Chế độ ăn phù hợp với người có u lách lành tính

04-11-2024 13:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Xây dựng chế độ ăn đúng, hợp lý, khoa học cho bệnh nhân bị u lách lành tính, nhất là người phải trải qua phẫu thuật sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục, giảm các biến chứng. Dưới đây là các thông tin liên quan về chế độ ăn để bạn đọc tham khảo.

1. Vai trò dinh dưỡng với u lách (lành tính)

Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, GS.TS Lê Thị Hương (Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K) cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh.

Mặc dù u lách lành tính không phải là ung thư và thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng chế độ dinh dưỡng có thể giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, giảm tình trạng viêm, hỗ trợ sức khỏe của lá lách và cơ thể nói chung. Chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa sự phát triển của u lách lành tính mà còn giúp người bệnh sớm hồi phục nếu phải phẫu thuật.

Theo BSCKII. Lê Bá Minh (BVĐK Thanh Hóa), u lách là bệnh lý hiếm gặp. Đây không phải là ung thư, nhưng vẫn có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nếu phát hiện muộn, bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh do khối u lớn dần có thể khiến lách của người bệnh vỡ bất cứ lúc nào dù chỉ là những va chạm nhẹ trong quá trình người bệnh hoạt động, lao động bình thường. Bệnh thường diễn biến âm thầm hoặc có triệu chứng không đặc hiệu.

Với u lách quá lớn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phẫu thuật. Người bệnh khi được chỉ định phẫu thuật sẽ phải có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để bồi bổ cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng điều trị và sức khỏe của người bệnh.

Chế độ ăn phù hợp với người có u lách lành tính- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Một số vai trò của dinh dưỡng với người có u lách lành tính:

+ Hỗ trợ hệ miễn dịch;

Lá lách là một phần quan trọng của hệ miễn dịch, giúp lọc máu, loại bỏ các tế bào hồng cầu già yếu, cũng như sản xuất các tế bào bạch cầu. Chế độ ăn giàu vitamin C (trong cam, bưởi, dâu tây, ớt chuông) và vitamin A (trong cà rốt, khoai lang, rau xanh đậm) giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, cải thiện chức năng miễn dịch.

+ Giảm tình trạng viêm nhiễm

U lách lành tính đôi khi có thể liên quan đến viêm mãn tính. Các thực phẩm có tác dụng kháng viêm như cá hồi, cá thu, hạt lanh (giàu omega-3), cùng với các loại rau xanh đậm, trái cây tươi sẽ giúp giảm viêm. Nghệ và gừng cũng là các loại gia vị có tính kháng viêm tự nhiên, có thể được thêm vào bữa ăn.

+ Cung cấp chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi tác động của gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương tế bào. Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, rau xanh, các loại hạt giúp duy trì sức khỏe của lá lách và phòng ngừa sự phát triển thêm của các khối u.

+ Hỗ trợ tiêu hóa và giảm gánh nặng cho lá lách

Lá lách hỗ trợ tiêu hóa, vì vậy chế độ ăn dễ tiêu sẽ giúp giảm gánh nặng cho cơ quan này. Các loại ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch…), rau củ quả giàu chất xơ (bông cải xanh, bí ngô, táo…) giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Uống đủ nước cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, tránh tình trạng táo bón.

2. Các thực phẩm nên ăn và hạn chế ăn với người u lách (lành tính)

Một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm các chất dinh dưỡng sẽ hỗ trợ duy trì sức khỏe của lá lách, đặc biệt quan trọng cho người có u lách (lành tính).

2.1. Các thực phẩm nên ăn:

Rau củ, trái cây: Đặc biệt là các loại quả mọng, rau xanh đậm, cà rốt, cam, quýt.

Chất béo lành mạnh: Từ cá béo, hạt chia, hạt lanh, dầu ô liu.

Nguồn đạm lành mạnh: Đậu, đậu lăng, thịt gà không da, cá giúp cung cấp protein tốt cho sức khỏe.

Ngũ cốc nguyên cám: Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, giàu chất xơ, giúp tiêu hóa tốt.

2.2. Các thực phẩm nên hạn chế với u lách

Thực phẩm chế biến sẵn: Chứa nhiều chất bảo quản, các thành phần gây viêm như đường, chất béo bão hòa.

Đường, thực phẩm ngọt: Có thể gây viêm, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch.

Đồ uống có cồn và caffeine: Làm tăng áp lực cho hệ tiêu hóa, có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

Chế độ ăn phù hợp với người có u lách lành tính- Ảnh 2.

Chế độ ăn giàu đạm rất cần thiết với người sau phẫu thuật u lách. Ảnh minh hoạ.

3. Một số lưu ý khi thực hiện chế độ ăn cho người phẫu thuật u lách

Không chỉ lưu ý về chế độ ăn của người phẫu thuật lá lách, người bệnh nên chú ý lắng nghe cơ thể mình để tránh các biến chứng, nhất là giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Nếu người bệnh không ăn uống được, hay bị nôn mửa ngay sau khi ăn cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý.

Trong trường hợp uống thêm các loại vitamin hay các chất bổ sung, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ở giai đoạn này, chế độ ăn cũng cần đầy đủ calo, protein để tăng nhanh thể trọng, giúp vết thương mau lành. Protein có thể từ 120 - 150g/ngày và năng lượng có thể từ 2.500 - 3.000 kcal/ngày. Lưu ý chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày.

Chọn thực phẩm giàu nước, dễ tiêu hóa giúp cơ thể giữ đủ nước, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp lá lách, các cơ quan khác hoạt động hiệu quả hơn. Các loại trái cây mọng như dưa hấu, dưa leo, cam hay súp rau củ, nước ép tươi không thêm đường… đều tốt cho người bệnh. Ăn nhiều các loại hoa quả để tăng cường vitamin C và vitamin nhóm B.

Song song cùng chế độ dinh dưỡng, người bệnh cũng cần lưu ý chế độ sinh hoạt khác để nhanh hồi phục. Việc vận động quá sớm, quá nhiều sau phẫu thuật không những không giúp phục hồi nhanh mà thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cơ thể. Người bệnh nên tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục sau phẫu thuật.

Chế độ ăn uống tốt cho người bị chóng mặt kịch phát lành tínhChế độ ăn uống tốt cho người bị chóng mặt kịch phát lành tính

SKĐS - Chóng mặt kịch phát lành tính mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng gây nhiều khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và giảm thiểu các cơn chóng mặt.


An Khánh
Ý kiến của bạn