Bệnh bạch cầu cấp là một loại ung thư máu xảy ra khi các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành trong tủy xương nhân lên ngoài tầm kiểm soát. Những tế bào bất thường này lấn át các tế bào khỏe mạnh đang cố gắng phát triển thành các tế bào máu bình thường.
Kết quả là các cơ quan và mô của cơ thể không nhận đủ oxy để hoạt động bình thường, cơ thể sẽ không thể chống lại nhiễm trùng hoặc máu khó đông khi cần thiết và chế độ ăn là một phần quan trọng đối với người bệnh bạch cầu cấp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% có sụt cân và 30% do suy kiệt. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Do đó, bệnh nhân bạch cầu cấp trong và sau quá trình điều trị bằng hóa trị hoặc ghép tủy cần được chăm sóc về dinh dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đó, một chế độ ăn uống hợp lý là cần thiết cho người mắc bệnh bạch cầu cấp. Hiệp hội Ung thư bạch cầu và Ung thư hạch (Hoa Kỳ) cho rằng ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể thay thế các tế bào máu và mô bị tổn thương trong quá trình điều trị ung thư, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp người bệnh có sức khỏe tốt hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
1. Tầm quan trọng chế độ ăn cho người bệnh bạch cầu cấp
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của người bệnh bạch cầu cấp. Không những cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động của người bệnh, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp cơ thể tái tạo lại các tế bào máu hoặc các mô bị tổn thương trong và sau điều trị.
Vì vậy trong quá trình xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, người chăm sóc và bệnh nhân bạch cầu cấp cần chú ý:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp đảm bảo cơ thể có đủ calo, protein và các chất dinh dưỡng khác. Các bữa ăn nhỏ sẽ giúp bệnh nhân đối phó được tốt hơn với các tác dụng phụ liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu hóa kém… có thể chia nhỏ thành 5 đến 6 bữa nhỏ trong ngày.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít nước sẽ giúp cho chuyển hóa trong cơ thể được diễn ra dễ dàng hơn. Có thể là nước đun sôi để nguội, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước... cần uống nước ngay cả những lúc không khát.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Giảm cân là hiện tượng thường thấy đối với bệnh nhân ung thư máu trong quá trình điều trị, để hạn chế tình trạng này, cần theo dõi chế độ ăn của mình và bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
2. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh bạch cầu cấp
Thực phẩm nên ăn
Người bệnh bạch cầu cấp nên ăn những thực phẩm mềm, dễ nhai và nuốt như trái cây mềm, bún, mỳ, sữa, bột ngũ cốc... Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh bạch cầu nên bao gồm:
Vitamin và các loại khoáng chất: Có trong các loại rau củ và trái cây. Những loại thực phẩm giúp chống oxy hóa, giúp cho cơ thể chống lại với ung thư như:
Rau họ cải: Bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cải chip, cải xoăn. Các loại rau họ cải có lợi cho những người mắc bệnh bạch cầu, chất sulforaphane trong rau họ cải có thể làm chậm sự lây lan của một số loại bệnh bạch cầu.
Trái cây: Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như táo, việt quất, cam, bơ, cà chua, nho… Hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản.
Các loại ngũ cốc: Ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ...). Nên chọn ít nhất một nửa trong số các loại ngũ cốc là ngũ cốc nguyên hạt
Nguồn protein ít béo: Thịt gà, cá…
Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành…
Sữa: Sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo.
Ngoài ra, những người mắc bệnh bạch cầu cấp cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tốt như đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Thực phẩm nên tránh
Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp có thể gây ra tác dụng phụ như loét miệng, tiêu chảy, rụng tóc, phát ban, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn… Do đó, người mắc bệnh bạch cầu cấp nên tránh những thực phẩm có thể làm nặng thêm tác dụng phụ của việc điều trị bệnh bạch cầu, chẳng hạn như:
- Thực phẩm cứng gây khó nhai, nuốt, dễ tổn thương niêm mạc.
- Thức ăn nhiều dầu, mỡ hoặc đồ chiên, rán.
- Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Sản phẩm sữa béo.
- Đồ uống như rượu, bia, cà phê.
- Thực phẩm được làm ngọt bằng xylitol hoặc sorbitol.
- Thực phẩm có gia vị cay nồng như ớt, tỏi.
- Thực phẩm có thể làm tổn thương miệng, chẳng hạn như những thực phẩm giòn, quá chua hoặc quá mặn.
Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng:
Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị. Các phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu:
- Súc miệng trước khi ăn.
- Ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng tối thiểu 4 lần trong 1 ngày.
- Uống nhiều nước.
Xem thêm: