1. Quản lý dinh dưỡng với người bị ẹp eo động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ là một khuyết tật tim bẩm sinh. Nó liên quan đến việc hẹp eo động mạch chủ, mạch máu chính mang máu giàu oxy từ tâm thất trái của tim đến tất cả các cơ quan của cơ thể. Nếu không được can thiệp hoặc can thiệp muộn, tình trạng hẹp eo động mạch chủ có thể dẫn đến tăng huyết áp suốt đời.
Hẹp eo động mạch chủ thường được phân làm 2 loại bao gồm: Hẹp eo động mạch chủ đơn thuần và hẹp eo động mạch chủ phối hợp với các bất thường trong tim khác như kênh nhĩ thất, thông liên thất, chuyển vị đại động mạch, thất phải hai đường ra,… Nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến suy tim, viêm nội tâm mạc, xuất huyết trong não, nguy cơ nứt vỡ động mạch chủ.
Các triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ hẹp và bao gồm nhức đầu, đau ngực, lạnh đầu chi, mệt mỏi, yếu chân cho đến mức độ suy tim cấp và sốc. Chẩn đoán bằng siêu âm tim hoặc chụp CT hoặc chụp MR. Điều trị là nong mạch bằng bóng với đặt stent hoặc phẫu thuật.

Hẹp eo động mạch chủ là một bệnh lý tim mạch bẩm sinh.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh hẹp eo động mạch chủ, một bệnh lý tim mạch bẩm sinh. Như đã nói, hẹp eo động mạch chủ có thể gây tăng huyết áp, do đó, chế độ ăn giảm muối và giàu kali giúp kiểm soát huyết áp, giảm gánh nặng cho tim, giảm nguy cơ biến chứng. Hơn nữa, việc hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol, tăng cường omega-3 và chất xơ giúp duy trì sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn cân bằng cũng rất quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho tim và cải thiện hiệu quả hoạt động của tim. Ngoài ra, chế độ ăn lành mạnh còn giúp giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch khác có thể đi kèm hoặc phát triển do hẹp eo động mạch chủ như suy tim. Điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, mang lại cảm giác khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn.
2. Chăm sóc trẻ bị hẹp eo động mạch chủ
Ngoài việc duy trì hoạt động, một trong những cách quan trọng nhất để thúc đẩy sức khỏe tim mạch là thông qua chế độ ăn lành mạnh.
Theo các chuyên gia của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP), các khuyến nghị về chế độ ăn uống cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tim bẩm sinh giống như với bất kỳ trẻ em nào, đó là duy trì một chế độ ăn lành mạnh giúp trẻ khỏe manh, năng động và cân đối. Dưới đây là các thông tin được Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị:
2.1. Trẻ bệnh tim cần duy trì cân nặng hợp lý
Trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn. Có một số lý do cho điều này, bao gồm:
Cần nhiều calo hơn trong giai đoạn đầu đời: Trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh thường khó tăng cân, vì chúng đốt cháy nhiều năng lượng hơn khi thở nhanh hơn và cố gắng ăn. Để giúp trẻ phát triển, trẻ thường được cho dùng sữa công thức hoặc thực phẩm bổ sung giàu calo. Nhưng sau phẫu thuật hoặc khi các triệu chứng của trẻ cải thiện theo thời gian, nhiều cha mẹ thường tiếp tục sử dụng chế độ ăn giàu calo tương tự.
Hạn chế tập thể dục: Trước đây, bác sĩ thường hạn chế hoạt động thể chất đối với trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tim bẩm sinh, do đó nhiều trẻ bệnh tim có nhiều khả năng duy trì lối sống đó. Hiện nay, các chuyên gia nhìn nhận tập thể dục phù hợp và chơi đùa năng động có nhiều lợi ích và an toàn cho hầu hết trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Ngay cả khi được bác sĩ chấp thuận, cha mẹ vẫn có thể lo lắng về việc tập thể dục sẽ ảnh hưởng đến con mình như thế nào. Trẻ em ban đầu được khuyên hạn chế hoạt động cũng có thể gặp khó khăn khi bắt đầu vận động.
Nên theo dõi cân nặng để đảm bảo trẻ duy trì trong phạm vi khỏe mạnh. Nếu con bạn tăng cân quá nhanh, phải thay đổi lối sống. Điều này bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm thời gian không hoạt động.
2.2. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Các khuyến nghị về chế độ ăn uống cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tim bẩm sinh giống như cho bất kỳ trẻ em nào. Hãy ghi nhớ những hướng dẫn này khi lên kế hoạch bữa ăn:
Tăng chất xơ
Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của con bạn lên ít nhất 14 g cho mỗi 1000 calo ăn vào. Thực phẩm chứa chất xơ bao gồm:
- Trái cây và rau quả tươi.
- Thực phẩm nguyên hạt như gạo lứt, mì ống nguyên hạt, ngô, đậu Hà Lan và bánh mì.

Thực phẩm chứa chất xơ.
Giảm chất béo
Giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống của trẻ xuống dưới 30% lượng calo hàng ngày. Có một số cách đơn giản để cắt giảm chất béo, chẳng hạn như:
Chọn các loại topping ít chất béo hoặc không béo như phô mai Parmesan ít chất béo bào sợi, salsa, phô mai tươi thảo mộc, nước sốt không béo/ít chất béo, kem chua ít chất béo, nước sốt salad ít chất béo hoặc sữa chua.
Chọn thịt nạc như thịt gà và gà tây bỏ da, cá, các miếng thịt bò nạc (thịt thăn, thịt bò xay nạc không quá 15% chất béo) và các miếng thịt lợn nạc (thịt thăn, sườn, giăm bông). Cắt bỏ tất cả chất béo nhìn thấy được. Bỏ da khỏi thịt gia cầm đã nấu chín trước khi ăn.
Sử dụng các loại dầu thực vật lành mạnh không có chất béo chuyển hóa như dầu canola (chiết xuất từ hạt cây cải dầu) hoặc dầu ô liu, hướng dương, đậu nành.
Tuân thủ các phương pháp nấu ăn không béo như nướng, nướng vỉ, luộc hoặc hấp khi nấu thịt, thịt gia cầm hoặc cá.
Giới hạn cholesterol xuống dưới 300 mg mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là hạn chế các sản phẩm từ sữa nguyên chất, thịt đỏ, thịt chế biến, thực phẩm chiên và bánh nướng.
Ngoài ra cần giới hạn natri xuống dưới 2,5 g mỗi ngày. Loại bỏ hoặc hạn chế đồ uống có đường xuống dưới 120 ml mỗi ngày. Khuyến khích con bạn uống nước thay thế.
2.3. Hoạt động năng động
Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, kể cả những người mắc bệnh tim bẩm sinh, nên tham gia thường xuyên vào hoạt động thể chất hoặc thể thao. Các chuyên gia y tế khuyến nghị trẻ em nên chơi đùa hoặc chơi thể thao năng động trong 60 phút mỗi ngày.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa tăng cân và bệnh tim ở người lớn khởi phát sớm như đau tim và đột quỵ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp cao và cholesterol cao. Hầu hết trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đều sống tốt đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tim bẩm sinh, tim có thể dễ bị tổn thương hơn do béo phì, tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường. Đây là lý do tại sao tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với tất cả những người mắc bệnh tim bẩm sinh.
2.4. Khi nào nên khuyên hạn chế hoạt động thể chất?
Phần lớn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh không cần hạn chế hoạt động thể chất. Tuy nhiên, một số trẻ cần. Nếu con bạn đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc chúng có thiết bị cấy ghép dễ vỡ, nhịp tim bất thường, chức năng tim suy giảm hoặc lưu lượng máu đến tim giảm khi tập thể dục, bác sĩ có thể khuyên hạn chế một số hoạt động nhất định.
Bác sĩ tim mạch có thể tư vấn về các hoạt động thể chất tốt nhất trong các lần khám, ngay cả khi cần hạn chế hoạt động. Hãy chắc chắn kiểm tra với bác sĩ tim mạch trước khi bắt đầu một môn thể thao hoặc chế độ tập luyện mới.
3. Tham khảo thực phẩm tốt nhất cho tim mạch của trẻ em
Tham khảo những thực phẩm tốt nhất cho tim mạch để đưa vào chế độ ăn của trẻ theo khuyến nghị hàng đầu của các chuyên gia tại Trung tâm chăm sóc nhi khoa Capital Area Pediatrics:
Trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Chúng cũng ít calo và nhiều chất xơ, rất quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Một số lựa chọn tốt cho tim mạch bao gồm:
Quả mọng: Những loại trái cây đầy màu sắc này rất giàu chất chống oxy hóa và polyphenol, có thể giúp giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Trái cây họ cam quýt: Cam, bưởi, chanh đều chứa nhiều vitamin C và flavonoid, có thể giúp hạ huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Rau lá xanh: Rau bina, cải xoăn, rau arugula những loại rau xanh này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ và các chất dinh dưỡng khác tuyệt vời giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt cho bánh mì, mì ống và ngũ cốc.
Sản phẩm từ sữa ít béo
Các sản phẩm từ sữa có thể là nguồn cung cấp canxi và vitamin D tuyệt vời nhưng nhiều loại cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Hãy chọn các loại sữa, sữa chua và phô mai ít béo hoặc không béo để có được lợi ích mà không có thêm chất béo không lành mạnh.
Chất béo lành mạnh

Cho trẻ bị hẹp eo động mạch chủ ăn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.
Trên thực tế, một số loại chất béo, cụ thể là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, có thể giúp thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Những chất béo lành mạnh này có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như:
Quả bơ: Loại trái cây béo ngậy này giàu chất béo không bão hòa đơn đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung.
Dầu ô liu: Một nguồn chất béo không bão hòa đơn tuyệt vời như dầu ô liu có thể giúp giảm viêm và cải thiện chức năng tim.
Cá hồi: Chứa nhiều acid béo omega-3, cá hồi là lựa chọn tốt cho tim mạch, có thể giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Protein nạc
Protein rất cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh nhưng điều quan trọng là phải chọn những thực phẩm thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ví dụ, thịt nạc như thịt gà không da và gà tây là nguồn protein tuyệt vời mà không có thêm chất béo không lành mạnh. Đối với các lựa chọn dành cho người ăn chay, đậu, đậu lăng, đậu phụ và các loại protein có nguồn gốc thực vật khác là những lựa chọn tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hãy nhớ rằng sự đa dạng là rất quan trọng trong chế độ ăn vì các loại thực phẩm khác nhau cung cấp các loại và lượng chất dinh dưỡng quan trọng khác nhau cần thiết cho sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe tim mạch.
Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, do đó nên hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn cá nhân hóa, phù hợp với tình trạng bệnh lý, sức khỏe của người bị hẹp eo động mạch chủ.
Xem thêm: