Chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe người bệnh Lyme

09-04-2025 20:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mặc dù dinh dưỡng không thể điều trị bệnh Lyme nhưng thực hiện chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và thực phẩm chống viêm có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.

1. Vai trò của chế độ ăn giàu dinh dưỡng đối với người bệnh Lyme

Lyme là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra và lây truyền qua vết đốt của bọ ve. Sau khi nhiễm người bị bệnh Lyme thường có biểu hiện: Phát ban đỏ, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, đau cơ và khớp...

Tuy hiếm gặp nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể tiến triển thành lan tỏa với các biểu hiện về thần kinh, tim, khớp… gây hại cho sức khỏe.

Bệnh Lyme thường được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, chống viêm... Chế độ dinh dưỡng tuy không phải là biện pháp điều trị nhưng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng và nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho người bệnh Lyme sau điều trị.

DS. Nguyễn Quốc Hòa
shttps://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-benh-lyme-169241127111946882.htm

Bệnh Lyme và quá trình điều trị đôi khi có thể gây mệt mỏi, chán ăn dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Điều này rất quan trọng để chống lại vi khuẩn Lyme và các triệu chứng tiến triển của bệnh. 

Bệnh Lyme thường liên quan đến tình trạng viêm nhiễm. Một số loại thực phẩm có đặc tính chống viêm giúp giảm bớt các triệu chứng như: đau khớp, mệt mỏi và các vấn đề tiêu hóa.

Khi dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh Lyme dễ gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Chế độ ăn uống thực phẩm giàu probiotic và prebiotic giúp khôi phục sự cân bằng, hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa cho người bệnh.

Chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe người bệnh Lyme- Ảnh 1.

Thực phẩm chống viêm giúp giảm viêm nhiễm cho người bệnh Lyme.

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh Lyme

Để hỗ trợ giảm triệu chứng và nâng cao hệ miễn dịch, người bệnh Lyme cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân bằng và bổ sung các chất dinh dưỡng sau:

Thực phẩm chống viêm giúp giảm viêm nhiễm

Thực phẩm chống viêm đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh Lyme vì đây một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra và thường đi kèm với tình trạng viêm trong cơ thể.

Các hợp chất chống viêm tự nhiên trong thực phẩm (như omega-3, polyphenol, curcumin, gingerol) có khả năng ức chế sản xuất các cytokine gây viêm và làm dịu các triệu chứng thường gặp ở người bệnh Lyme như: đau khớp, đau cơ, sưng, mệt mỏi và đau đầu.

Thực phẩm chống viêm cũng giúp cân bằng phản ứng miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng và phục hồi.

Chất béo omega-3: Có trong cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó... giúp giảm viêm và hỗ trợ chức năng não.

Dầu ô liu nguyên chất: Chứa oleocanthal, một hợp chất có đặc tính chống viêm tương tự như ibuprofen.

Chất chống oxy hóa: Có nhiều trong rau xanh đậm, các loại quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi), trái cây có màu sắc rực rỡ, các loại đậu, các loại hạt, thảo mộc và gia vị... giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và giảm viêm.

Vitamin và khoáng chất hỗ trợ hệ miễn dịch

Việc bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu rất quan trọng cho hệ miễn dịch của người bệnh Lyme, bao gồm vitamin nhóm B, C, D, kẽm, selen...

Vitamin nhóm B: Đặc biệt quan trọng cho chức năng thần kinh. Vitamin nhóm B có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt, cá, trứng...

Vitamin C: Có trong các loại trái cây họ cam quýt, ớt chuông, bông cải xanh...

Vitamin D: Có trong cá béo, trứng...

Kẽm: Có trong thịt đỏ, hải sản, các loại đậu, hạt bí...

Selen: Có trong các loại hạt, cá ngừ, thịt gà...

Protein phục hồi tế bào

Protein là thành phần cấu tạo nên các kháng thể để nhận diện và chống lại vi khuẩn gây bệnh Lyme và các tác nhân gây nhiễm trùng khác, đồng thời giúp phục hồi và tái tạo các mô bị tổn thương.

Người bệnh cần được cung cấp đủ protein từ các nguồn thực phẩm chất lượng như: thịt, cá, đậu, các loại hạt, trứng, sữa... giúp duy trì sức khỏe tổng thể và chống lại mệt mỏi.

Tăng cường chất xơ hỗ trợ tiêu hóa

Người bệnh Lyme nên tăng cường chất xơ trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để hỗ trợ hệ tiêu hóa và giúp loại bỏ độc tố.

Bổ sung thực phẩm probiotics cho đường ruột

Probiotics có thể là một sự bổ sung giá trị vào việc kiểm soát bệnh Lyme bằng cách hỗ trợ sức khỏe đường ruột vì dùng thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong ruột.

Việc bổ sung probiotics có trong sữa chua không đường, kefir, kim chi, dưa cải bắp... giúp khôi phục sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột, tăng khả năng miễn dịch và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tỏi và thảo mộc có thể có lợi

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm do các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins thực hiện bằng cách sử dụng vi khuẩn Borrelia burgdorferi nuôi cấy (loại vi khuẩn gây ra bệnh Lyme) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tinh dầu từ tỏi và các loại thảo mộc khác giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn này.

Ngoài ra, tép tỏi, tinh dầu từ vỏ quế, cây mộc dược, lá húng tây, quả tiêu Jamaica và hạt thìa là đã chứng minh khả năng tiêu diệt các dạng vi khuẩn gây bệnh Lyme đang ngủ yên và phát triển chậm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những loại tinh dầu được ép từ thực vật hoặc quả của chúng hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh Lyme còn dai dẳng mặc dù đã áp dụng phương pháp điều trị bằng kháng sinh thông thường.

Chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe người bệnh Lyme- Ảnh 3.

Tỏi và thảo mộc có lợi cho người bệnh Lyme.

3. Một số thực phẩm gây viêm người bệnh Lyme nên hạn chế

Người bệnh Lyme nên hạn chế một số thực phẩm gây viêm vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bao gồm:

Đường tinh luyện và thực phẩm chứa nhiều đường: Có thể gây viêm và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Có nhiều trong đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, bánh ngọt công nghiệp. Hai loại chất béo này làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và có hại cho sức khỏe tim mạch.

Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ hộp, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, bim bim... thường chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh, muối, chất bảo quản và các chất phụ gia khác gây viêm và không tốt cho sức khỏe.

Gluten (đối với người nhạy cảm): Gluten trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các sản phẩm làm từ chúng. Một số người mắc bệnh Lyme dễ nhạy cảm với gluten gây các triệu chứng tiêu hóa và tăng tình trạng viêm. Việc loại bỏ gluten có thể giúp giảm các triệu chứng ở những người này.

Sữa và các sản phẩm từ sữa (đối với người nhạy cảm): Tương tự như gluten, một số người có thể gặp vấn đề với với lactose hoặc protein trong sữa gây ra các vấn đề tiêu hóa.

Rượu: Rượu có thể gây viêm và làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi.

Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, giàu thực phẩm chống viêm có lợi cho sức khỏe người bệnh Lyme. Tuy nhiên, để có một chế độ ăn hiệu quả nhất đối với từng cá nhân, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Xem thêm:

Thuốc điều trị bệnh LymeThuốc điều trị bệnh Lyme

SKĐS - Lyme là một bệnh truyền nhiễm, nếu không được điều trị, có thể tiến triển thành lan tỏa với các biểu hiện về thần kinh, tim, khớp… gây hại cho sức khỏe.

Người bệnh Lyme nên thực hiện tập luyện như thế nào?Người bệnh Lyme nên thực hiện tập luyện như thế nào?

SKĐS - Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh Lyme có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh việc điều trị, thực hiện các bài tập hàng ngày hỗ trợ người bệnh nâng cao tinh thần và sức khỏe.



Đức Minh
Ý kiến của bạn