Các nhà khoa học nhận thấy, lượng đường thêm vào món ăn và đồ uống càng cao thì nguy cơ bị sỏi thận càng lớn. Cụ thể, trong nghiên cứu, những người ăn thêm nhiều đường nhất có nguy cơ mắc sỏi thận tăng từ 39-88% so với những người thuộc nhóm ăn ít đường.
Sỏi thận được tạo thành từ các khoáng chất và muối, và chúng có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trong đường tiết niệu, từ thận (nơi chúng hình thành) đến bàng quang. Theo Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), sỏi thận thường được hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc và các khoáng chất sau đó tinh thể hóa và kết dính lại với nhau.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành tìm hiểu mối liên quan giữa nguy cơ mắc sỏi thận với việc ăn uống thêm đường qua phân tích dữ liệu từ năm 2007 đến 2018 của 28.303 người dân ở Mỹ, độ tuổi từ 20 trở lên, trong đó 10% đã từng mắc sỏi thận. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 48, trong đó 48% là nam. Dữ liệu này được thu thập từ Khảo sát đánh giá sức khỏe và dinh dưỡng Quốc gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Trong nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu đã cung cấp thông tin về chế độ ăn của họ trong hai chu kỳ 24 giờ. Nhóm nghiên cứu sau đó đã ước tính lượng đường tiêu thụ qua việc ăn uống của đối tượng nghiên cứu. Các loại đường được tiêu thụ bao gồm: đường nâu, mật mía, siro bắp, dextrose, fructose, siro trái cây, mật ong, siro pha chế từ cây phong, đường mía, siro từ cây lúa mạch và đường trắng. Các loại đường tự nhiên có trong sữa và hoa quả không được xem là đường tiêu thụ thêm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình, mỗi người tiêu thụ 272 calo/ngày từ lượng đường ăn uống thêm. Nhóm 25% người tiêu thụ ít đường nhất thì có tỷ lệ phát triển sỏi thận thấp nhất, trung bình mỗi người nhóm này tiêu thụ thêm 58 calo/ngày từ đường, trong khi nhóm 25% người tiêu thụ nhiều đường nhất thì có tỷ lệ phát triển sỏi thận cao nhất, trung bình mỗi người nhóm này tiêu thụ thêm 542 calo/ngày từ đường.
Theo các hướng dẫn dinh dưỡng của Mỹ, không nên tiêu thụ quá 10% calo hàng ngày từ lượng đường ăn uống thêm vào, tương đương khoảng 200 calo với chế độ ăn hàng ngày 2.000 calo. Thậm chí, Hội tim mạch Mỹ còn khuyến nghị nên tiêu thụ ít hơn nữa, cụ thể không nên tiêu thụ quá 100 calo mỗi ngày đối với phụ nữ và 150 calo mỗi ngày đối với nam giới từ lượng đường ăn uống thêm vào.
Bác sĩ Shan Yin tại Bệnh viện Đại học y North Sichuan (Trung Quốc), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo về mối liên quan giữa lượng đường tiêu thụ thêm và sỏi thận. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc hạn chế ăn uống thêm đường có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận".
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Vụ Ngộ Độc Do Ăn Quả Hồng Châu: 1 Trẻ Tử Vong, 3 Trẻ Phải Chuyển Viện