1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị đau dây thần kinh chẩm
TS.BS. Đinh Vinh Quang, chuyên khoa thần kinh, BV Nhân dân 115, TP.HCM, nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm bao gồm chấn thương, chèn ép, viêm, thoái hóa cột sống cổ, khối u chèn ép, nhiễm trùng, căng cơ vùng cổ.
Triệu chứng chủ yếu của đau dây thần kinh chẩm là đau ở vùng chẩm, có thể kèm theo tê, nhức, đau tăng khi cử động cổ. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng đặc biệt ở những người có vấn đề về cột sống cổ, người lớn tuổi bị thoái hóa cột sống cổ, người bị chấn thương vùng cổ hoặc người làm việc gây căng cơ cổ.
Để chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm, bác sĩ sẽ hỏi về vị trí, tính chất đau và khám lâm sàng. Nếu cần thiết, có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp CT hoặc MRI cột sống cổ. Điều trị đau dây thần kinh chẩm có thể bao gồm các phương pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu, xoa bóp, giảm căng cơ, kích thích thần kinh và các phương pháp dùng thuốc như thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm.
Để phòng tránh đau dây thần kinh chẩm, cần chú ý tránh chấn thương vùng cổ, tránh làm các động tác gây căng cơ cổ quá mức, tập luyện thể dục thể thao vùng cổ, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Đau thần kinh chẩm là tình trạng đau đặc trưng bởi cơn đau bắt nguồn từ phần trên cổ và sau đầu. Cơn đau lan tỏa từ vùng dưới chẩm lên đỉnh đầu hoặc hai bên đầu và sau mắt. Nguồn ảnh: brizbrain
Chưa có loại thực phẩm bổ sung hoặc vitamin nào được nghiên cứu có tác dụng chữa bệnh đau dây thần kinh chẩm. Tuy nhiên, thực hiện chế độ ăn chống viêm có thể giúp tình trạng đau giảm. Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc quản lý và giảm thiểu các triệu chứng đau dây thần kinh chẩm vì những lý do sau:
Giảm viêm:
Viêm là một trong những nguyên nhân chính gây đau dây thần kinh chẩm. Một chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm tình trạng viêm nhiễm, từ đó giảm đau. Các thực phẩm như cá béo giàu omega-3, rau xanh đậm, quả mọng và nghệ có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
Hỗ trợ sức khỏe thần kinh:
Dây thần kinh chẩm cần các chất dinh dưỡng thiết yếu để hoạt động bình thường. Chế độ ăn cân bằng cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ thần kinh, giúp tăng cường chức năng thần kinh và giảm đau. Vitamin B12, có trong thịt, cá và trứng, đặc biệt quan trọng cho sức khỏe thần kinh.
Kiểm soát cân nặng:
Thừa cân có thể gây thêm áp lực lên vùng cổ và đầu, làm trầm trọng thêm cơn đau dây thần kinh chẩm. Một chế độ ăn lành mạnh giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm áp lực lên dây thần kinh và giảm đau.
Tránh các tác nhân gây đau:
Một số thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm và đau, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đường tinh luyện và rượu. Tránh những thực phẩm này có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
Như vậy, chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng là một phần quan trọng trong việc quản lý đau dây thần kinh chẩm.
2. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị đau dây thần kinh chẩm

Người bị đau dây thần kinh chẩm nên bổ sung các thực phẩm chống viêm và thực phẩm tốt cho hệ thần kinh.
Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng có thể giúp giảm viêm, tăng cường hệ thần kinh và cải thiện sức khỏe tổng thể, từ đó góp phần giảm đau. Người bị đau dây thần kinh chẩm nên bổ sung các thực phẩm chống viêm và thực phẩm tốt cho hệ thần kinh.
2.1. Thực phẩm nên ăn
Protein nạc: như cá và gia cầm có thể giữ cho các tế bào máu và dây thần kinh khỏe mạnh vì chúng có hàm lượng vitamin B12 cao. Vitamin B12 giúp hỗ trợ hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Nó cũng đảm bảo truyền xung thần kinh hiệu quả. Cá như cá hồi, là nguồn acid béo omega 3 tuyệt vời, có thể hỗ trợ chữa lành các dây thần kinh.
Các loại hạt: Ăn các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân và óc chó đều có ích trong việc hỗ trợ chức năng thần kinh vì chúng giàu vitamin B. Các loại hạt cũng giúp no lâu hơn vì chúng chứa chất béo lành mạnh, có thể giúp ngăn ngừa ăn quá nhiều.
Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, hạt diêm mạch, lúa mì nguyên cám hoặc bánh mì ngũ cốc nảy mầm là những lựa chọn tuyệt vời vì chúng giàu chất xơ, giúp giảm viêm.
Rau lá xanh: Rau lá xanh đậm không chỉ chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác mà còn chứa magie, phức hợp vitamin B, vitamin C và vitamin E, tất cả đều rất cần thiết cho chức năng của hệ thần kinh. Magie cũng có tác dụng làm dịu thần kinh.
Quả mọng: Dâu tây, việt quất... chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm.
Nghệ: Chứa curcumin, một chất chống viêm mạnh mẽ.
Dầu ô liu: Chứa chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh, giúp giảm viêm.
2.2. Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường tinh luyện và rượu có thể làm tăng tình trạng viêm và đau.
Các sản phẩm ngũ cốc có gluten: Những người bị bệnh thần kinh nên cân nhắc tránh các loại carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, mì ống, pizza, bánh quy giòn và các loại đồ ăn nhẹ khác. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng nhạy cảm với gluten và đau dây thần kinh, vì vậy tốt nhất là nên chọn các loại carbohydrate chưa tinh chế.
Thực phẩm mặn: Thực phẩm có hàm lượng natri cao, chẳng hạn như khoai tây chiên, thịt nguội và các bữa ăn chế biến đông lạnh vì hàm lượng natri cao có thể dẫn đến hạn chế lưu lượng máu, dễ gây ra các triệu chứng bùng phát.
Ngoài ra, duy trì cân nặng hợp lý cũng rất quan trọng, vì thừa cân có thể gây thêm áp lực lên vùng cổ và đầu, làm trầm trọng thêm cơn đau.
3. Tham khảo thực phẩm hỗ trợ chứng đau dây thần kinh chẩm
Có một số loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể hỗ trợ người đau dây thần kinh chẩm, bao gồm:
Dầu cá
Các acid béo thiết yếu omega-3 có trong cá nhiều dầu như cá hồi, cá thu và cá mòi được cho là có tác dụng giảm viêm. Theo một số nghiên cứu so sánh thuốc giảm đau chống viêm ibuprofen và acid béo omega-3 đã phát hiện ra rằng dầu cá có hiệu quả như nhau trong việc giảm đau. Ăn cá nhiều dầu có thể giúp giảm viêm xung quanh dây thần kinh chẩm nhưng nếu không thích ăn cá hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc thử dùng thực phẩm bổ sung dầu cá chất lượng tốt.

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về việc tiêu thụ thực phẩm bổ sung.
Nghệ
Nghệ chứa một chất polyphenol gọi là curcumin, đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và cũng có thể hữu ích trong việc kiểm soát cơn đau.
Vitamin nhóm B
Nhiều loại vitamin B cần thiết cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Ví dụ, vitamin B12 là cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của dây thần kinh, nếu bị thiếu vitamin B12, tình trạng này có thể gây tổn thương dây thần kinh (các nghiên cứu cho thấy có tới 20% người lớn tuổi bị thiếu vitamin B12.
Magie
Ăn thực phẩm giàu magie hoặc dùng thực phẩm bổ sung magie có thể giúp làm giảm tình trạng cứng cơ, vì nó giúp cơ thư giãn (ví dụ, có một số bằng chứng cho thấy thiếu magie có thể dẫn đến chuột rút cơ). Thực phẩm giàu magie bao gồm tảo bẹ, mật mía đen, kiều mạch, cám lúa mì, rau bina, hạt điều, đậu nành và hạnh nhân.
Acid alpha lipoic
Một loại acid béo chứa lưu huỳnh, acid alpha lipoic được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể và là một chất chống oxy hóa mạnh. Một số bác sĩ y học tự nhiên khuyên dùng để điều trị chứng đau thần kinh, vì người ta cho rằng acid alpha lipoic có thể giúp hỗ trợ các dây thần kinh chống lại tổn thương.
Một số nơi dùng acid alpha lipoic để điều trị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, một tình trạng do bệnh đái tháo đường gây ra, gây tổn thương thần kinh ở cánh tay và chân (bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường thường được điều trị bằng cùng loại thuốc giảm đau liên quan đến thần kinh như đau dây thần kinh chẩm).
Lecithin
Là một chất bổ sung thực phẩm, lecithin thường được làm từ đậu nành và chứa một chất gọi là phosphatidyl serine, được cho là quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Nó cũng có thể hữu ích cho chức năng thần kinh nói chung, hỗ trợ các dây thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh (các phân tử được hệ thần kinh sử dụng để gửi thông điệp giữa các tế bào thần kinh hoặc từ tế bào thần kinh đến cơ).
PFA
Còn được gọi là palmitoylethanolamide, PEA là một loại aicd béo nội sinh có trong các loại thực phẩm như đậu nành, đậu phộng, trứng, hạt lanh và sữa. Được mô tả là một chất hóa học giống như endocanbinoid thuộc họ hợp chất acid béo gọi là amid, giúp giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên, sử dụng PFA dưới dạng thực phẩm chức năng cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
4. Tham khảo chế độ ăn keto khi bị đau dây thần kinh chẩm
Chế độ ăn ketogenic (keto) được cho là giúp giảm viêm và giảm đau do chứng đau đầu do đau dây thần kinh chẩm.
Chế độ ăn ketogenic là chế độ ăn nhiều chất béo, hạn chế mạnh carbohydrate. Nó tạo ra phản ứng trong cơ thể tương tự như nhịn ăn. Chế độ ăn keto ít carbohydrate, nhiều chất béo gây ra trạng thái chuyển hóa được gọi là ketosis, trong đó các chất được gọi là ketone hoặc thể ketone tích tụ trong máu. Đây là những chất tương tự tích tụ trong quá trình nhiễm toan ceton (trường hợp cấp cứu y tế) ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Chế độ ăn ketogenic đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các chứng rối loạn co giật không đáp ứng với hai loại thuốc chống co giật khác nhau. Mặc dù phương pháp điều trị này thường được sử dụng ở trẻ em, một số người lớn bị rối loạn co giật cũng có thể được hỗ trợ bằng chế độ ăn ketogenic. Các nghiên cứu gần đây đã khám phá khả năng của chế độ ăn ketogenic trong việc giảm viêm và đau do đau dây thần kinh chẩm.
Chế độ ăn ketogenic thường không được khuyến khích để kiểm soát cân nặng vì nó không hiệu quả hơn các chế độ ăn kiêng kiểm soát cân nặng tiêu chuẩn khác và có thể gây ra các rủi ro cho sức khỏe, bao gồm cả tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Hầu hết chế độ ăn ketogenic đều cho phép ăn những thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, bao gồm:
- Thịt chế biến, ví dụ như các loại thịt có nhiều mỡ ; thịt đỏ, mỡ lợn và bơ.
- Thông thường, chế độ ăn ketogenic cũng bao gồm chất béo không bão hòa như cá có dầu, hạt, dầu thực vật.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Đau dây thần kinh chẩm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, vì vậy việc điều trị đúng cách là rất quan trọng. Người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp, đặc biệt là người có các bệnh lý mạn tính khác. Việc sử dụng thực phẩm bổ sung cũng cần được thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Xem thêm: