Hà Nội

Chế độ ăn với một số bệnh không lây nhiễm

07-03-2019 09:38 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ăn uống không hợp lý, ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây gia tăng các bệnh lây nhiễm, làm thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Vậy với các bệnh không lây nhiễm thì cần ăn uống thế nào để không làm bệnh thêm trầm trọng mà còn giúp thuyên giảm các triệu chứng?

Bệnh tăng huyết áp

Nguyên tắc của chế độ ăn là ăn ít natri, giàu kali, calci, magie, giàu vitamin và các chất vi lượng, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu, giảm chất béo no, tăng chất béo không no, giảm chất kích thích…

Hạn chế ăn muối, giảm mì chính bằng cách không ăn thực phẩm chế biến sẵn truyền thống như cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp… Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để có nhiều chất chống oxy hóa, nhiều kali. Ăn nhiều chế phẩm từ đậu tương; bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc và tăng sử dụng các thức ăn, thức uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như canh lá vông, hạt sen, ngó sen, chè sen.

Thực đơn lành mạnh cho người bị tiểu đường.

Thực đơn lành mạnh cho người bị tiểu đường.

Tỷ lệ hợp lý các chất dinh dưỡng trong ngày: Tổng năng lượng trong ngày 30-35 kcal/kg thể trọng/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67%, từ protein 12-15% và từ lipid chiếm 15-20%. Về chất đạm: Khoảng 60g/ngày, dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ, ăn ít đường, bánh kẹo ngọt. Tốt nhất là ăn chất bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ. Về chất béo: lipid khoảng 25g/ngày. Ăn ít mỡ, bơ, nên dùng dầu từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương. Ở người béo, ăn ít dầu mỡ hơn. Bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, thận và ăn trứng 1-2 quả/tuần.

Vitamin và chất khoáng cung cấp đầy đủ từ rau xanh và hoa quả chín, đặc biệt là vitamin C, E, A - có nhiều trong rau, quả như giá, đậu đỗ và các vitamin nhóm B: B12, B6, acid folic. Theo nhu cầu của người trưởng thành, cần ăn 400g rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó ít nhất là 100g hoa quả/ngày.

Bệnh gút

Các thực phẩm nên ăn: Uống đủ nước từ 2 - 2,5 lít/ngày, nên uống nước khoáng, nước rau để tăng đào thải axit uric qua thận; sữa, rau xanh, quả chín, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai…) có thể sử dụng với tỷ lệ nhiều hơn bình thường một chút; nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý. Người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ.

Các thực phẩm không nên ăn bao gồm rượu, bia, cà phê, chè; không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu; không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp; không ăn chế phẩm có cacao, socola; không ăn thức ăn có vị chua (quả chua, dưa chua, cà muối...).

Chế độ ăn tốt cho người bệnh tim.

Chế độ ăn tốt cho người bệnh tim.

Bệnh đái tháo đường

Nguyên tắc ăn uống là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các thức ăn thích hợp nhằm đảm bảo được cuộc sống bình thường; duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ (18,5 ≤ BMI ≤ 23); chia các bữa ăn một cách hợp lý (bữa chính, bữa phụ) để đảm bảo nhu cầu về năng lượng. Dựa vào thành phần dinh dưỡng thực phẩm thông dụng để chọn thức ăn cho từng bữa và trong từng ngày.

Loại có hàm lượng glucid ≤ 5% người bệnh có thể sử dụng hàng ngày gồm các loại thịt, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải. Hầu hết các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt như: dưa bở, mận, nho ta, nhót có thể sử dụng không hạn chế.

Loại có hàm lượng glucid từ 10-20%: Nên ăn hạn chế 3-4 lần/tuần với số lượng vừa phải gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, các loại đậu quả như đậu vàng, đậu hà lan.

Loại có hàm lượng glucid trên 20% cần kiêng hay rất hạn chế sử dụng, khi ăn vào làm tăng đường huyết gồm các loại bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều: mít khô, vải khô, nhãn khô. Riêng gạo là lương thực ăn hàng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa ≤ 70g/bữa chính.

Các loại thức ăn mặc dù có lượng glucid bằng nhau nhưng sau khi ăn sẽ làm tăng đường huyết với mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn được gọi là chỉ số đường huyết của loại thức ăn đó. Chỉ số đường huyết được xem là một chỉ tiêu có lợi để chọn thực phẩm. Dùng các loại thức ăn có chỉ số đường huyết thấp trong chế độ ăn của ĐTĐ có ưu điểm làm cho đường huyết dễ kiểm soát hơn, cải thiện chuyển hóa lipid, đặc biệt đối với ĐTĐ týp 2.


ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến
Ý kiến của bạn