Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt

23-10-2024 09:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Một chế độ ăn uống phù hợp rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt.

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt bao gồm các tuyến nước bọt chính và phụ, trong đó các khối u tuyến mang tai chiếm 80%, còn lại là các khối u tuyến dưới hàm, dưới lưỡi… 

Theo Thạc sỹ, BS. Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108: Một chế độ ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất quan trọng, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, trong đó có ung thư tuyến nước bọt.

Dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị nhằm mục tiêu tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của việc điều trị và giúp bệnh nhân sống khoẻ hơn.

Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt- Ảnh 1.

Vị trí tuyến nước bọt ở vùng đầu cổ.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh

Các chất đạm

Thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin, người bệnh cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khoẻ. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm... từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò... Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.

Tinh bột

Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.

Chất béo

Là chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.

Vitamin

Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin.

Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt- Ảnh 2.

Dinh dưỡng rất quan trọng đối với người bệnh ung thư tuyến nước bọt.

3. Ung thư tuyến nước bọt nên ăn gì?

Sau khi điều trị ung thư tuyến nước bọt, người bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng sức khỏe. Người bệnh không thể ăn uống được như người bình thường nên cần ăn những thức ăn nhẹ, mềm, không chứa nhiều dầu mỡ như canh, súp, sữa,… tốt cho tiêu hóa.

Nên bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như rau, củ, quả, thịt, trứng, cá,… Uống nhiều nước và bổ sung thêm các loại nước rau, củ, sinh tố trái cây. Dưới đây là những loại thực phẩm mà người bệnh nên ăn:

Rau lá xanh

Các loại rau xanh như bông cải xanh và rau bina chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như vitamin C và E, giúp bảo vệ các tế bào khỏi sự tổn thương do gốc tự do gây ra. Chúng cũng cung cấp nhiều chất xơ, hỗ trợ chức năng tiêu hóa và giúp duy trì một hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, điều này đặc biệt quan trọng khi cơ thể đang trải qua điều trị ung thư.

Các loại hạt

Các loại hạt chứa nhiều protein giúp nuôi dưỡng cơ thể bạn đồng thời kích thích sản xuất nước bọt trong quá trình này. Hạnh nhân, hạt điều, quả hồ trăn, quả óc chó, đậu phộng… tất cả đều cung cấp protein cần thiết cho sức khỏe tổng thể của bạn và giúp bệnh nhân ung thư giảm tình trạng khô miệng.

Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt- Ảnh 3.

Các loại hạt cần thiết cho sức khỏe người bệnh.

Sữa chua

Sữa chua không đường là nguồn probiotics tự nhiên, giúp duy trì và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa. Đây là nguồn cung cấp lượng protein và canxi đáng kể, giúp củng cố xương và hỗ trợ quá trình phục hồi sau điều trị. Bên cạnh đó, sữa chua cũng kích thích sản xuất nước bọt trong miệng và giúp bảo vệ răng khỏi sâu răng do vi khuẩn tích tụ do thiếu nước bọt.

Trái cây

Các loại trái cây mọng như dâu tây và việt quất chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Chúng cũng giàu chất xơ và có hương vị ngon, dễ tiêu thụ, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Quả bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh, đặc biệt là chất béo không bão hòa đơn, cùng với vitamin E - một chất chống oxy hóa mạnh. Chất béo trong bơ không chỉ giúp cung cấp năng lượng mà còn hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu khác như vitamin A, D, E, và K, góp phần bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.

Cá hồi

Cá hồi là một nguồn giàu axit béo omega-3, được biết đến với khả năng giảm viêm trong cơ thể, một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu sự phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài ra, protein từ cá hồi là nguồn dưỡng chất chất lượng cao, hỗ trợ phục hồi các mô bị tổn thương do quá trình điều trị ung thư.

Bổ sung nước

Người bị ung thư tuyến nước bọt nên uống nhiều nước. Uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho khoang miệng, hỗ trợ quá trình tiết nước bọt, giảm cảm giác khô miệng - một triệu chứng phổ biến ở những người mắc ung thư tuyến nước bọt, đặc biệt khi họ đang trải qua xạ trị. Nước cũng giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt- Ảnh 5.

Ngoài những thực phẩm cần thiết, người bệnh nên uống nước đầy đủ.

4. Người bệnh không nên ăn những gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh ung thư tuyến nước bọt. Tuy nhiên, để có một chế độ ăn uống phù hợp nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Đây là căn bệnh liên quan đến vùng họng và miệng, vì vậy, việc ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh.

Trường hợp người bệnh hoá trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu - cổ... có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng, góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng. Trong trường hợp này, cần lưu ý: Nên ăn thức ăn mềm hoặc chế biến nhiều nước; nhai kẹo cao su hoặc ăn thêm hoa quả chua nhằm tăng tiết nước bọt. Uống nhiều nước và uống từng ngụm trong vài phút...

Người bệnh cần kiêng một số loại thực phẩm chứa nhiều đường như các loại kẹo bánh, bơ, nước trái cây, siro, socola, các loại trái cây khô. Tránh xa các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước ngọt, và các loại đồ uống có ga. Hạn chế ăn nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, và các món nhiều dầu mỡ như thịt nướng, hun khói, các món xào, rán, đặc biệt là những món chiên nhiều lần.

Chế độ ăn với người bệnh ung thư tuyến nước bọt- Ảnh 6.

Nước ép hoa quả cũng rất cần thiết với người bệnh.

Ngoài ra, các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa muối, cà muối, và các loại thực phẩm cứng, cay, nóng cũng không tốt đối với người mắc ung thư tuyến nước bọt. Tránh các loại trái cây có vị chua như chanh, cam. Thực phẩm đông lạnh ăn vào sẽ khiến vết thương thêm nặng và đau đớn hơn. Thực phẩm đông lạnh nên tránh như kem, nước đá.

Người bệnh nên giảm tiêu thụ thịt đỏ, tăng cường ăn rau xanh, cá, dầu thực vật, và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và tăng cường hệ miễn dịch. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 4 - 5 bữa, thay vì chỉ ăn no trong 3 bữa chính, để tránh tình trạng quá no hoặc quá đói.

Để có một sức khỏe tốt và không bị mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt bạn cần có cách phòng tránh cho bản thân mình như: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ; Uống thật nhiều nước; Không hút thuốc; Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tiến hành tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Xem thêm:

Ung thư tuyến nước bọt:  Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trịUng thư tuyến nước bọt: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị

SKĐS- Ung thư tuyến nước bọt là một căn bệnh ung thư chiếm từ 2-4% các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị. Chỉ đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.



Đỗ Quyên
Ý kiến của bạn