1. Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp ở phụ nữ. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Ung thư buồng trứng là khi một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường tạo thành các khối u ác tính. Các tế bào ung thư này còn có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh và di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại các cơ quan đó.
Theo BSCKI. Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng bao gồm các trường hợp phụ nữ có kinh nguyệt không đều; phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít; phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh; phụ nữ bị ung thư vú.
Ngoài ra, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của người phụ nữ sẽ tăng lên nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng...
Về chế độ ăn uống, nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ thực hiện chế độ ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau, trái cây, chất béo lành mạnh và ít thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng. Chế độ ăn này cũng cải thiện sức khỏe ở bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng.
2. Những thực phẩm lành mạnh giúp hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các thực phẩm như: rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh… Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng tự nhiên, ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, phụ gia đường và muối. Chúng không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư.
Thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa
Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt… rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa.
Chất xơ trong thực phẩm giúp thúc đẩy quá trình tiêu hoá và bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Chất xơ nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp tăng cường miễn dịch và liên quan đến việc hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư.
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do gây ra. Ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc một số bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư.
Flavonoid là một nhóm lớn các hợp chất chống oxy hóa được gọi là hóa chất thực vật. Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều hợp chất flavonoid có trong rau, trái cây, đậu và trà có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng ở phụ nữ.
Các nhà khoa học tin rằng một số flavonoid có thể ngăn chặn sự phát triển ung thư bằng cách điều chỉnh sự phát triển của tế bào và chống viêm bằng cách thay đổi nồng độ hormone.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt (bao gồm cám, gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mạch, bánh mì nguyên cám…) rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Những chất dinh dưỡng này đã được chứng minh là tác dụng cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch và một số loại ung thư.
Nguồn vitamin B dồi dào và chất chống oxy hóa trong ngũ cốc nguyên hạt giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Ngũ cốc nguyên hạt còn là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột giúp giảm viêm trong cơ thể.
Protein nạc
Protein là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong chế độ ăn uống của người khỏe mạnh và với cả bệnh nhân ung thư.
Đối với người bệnh ung thư buồng trứng cần được bổ sung protein đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ làn da, cơ bắp, giảm rụng tóc và các tác dụng phụ khác trong quá trình hóa trị liệu. Những loại thực phẩm giàu protein tốt như thịt nạc, cá, các sản phẩm từ sữa...
Chất béo lành mạnh
Chất béo cung cấp năng lượng, duy trì sự phát triển của tế bào, ổn định huyết áp và giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Chất béo lành mạnh là những chất béo có lợi cho sức khỏe, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh bao gồm các loại dầu như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ, các loại hạt, các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá cơm, cá trích…).
Đặc biệt axit béo omega-3 là một chất béo rất có lợi cho sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa viêm nhiễm, giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, chứng viêm đóng một vai trò trong sự phát triển của nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường, viêm khớp và ung thư. Vì vậy, ăn các thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ mắc và cải thiện triệu chứng của các bệnh này.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hai loại thực phẩm bị nghi làm tăng đột biến số ca ung thư đại trực tràng.