Chế độ ăn uống tốt cho người bị chóng mặt kịch phát lành tính

12-10-2024 20:15 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chóng mặt kịch phát lành tính mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng gây nhiều khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và giảm thiểu các cơn chóng mặt.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị chóng mặt kịch phát lành tính

Chóng mặt kịch phát lành tính là tình trạng chóng mặt khi thay đổi tư thế, biểu hiện là những cơn chóng mặt ngắn dữ dội nhưng lành tính, không đe dọa tính mạng nhưng gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Khi có biểu hiện các cơn chóng mặt, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, chóng mặt. Ngoài ra, các bài tập tái định vị tinh thể tai, vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện thăng bằng và giảm thiểu các triệu chứng chóng mặt.

Chế độ sinh hoạt, ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát các cơn chóng mặt kịch phát. Chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp cân bằng chất lỏng, giảm viêm, điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ hệ thần kinh cho người bệnh.

Chế độ ăn uống tốt cho người bị chóng mặt kịch phát lành tính- Ảnh 1.

Các cơn chóng mặt kịch phát ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh.

Theo BS. Phạm Quang Thuận, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, chóng mặt kịch phát có thể tái phát ngay cả khi điều trị thành công, do đó cần kiên trì tập và phối hợp cùng bác sĩ để quản lý tình trạng bệnh một cách hiệu quả.

Người bệnh cần duy trì thói quen vận động tập luyện phù hợp để nâng cao sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng lo lắng. Đảm bảo dinh dưỡng, nước uống, nghỉ ngơi hợp lý. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Tránh sử dụng quá mức các loại nước có gas, nước ngọt…

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị chóng mặt kịch phát lành tính

Ngoài việc ăn uống đủ chất và lành mạnh thì việc bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B, C, magie, kali... đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng thần kinh, giúp giảm tần suất và cường độ các cơn chóng mặt, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.

Vitamin nhóm B

Vitamin nhóm B có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ thần kinh. Chúng tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa quan trọng, giúp truyền dẫn tín hiệu thần kinh, sản xuất năng lượng cho tế bào thần kinh và bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tổn thương.

Đối với người bị chóng mặt kịch phát lành tính, việc bổ sung vitamin nhóm B giúp tăng cường chức năng hệ thần kinh, cải thiện truyền dẫn tín hiệu giữa não và cơ thể, giảm cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin nhóm B bao gồm: Gạo lứt, các loại đậu, thịt gà, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt

Kali

Kali là một khoáng chất quan trọng đối với huyết áp và sức khỏe tim mạch. Kali có vai trò điều hòa huyết áp, cân bằng chất lỏng trong cơ thể, ngăn ngừa chuột rút. Kali có nhiều trong chuối, khoai tây, bơ, các loại đậu, rau lá xanh đậm…

Vitamin C

Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp tăng cường chức năng miễn dịch cho cơ thể, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây…

Magie

Magie rất cần thiết cho các cơ và dây thần kinh hoạt động bình thường. Magie cũng giúp các mạch máu mềm mại, giúp kiểm soát huyết áp và giữ cho lượng đường trong máu ổn định, giảm căng thẳng thần kinh.

Nguồn thực phẩm giàu magie đến từ: các loại hạt (hạnh nhân, óc chó), rau lá xanh đậm (rau bina, cải xoăn), chuối, đậu...

Chế độ ăn uống tốt cho người bị chóng mặt kịch phát lành tính- Ảnh 3.

Người bị chóng mặt kịch phát nên bổ sung thực phẩm giàu magie.

3. Một số lưu ý trong chế độ ăn uống đối với người bị chóng mặt kịch phát lành tính

Uống đủ nước: Người bệnh cần lưu ý uống đủ nước để duy trì huyết áp ổn định, ngăn ngừa mất nước, một trong những nguyên nhân gây chóng mặt. Nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Hạn chế tối đa các chất kích thích như caffeine và rượu bia: Caffeine có trong cà phê, trà, nước tăng lực có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp gây chóng mặt. Rượu bia làm tăng nguy cơ mất nước và chóng mặt.

Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường và chất béo không tốt cho sức khỏe, có thể gây tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa và làm trầm trọng thêm tình trạng chóng mặt.

Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên: Tránh để bụng quá đói hoặc quá no có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn.

Hạn chế ăn các thực phẩm: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối không tốt cho huyết áp; đồ ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, đầy bụng; món ăn nhiều gia vị cay nóng gây kích thích hệ tiêu hóa; đồ uống có gas sẽ làm tăng cảm giác đầy hơi, khó chịu, ảnh hưởng đến hấp thụ dinh dưỡng.

Xem thêm:

Bài tập cho người chóng mặt kịch phát lành tínhBài tập cho người chóng mặt kịch phát lành tính

SKĐS - Chóng mặt kịch phát lành tính là bệnh lý thường gặp trong đời sống sinh hoạt, bệnh không nguy hiểm tuy nhiên lặp đi lặp lại có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Thuốc và các phương pháp điều trị chóng mặt kịch phát lành tính Thuốc và các phương pháp điều trị chóng mặt kịch phát lành tính

SKĐS - Mặc dù bệnh chóng mặt kịch phát lành tính có thể tự khỏi sau một thời gian, nhưng điều trị sẽ giúp các triệu chứng giảm sớm hơn và hạn chế các tình huống không mong muốn xảy ra.



Thu Phương
Ý kiến của bạn