đột biến, chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, thường có trong các loại trái cây họ cam quýt, quả mọng, cà rốt, rau bina, bông cải xanh và các loại hạt.

Vitamin D: thường có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu… Vitamin D duy trì xương chắc khỏe và hệ miễn dịch khỏe mạnh, làm giảm nguy cơ hình thành khối u ác tính.

Selenium: Là một khoáng chất vi lượng, có đặc tính chống oxy hóa và tham gia vào quá trình sửa chữa DNA, giúp phòng ngừa ung thư, thường được tìm thấy trong hải sản, ngũ cốc nguyên hạt…

Folate: Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm: bơ, đậu xanh, đậu lăng, nước cam, rau diếp… có thể giảm nguy cơ loạn sản cổ tử cung ở những phụ nữ bị nhiễm HPV.

Kẽm: Giúp phát triển hệ thống miễn dịch và duy trì hoạt động hiệu quả. Bảo vệ cơ thể trước bệnh tật. Giúp vết thương mau lành. Kích thích sự phát triển của các tế bào lympho T và lympho B, từ đó tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng. Kẽm thường có nhiều trong các loại thực phẩm như: tôm đồng, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, lươn, gan lợn, sò, hàu, cá, các loại hạt dầu, đậu nành,...

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 3.

Ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể chống lại bệnh tật.

4. Thực phẩm người bệnh loạn sản cổ tử cung không nên ăn 

Đồ nướng

Đứng đầu danh sách kiêng ăn là các thực phẩm nướng cháy. Thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao, bị cháy xém có thể tạo ra các hóa chất gây ung thư. Do đó, phương pháp chế biến thay thế nên ưu tiên là hấp, luộc…

Thực phẩm hun khói

Không nên sử dụng nhiều thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, thịt muối, thịt sấy khô, xúc xích, giăm bông… Loại thực phẩm này có chứa hàm lượng lớn chất bảo quản như nitrat, nitrit, kết hợp đun nóng ở nhiệt độ cao tạo ra rất nhiều hợp chất gây hại sức khỏe.

Hạn chế ăn thực phẩm chiên, rán

Nhóm thực phẩm này được chế biến ở nhiệt độ cao, có thể tạo ra các hợp chất gây hại cho sức khỏe, điển hình là acrylamide. Thành phần này có khả năng phá hủy tế bào, làm tăng nguy cơ ung thư hoặc khiến tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp

Thức ăn nhanh, đồ ăn vặt đóng hộp phần lớn không cân bằng dinh dưỡng, chỉ làm no tạm thời. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều muối, chất bảo quản, gây mất nước và không tốt cho sức khỏe.

Tránh ăn thực phẩm bị nấm mốc

Ăn thực phẩm bị nấm mốc trong thời gian dài có thể gây ức chế hệ miễn dịch. Độc tố của một số loài nấm mốc phổ biến thường gặp ở lúa gạo, ngô, đậu phộng, trái cây sấy khô và sữa còn là tác nhân gây ung thư.

Nói không với rượu bia, thuốc lá

Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia thường xuyên sẽ gây hại sức khỏe, gây suy yếu nhiều cơ quan trong cơ thể, khiến người đang có bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn.


DS. Nguyễn Thanh Huyền
Ý kiến của bạn