Chế độ ăn uống cho người tê bì chân tay

15-10-2024 10:46 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh tê bì tay chân là hiện tượng vùng tay hoặc chân bị tê râm ran như kiến bò hay nóng rát. Chế độ ăn uống và luyện tập khoa học sẽ giúp bạn đẩy lùi những cơn tê chân tay do sinh lý và hỗ trợ làm giảm triệu chứng tê bì chân tay do bệnh lý.

Tê bì chân tay, run rẩy các chi là những triệu chứng cơ bản khi cơ thể thiếu chất, thiếu máu. Đối tượng dễ bị thiếu máu nhất là trẻ em suy dinh dưỡng, những người gầy yếu, kém ăn, phụ nữ mang thai và người già.

Những chất dinh dưỡng mà cơ thể thường thiếu hụt có thể là: Acid folic, vitamin B1, B12, Canxi, Kali, Magie.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị tê bì chân tay

Tê bì chân tay là cách mà cơ thể của chúng ta đang cố đưa ra báo hiệu về việc thiếu chất dinh dưỡng nghiêm trọng. Khi những nhóm chất này bị thiếu hụt, mạch máu bên trong sẽ khó vận chuyển máu đi khắp cơ thể và gây ra hiện tượng trên.

Chính vì thế, việc quan tâm về vấn đề “Tê bì chân tay thiếu chất gì?” sẽ giúp chúng ta có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, từ đó cải thiện được chức năng của thành mạch máu tốt hơn.

Để tăng cường sức khỏe, giảm tình trạng tê bì chân tay, mỗi người cũng nên bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Bên cạnh việc tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm chức năng cũng là cách hiệu quả.

Có thể nói, bệnh tê chân tay khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và làm việc hằng ngày. Để tình trạng bệnh thuyên giảm, bạn hãy kết hợp các bài tập nhẹ nhàng và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Ngoài ra, bệnh nhân đừng quên thực hiện các chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

2. Bị tê bì chân tay nên ăn gì ?

Bổ sung đủ những dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày sẽ góp phần cải thiện tình trạng tê bì chân tay, nhất là bị tê bì do thiếu chất hay cơ khớp bị thoái hóa. Vậy tê bì chân tay nên ăn gì? Những thực phẩm mà người bệnh cần lưu ý bổ sung gồm:

2.1 Thực phẩm giàu Kali

Trung bình mỗi ngày cơ thể cần 4.700mg kali. Nếu không đáp ứng đủ nhu cầu này cho cơ thể, lượng máu sẽ không đủ cung cấp tới các dây thần kinh trung ương và não gây tê bì chân tay.

Bạn nên tăng cường các loại thực phẩm giàu kali sau trong thực đơn:

  • Đậu nành;
  • Chuối;
  • Củ dền;
  • Khoai lang;
  • Cà chua;
  • Dưa hấu;
  • Bí ngô;
  • Mơ khô;
  • Đậu đen…

2.2 Thực phẩm giàu canxi

Tê bì chân tay có thể là triệu chứng của thoái hóa xương khớp ở người già mà nguyên nhân chính là do cơ thể thiếu hụt canxi.

Bạn chỉ cần bổ sung liều lượng canxi hàng ngày chỉ ở mức vừa đủ, với người từ 50 tuổi trở lên cần bổ sung khoảng 1.000 - 1.200mg mỗi ngày. Trong đó những loại thực phẩm giàu canxi gồm:

  • Sữa;
  • Trứng;
  • Chuối;
  • Hàu;
  • Cua biển;
  • Rau cải chíp;
  • Rau chân vịt;
  • Súp lơ xanh;
  • Đậu hũ;
  • Đậu cô ve;
  • Hạnh nhân;
  • Cá hồi.…
Chế độ ăn uống cho người tê bì chân tay- Ảnh 1.

Các loại thực phẩm giàu canxi tốt cho xương khớp.

2.3 Nhóm thực phẩm giàu vitamin D, K

Vitamin D và Vitamin K giữ vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên cấu trúc khớp xương chắc khỏe. Thông thường vitamin D được bổ sung chủ yếu là tắm nắng và qua ăn uống.

Những loại thực phẩm giàu vitamin D, K gồm có:

  • Cá;
  • Lòng đỏ trứng;
  • Bắp cải;
  • Nấm;
  • Trứng cá;
  • Cải xoăn;
  • Rau mầm;
  • Dưa chuột;
  • Hành lá;
  • Đậu nành;
  • Húng quế…

2.4 Thực phẩm giàu vitamin nhóm B

Bổ sung vitamin B đầy đủ giúp ngăn chặn tê và cảm giác tê bì và ngứa rần ở bàn tay và bàn chân.

Vitamin nhóm B được chia làm hai loại là vitamin B6 và B12. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B sẽ có triệu chứng tê mỏi tại bàn tay, cánh tay, ngón tay và chân. Một số thực phẩm giàu vitamin nhóm B gồm có:

  • Quế;
  • Các loại trứng;
  • Trái bơ;
  • Chuối;
  • Đậu;
  • Cá;
  • Bột yến mạch;
  • Pho mát;
  • Sữa chua;
  • Các loại hạt;
  • Hoa quả khô.

2.5 Thực phẩm giàu magie

Một trong những nguyên nhân gây tê ở bàn tay và bàn chân là tình trạng magie thấp. Những loại thực phẩm giàu magie gồm có:

  • Các loại rau màu xanh đậm;
  • Các loại hạt;
  • Bột yến mạch;
  • Bơ đậu phộng;
  • Cá nước lạnh;
  • Trái bơ;
  • Chuối;
  • Chocolate đen;
  • Dầu mù tạt…
Chế độ ăn uống cho người tê bì chân tay- Ảnh 2.

Các loại thực phẩm giàu magie giúp phòng ngừa tê bì chân tay.

2.6 Thực phẩm giàu Acid Folic

Nếu nguyên nhân gây đau nhức chân tay do các bệnh xương khớp, suy giảm của hệ thần kinh, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng bằng cách bổ sung tăng cường acid folic. Những thực phẩm giàu axit folic gồm có:

  • Rau bó xôi;
  • Bông cải;
  • Cải xoăn;
  • Đậu cô ve;
  • Trái bơ;
  • Đậu phộng;
  • Cá hồi;
  • Hạt hướng dương;
  • Ngũ cốc;
  • Gan bò;
  • Mầm lúa mì…

2.7 Thực phẩm có chất chống oxy hóa

Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức khớp và tê bì chân tay ở người già, người bệnh nên bổ sung các chất chống oxy hóa sẽ góp phần ngăn chặn bệnh. Một số loại thực phẩm có tác dụng giúp làm chậm hoặc chống oxy hóa trong cơ thể gồm:

  • Trà xanh;
  • Quả cherry;
  • Quả việt quất;
  • Cây măng tây;
  • Quả ớt chuông…
Chế độ ăn uống cho người tê bì chân tay- Ảnh 3.

Bệnh nhân hãy tìm hiểu các loại thực phẩm có ích cho sức khỏe.


3. Bị tê tay chân không nên ăn gì?

Bên cạnh việc tìm hiểu khi bị tê bì chân tay nên ăn gì, bạn cũng nên hạn chế một số loại thực phẩm cần kiêng vì không tốt cho sức khỏe lúc này. Nhóm thực phẩm người bệnh nên kiêng khi bị tê bì chân tay gồm có:

  • Thức ăn mặn: Hàm lượng canxi trong cơ thể bị giảm do ăn thức ăn mặn, dễ dẫn đến tình trạng rối loạn canxi.
  • Thực phẩm kém lành mạnh: Bao gồm các loại đồ ngọt, chất kích thích, thực phẩm lên men. Các loại thực phẩm này cũng làm trầm trọng các triệu chứng tay chân đau mỏi, tê bì hơn.
  • Thực phẩm có tính axit cao: Những loại thực phẩm có tính axit cao có tác dụng ức chế hoạt động của canxi, magie, do các chất này không thích hợp với clo, lưu huỳnh làm cho quá trình trao đổi chất bị dừng lại… từ đó dẫn đến mệt mỏi, thiếu máu, cơ thể bị đau mỏi và cả tình trạng tê tay chân…
Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhTê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Tê bì chân tay là một triệu chứng phổ biến, có thể gặp từ người già đến người trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng khó lường như: đau nhức, teo cơ hoặc bại liệt.



BSCKII Ngô Xuân Lam
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn