Chế độ ăn tốt cho trẻ mắc u não

05-11-2024 06:51 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đối với bệnh u não ở trẻ em, nếu trẻ được quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thì tình trạng sức khỏe của trẻ có thể sẽ tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Trẻ cũng có thể khắc phục được những tác dụng không mong muốn do quá trình điều trị bệnh gây ra.

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với bệnh u não ở trẻ em

Theo ThS.BS. Đặng Thị Thu Hằng, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, u não là sự phát triển bất thường của một loại tế bào thần kinh và đứng thứ hai trong các bệnh ung thư ở trẻ em. Tỷ lệ mắc u tiên phát ở khoảng 2-3/100.000 trẻ, nam nhiều hơn nữ.

Trẻ em bị u não thường kèm theo nhiều dấu hiệu tùy thuộc vào vị trí, kích thước của não, trong đó có thể kể đến một số biểu hiện như: Mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực; đầu to, thóp phồng, thóp giãn, giãn khớp so (hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi).

Bên cạnh đó, hội chứng tăng áp lực trong sọ gây ra dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, nôn, thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, ngủ gà hay trì trệ, chậm tiếp thu, không tập trung trong lớp học. Khi bệnh u não ở trẻ đã trở nên nặng, trẻ thường lơ mơ, bán mê hoặc hôn mê.

Chế độ ăn tốt cho trẻ mắc u não- Ảnh 1.

Dinh dưỡng tốt có thể khắc phục được những tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị bệnh u não cho trẻ.

Theo các bác sĩ, các phương pháp điều trị bệnh ung thư, trong đó có u não ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng đến khả năng dung nạp thức ăn cũng như quá trình sử dụng chất dinh dưỡng của trẻ.

Nếu trước, trong và sau quá trình điều trị bệnh, trẻ được quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thì tình trạng sức khỏe của trẻ có thể sẽ tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Trẻ cũng có thể khắc phục được những tác dụng không mong muốn do quá trình điều trị bệnh gây ra.

Tuy nhiên, ở mỗi trẻ nhu cầu dinh dưỡng là khác nhau. Bởi vậy cần xác định mục tiêu dinh dưỡng cho trẻ bị ung thư và lên kế hoạch để trẻ có thể đạt được những mục tiêu đó.

Khi trẻ có một chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như:

- Tình trạng sức khỏe được cải thiện.

- Trẻ khỏe mạnh hơn, có nhiều năng lượng tốt hơn

- Giúp chữa lành và tăng khả năng phục hồi; sức chịu đựng của trẻ tốt hơn, kể cả là những tác dụng phụ của việc sau điều trị.

- Trẻ có thể theo sát được kế hoạch điều trị mà không bị bỏ dở.

- Làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh.

- Có thể duy trì được sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.

- Đảm bảo duy trì cân nặng, dự trữ các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

- Giúp trẻ cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, tốt đẹp hơn, tinh thần lạc quan hơn.

2. Các nhóm thực phẩm tốt cho quá trình điều trị bệnh u não ở trẻ em

Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, nhất là khi điều trị bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ phải được bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Chế độ ăn tốt cho trẻ mắc u não- Ảnh 2.

Một số thực phẩm tốt cho não.

2.1 Protein (chất đạm)

Protein được cung cấp vào cơ thể với vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Protein giúp sửa chữa các mô, duy trì làn da, tế bào máu và hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng như niêm mạc đường tiêu hóa. Khi bị bệnh nhu cầu protein của trẻ thường cao hơn.

Do đó, nếu trẻ bị ung thư không được bổ sung đủ protein có thể dẫn đến tình trạng phá vỡ cơ bắp để đáp ứng lượng protein mà cơ thể cần. Sau khi hóa xạ trị hay phẫu thuật, trẻ cũng cần bổ sung protein để làm các vết thương và đề phòng nhiễm trùng xảy ra.

2.2 Carbohydrate (chất bột đường)

Carbohydrate chính là nguồn cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất và thực hiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Ở trẻ đang điều trị bệnh ung thư, cơ thể có thể cần nhiều năng lượng hơn so với một đứa trẻ bình thường từ 20 – 90%. Và con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước hay tình trạng mà trẻ gặp phải.

Có thể bổ sung carbohydrate từ trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Đây được coi là nguồn carbohydrate tốt nhất giúp cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và dinh dưỡng thực vật cho các tế bào của cơ thể.

2.3 Chất béo

Được tạo thành từ các axit béo, chất béo tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, giúp hình thành nên cấu trúc tế bào. Khi được bổ sung vào cơ thể, chất béo được phân hủy nhằm dự trữ năng lượng, cách ly các mô cơ thể và mang một số loại vitamin qua máu. Do đó, trong khẩu phần ăn hàng ngày không thể thiếu chất béo đặc biệt là với trẻ mắc bệnh ung thư.

2.4 Vitamin và khoáng chất

Để có thể tăng trưởng, phát triển và hoạt động bình thường cơ thể trẻ cần một lượng vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, vitamin và khoáng chất cũng giúp cơ thể sử dụng năng lượng mà nó được cung cấp từ thực phẩm.

Thực tế cho thấy ngay cả những trẻ khỏe mạnh vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Những trẻ có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý thường sẽ nhận được nhiều vitamin và khoáng chất hơn những đứa trẻ khác. Bởi vậy, cần bổ sung thêm lượng thích hợp để đảm bảo sức khỏe của trẻ.

3. Lưu ý khi chế biến món ăn cho trẻ em mắc u não

Trong quá trình điều trị u não, trẻ có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như: nôn, buồn nôn, viêm loét miệng, viêm lợi, khô miệng khiến việc ăn uống của trẻ trở nên khó khăn. Vì vậy, việc chế biến món ăn cho trẻ hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng.

Chế độ ăn tốt cho trẻ mắc u não- Ảnh 3.

Hạn chế cho trẻ mắc u não ăn các đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ.

Lên thực đơn cho trẻ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ mất cảm giác thèm ăn (chán ăn), gia đình có thể cho trẻ ăn làm các bữa nhỏ và đều đặn trong cả ngày. Có thể lên kế hoạch trước cho thực đơn hàng ngày bằng cách hỏi trẻ muốn ăn gì, thích ăn gì.

Tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ

Chú trọng tới chất lượng của mỗi lần ăn - chọn thực phẩm giàu protein và năng lượng và luôn có sẵn đồ ăn nhẹ. Chuẩn bị các thực phẩm có hương vị và cách trình bày hấp dẫn, ăn đồ ăn lạnh hoặc có nhiệt độ thường thay vì đồ ăn nóng, thử các đồ ăn mới vì có thể sở thích về thực phẩm của trẻ có thể thay đổi theo ngày.

Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn, gia đình cần lưu ý các thực phẩm nên tránh như đồ ăn cay nóng, đồ rán ngập mỡ và nhiều dầu mỡ, đồ nhiều đường, các đồ ăn có mùi vị mạnh…

Thay đổi món ăn theo thể trạng của trẻ

Khi trẻ bị tiêu chảy, nên tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn giàu chất xơ; đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Nên cho trẻ ăn súp, nước điện giải, chuối và hoa quả đóng lọ để thay thế lượng muối và kali mất do tiêu chảy; uống nhiều nước trong cả ngày, nước có nhiệt độ bình thường sẽ dễ dung nạp hơn, uống một cốc nước sau mỗi lần đi ngoài...

Trường hợp trẻ điều trị u não bị táo bón (tình trạng rất phổ biến ở trẻ ung thư) cần tăng lượng các chất xơ như hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước, ít nhất 8 - 10 cốc, vận động thể chất nhẹ nhàng nếu có thể, có thể áp dụng một số hướng điều trị chống táo bón.

Hạn chế các chất kích thích, nhiều đường

Không nên cho trẻ uống quá nóng hoặc quá lạnh, đồ uống có chứa cafein (cà phê, trà và socola); tránh các đồ ăn và thức uống có chứa nhiều đường, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

U não ở trẻ em: Đặc điểm, nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biếtU não ở trẻ em: Đặc điểm, nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biết

SKĐS - Bệnh u não ở trẻ em thường chiếm 15% đến 20% trong tất cả các khối u ác tính ở trẻ. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong số tất cả các bệnh ung thư ở trẻ em.


Anh Khôi
Ý kiến của bạn