Chế độ ăn phòng rối loạn mỡ máu

03-01-2017 15:06 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi 56 tuổi, gần đây, tôi thấy cơ thể béo lên, thỉnh thoảng hay bị hoa mắt chóng mặt.

Tôi 56 tuổi, gần đây, tôi thấy cơ thể béo lên, thỉnh thoảng hay bị hoa mắt chóng mặt. Nhiều người nói tôi có thể bị rối loạn mỡ máu nên tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn cách nhận biết và cách phòng tránh căn bệnh này.

Đức An (Hải Dương)

Bệnh rối loạn mỡ máu (gọi là rối loạn lipid máu hay tăng cholesterol máu), là bệnh khá phổ biến dẫn đến bệnh vữa xơ động mạch và động mạch vành.

Rối loạn mỡ máu hay gặp ở những người béo phì do ít vận động, ăn uống quá dư thừa chất đạm, chất mỡ và những đồ ăn nhanh… Một dấu hiệu dễ nhận biết khác là khi bị rối loạn mỡ máu, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, ăn không tiêu, rối loạn về tiêu hóa, huyết áp không ổn định. Vì vậy, khi thấy cơ thể có một vài biểu hiện trên, chúng ta nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh.

Để nói không với bệnh mỡ máu, cần hạn chế ăn các chất béo bão hòa gây tăng cholesterol máu. Các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, các loại thức ăn rán, phủ tạng động vật, thịt đỏ, các loại bánh như bích quy và gato... thay thế bằng các thức ăn chứa nhiều chất béo không bão hòa bao gồm: dầu hướng dương, sữa đậu nành, cá, một số loại quả, củ... Tăng cường các loại hoa quả vì chúng làm giảm lượng cholesterol trong máu; Cần hạn chế uống rượu, hút thuốc lá để làm giảm lượng triglycerid máu. Tập thể dục thường xuyên và giảm cân nếu bạn bị thừa cân. Đặc biệt, hằng ngày, dành 30 phút tập thể dục, đi bộ (nên dành 150 phút đi bộ cho một tuần). Người cao tuổi tập thể dục bằng cách đi bộ buổi chiều là tốt nhất. Ngoài ra, cần sắp xếp thời gian học tập, lao động hợp lý. Cần đảm bảo giấc ngủ tối thiểu từ 6 - 7 tiếng/ngày. Đối với người cao tuổi không ngủ được nhiều, cũng có thể bù vào giấc ngủ trưa.


BS. Văn Bàng
Ý kiến của bạn