Gút là một bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa các nhân purin và làm tăng axít uric máu. Các axít uric sẽ lắng đọng ở các mô, nếu lắng đọng ở khớp sẽ gây viêm khớp thể gút. Bệnh hay xảy ra ở các nước phát triển và có người ví đây là bệnh của “người giàu”.
Biến chứng bàn tay ở bệnh nhân gút
Đây cũng là một bệnh rối loạn chuyển hóa có tính chất gia đình, tuy nhiên cơ chế di truyền đến nay vẫn chưa được biết rõ. Thực phẩm và chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát cơn gút, nếu hạn chế được các bất lợi này sẽ giảm hẳn các cơn gút. Như đã nêu, bệnh gút là một loại viêm khớp và thường ảnh hưởng đến các khớp bàn ngón chân. Nguyên nhân gây ra gút là do sự tích tụ các tinh thể urat ở khớp. Urat là một thành phần cấu tạo nên purin. Những người bị gút có khuynh hướng sản xuất nhiều urat hơn bình thường hoặc sự bài tiết ít hơn axít uric, bệnh gút thường có hiện tượng tăng urat trong máu (tất nhiên còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tăng urat máu). Axít uric có hai nguồn gốc: protein thức ăn và tổng hợp trong cơ thể. Nam giới bị bệnh gút nhiều hơn nữ giới (mặc dù phụ nữ mãn kinh sẽ tăng nguy cơ bị bệnh gút). Tuổi hay gặp là 40 - 50, theo các chuyên gia thì thời gian từ khi tăng axít uric máu đến khi xuất hiện cơn gút cấp là khoảng 10 - 30 năm. Những yếu tố được xem là tạo ra cơn gút: quá cân (rất nhiều bệnh nhân bị bệnh gút là người quá cân hoặc béo phì); rượu bia (cơn gút cấp thường gặp ở người uống rượu bia quá nhiều); purin trong thức ăn (ăn các loại thức ăn giàu purin có thể gây cơn gút); chế độ ăn kém dinh dưỡng (cơ thể sẽ tăng chuyển hóa protein thành urat trong tình trạng đói ăn hoặc chế độ dinh dưỡng kém); bệnh thận (bất cứ bệnh lý nào gây ra giảm bài tiết urat thì có thể gây gút); một số bệnh khác như ung thư máu hoặc bệnh vảy nến có thể làm tăng sản xuất urat; thuốc là một hóa chất có thể làm giảm bài tiết urat.
Rõ ràng chúng ta thấy chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra cơn gút.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ