1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với bệnh giun tóc
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh viện chuyên khoa ký sinh trùng, bệnh giun tóc là một bệnh nhiễm giun ở đường ruột thường gặp, đây là một loại nhiễm trùng giun phổ biến thứ 3 thế giới, ước tính có khoảng 604 - 795 triệu người bị nhiễm.
Giun tóc là loại bệnh phổ biến nhất ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Bệnh giun tóc ở người thường lây lan qua đường phân và ăn uống. Việc sinh hoạt thiếu vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Điều kiện thuận lợi nhất để phát sinh bệnh giun tóc đó là khí hậu nóng ẩm, vệ sinh cá nhân không hợp vệ sinh, lối sống còn lạc hậu. Người dân ở nông thôn nhiễm cao hơn ở thành thị, đặc biệt là nơi có tập quán dùng phân người bón ruộng.
Nhiễm giun tóc nặng có thể bị tổn thương niêm mạc ruột tại chỗ, hậu quả dẫn đến hội chứng tiêu hóa giống như hội chứng lỵ (đau bụng, đại tiện nhiều lần, phân ít mỗi lần đi và đôi khi có lẫn máu); Thiếu máu, suy nhược cơ thể và giảm cân một cách bất thường... những điều này ảnh hưởng đến hấp thụ dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh nhiễm giun tóc. Nhiễm giun tóc có thể cản trở quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, trường hợp nhiễm giun tóc nặng, người bệnh có thể bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em.
2. Chế độ ăn phù hợp cho người bệnh giun tóc
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sau:
Protein: Cần thiết cho việc phục hồi các tế bào bị tổn thương và tăng cường hệ miễn dịch. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu và các loại hạt.
Vitamin và khoáng chất: Đặc biệt là vitamin nhóm B, vitamin C, sắt và kẽm, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Vitamin và khoáng chất nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu.
Chất xơ: Giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Hạn chế các thực phẩm:
Thực phẩm khó tiêu: Đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có gas có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đang bị tổn thương.
Thức ăn sống hoặc tái: Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun tóc và các ký sinh trùng khác.
Chia nhỏ bữa ăn: Giúp hệ tiêu hóa dễ dàng hấp thụ thức ăn hơn.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín uống sôi, rửa sạch rau quả trước khi ăn. Gọt vỏ trái cây, nấu chín rau củ để ngăn ngừa tái nhiễm giun tóc và các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác.
Ngoài chế độ ăn, người bệnh cũng cần chú ý:
Tẩy giun định kỳ: Theo khuyến cáo của bác sĩ để loại bỏ giun tóc và các loại ký sinh trùng khác.
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh môi trường: Giữ gìn nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ.
3. Tham khảo chế độ ăn nhiều chất béo giúp loại bỏ giun ký sinh đường ruột
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều chất béo cho phép hệ thống miễn dịch loại bỏ một loại giun ký sinh - nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật ở các nước đang phát triển.
Giun ký sinh ảnh hưởng đến một tỷ người, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém. Một trong những ký sinh trùng này được gọi là giun tóc có thể gây nhiễm trùng lâu dài ở ruột già.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster và Đại học Manchester đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều chất béo cho phép hệ thống miễn dịch loại bỏ ký sinh trùng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Evelyn Funjika, trước kia ở Đại học Manchester cho biết, để có thể nghiên cứu cách dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhiễm giun ký sinh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình chuột Trichuris muris, có quan hệ họ hàng gần với giun tóc Trichuris trichiura ở người và quan sát cách chế độ ăn nhiều chất béo ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Trước đây, người ta đã chứng minh rằng phản ứng miễn dịch giúp trục xuất ký sinh trùng phụ thuộc vào các tế bào bạch cầu gọi là tế bào T-helper 2, chuyên loại bỏ ký sinh trùng đường tiêu hóa. Những phát hiện được công bố trên tạp chí "Mucosal Immunology" chứng minh rằng chế độ ăn nhiều chất béo, chứ không phải bản thân tình trạng béo phì, làm tăng một phân tử trên tế bào T-helper gọi là ST2 và điều này cho phép tăng phản ứng của tế bào T-helper 2 giúp đẩy ký sinh trùng ra khỏi niêm mạc ruột già.
Xem thêm: