Theo nghiên cứu này, có tới 1/3 số phụ nữ Nam Á ở Ontario bị tiểu đường thai nghén. Người dẫn đầu nghiên cứu giáo sư Sonia Anand, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chanchlani tại McMaster, nói “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu phụ nữ Nam Á có thể đạt được cân nặng hợp lý trước khi sinh và cải thiện chất lượng chế độ ăn, thì khoảng 1/3 số trường hợp tiểu đường thai nghén ở nhóm dân cư này có thể được phòng ngừa”.
Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu quần tập sinh START, gồm hơn 1.000 phụ nữ đang ở quý 2 của thai kỳ. Nghiên cứu START thu thập thông tin sức khỏe, số đo thể chất và test dung nạp glucose. Các yếu tố chính về tiểu đường thai nghén ở nhóm phụ nữ này bao gồm các yếu tố như độ tuổi, tiền sử gia đình bị tiểu đường týp 2, cân nặng của mẹ và các yếu tố có thể thay đổi được như cân nặng trước khi mang thai và chất lượng chế độ ăn. Chế độ ăn chất lượng thấp đặc trưng bởi tiêu thụ lượng lớn thịt, gạo và đồ rán, ít rau. Chế độ ăn chất lượng cao có liên quan với tiêu thụ nhiều rau quả, đậu và bánh mỳ từ ngũ cốc nguyên hạt.
Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra thông điệp sức khỏe cộng đồng đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai. “Theo hiểu biết của chúng tôi, các bác sĩ chăm sóc ban đầu và chuyên gia sức khỏe cộng đồng không thường xuyên đưa ra khuyến nghị về việc duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai và đảm bảo chất lượng chế độ ăn, cần có một phương pháp tích hợp gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các sáng kiến chính sách. Ngoài ra, cần tiến hành các nghiên cứu can thiệp để xác định xem liệu giảm cân trước khi mang thai và đảm bảo chất lượng chế độ ăn trong suốt thai kỳ có giúp giảm tỉ lệ tiểu đường thai nghén ở nhóm có nguy cơ cao hay không”, giáo sư Sonia Anand cho biết.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí CMAJ Open ngày 10/8.