Chế độ ăn keto là gì?
Chế độ ăn kiêng ketogenic, còn được gọi là chế độ ăn keto thường rất ít carbohydrate, ít protein và nhiều chất béo. Chế độ ăn kiêng này bao gồm các loại thực phẩm như thịt, cá, các loại hạt và rau dạng sợi trong khi loại bỏ hầu hết món ăn từ các loại trái cây, ngũ cốc, đậu, rau giàu tinh bột và đồ ngọt.
Nó nhằm mục đích đạt đến ketosis, trạng thái mà cơ thể sử dụng chất béo để làm nhiên liệu. Glucose cung cấp nguồn năng lượng chính, bắt nguồn từ carbohydrate. Bằng cách hạn chế lượng carbohydrate, chế độ ăn keto buộc cơ thể phân hủy chất béo thành xeton như một nguồn năng lượng thay thế.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition, ăn theo keto có thể dẫn đến những rủi ro sức khỏe lâu dài lớn hơn lợi ích trước mắt.
Bằng cách phân tích các tài liệu hiện có về keto, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn này đặc biệt không an toàn cho phụ nữ mang thai, những người có thể mang thai và mắc bệnh thận. Họ kết luận rằng keto cũng có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như ung thư, bệnh tim và bệnh Alzheimer đối với hầu hết mọi người.
GS. Shivam Joshi tại Trường Y khoa Grossman của Đại học New York - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Một số người giảm cân bằng chế độ ăn keto, nhưng việc giảm cân trong thời gian ngắn có thể là kết quả của việc giảm lượng calo tiêu thụ. Ông cho biết thêm, keto ngang bằng với các chế độ ăn kiêng hạn chế calo khác, nhưng mọi người nên lưu ý về những rủi ro liên quan đến chế độ ăn kiêng này.
Nguy cơ có hại cho sức khỏe tiềm ẩn từ chế độ ăn keto
Một trong những mối quan tâm lớn đối với chế độ ăn kiêng hạn chế này là nhiều người có xu hướng ăn quá nhiều thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn với rất ít trái cây và rau quả. Các nhà nghiên cứu nói rằng theo chế độ ăn keto đặc biệt rủi ro trước hoặc trong khi mang thai và đối với những người bị bệnh thận mạn tính.
Đồng tác giả nghiên cứu - Neal Barnard, trợ giảng y khoa tại Đại học Y khoa George Washington thông tin, chế độ ăn keto chứa các loại thực phẩm có liên quan đến nguy cơ ung thư.
Chế độ ăn keto tập trung vào các sản phẩm động vật trong khi hạn chế nhiều loại rau, trái cây và ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng. Do đó, keto có ít vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc hạn chế carbohydrate trước hoặc trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và đái tháo đường thai kỳ. Đối với phụ nữ mang thai, ngay cả những người có bổ sung axit folic, con của họ vẫn có thể bị dị tật ống thần kinh.
Với người bệnh thận mạn tính, dung nạp một lượng lớn protein có thể gây quá tải cho thận.
Tình trạng ketosis kéo dài ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa insulin và các biến chứng khác. Chế độ ăn ketogenic có thể gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt nếu không tuân thủ dùng thuốc đúng liều.
Keto có thể làm tăng nhanh chóng tổng mức cholesterol, bao gồm cả cholesterol lipoprotein mật độ thấp (cholesterol xấu), có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Tiếp cận chế độ ăn keto một cách an toàn
Trong những năm gần đây, keto đã trở thành một chế độ ăn kiêng hợp thời để giảm cân và kiểm soát một số tình trạng sức khỏe khác. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về tính an toàn lâu dài của chế độ ăn kiêng này đối với những người mắc bệnh chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Trên thực tế, việc đạt được và duy trì ketosis có thể đặc biệt khó khăn đối với nhiều người và đòi hỏi sự siêng năng và lập kế hoạch. Những người mới tham gia chế độ ăn keto có thể gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, sương mù não, buồn nôn và khó chịu. Điều này đôi khi được gọi là “cúm keto”. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau vài tuần khi cơ thể thích nghi với keto.
Mặc dù keto có tác dụng đối với một số người để kiểm soát cơn động kinh hoặc giảm cân, nhưng có những rủi ro lâu dài có thể lớn hơn bất kỳ lợi ích ngắn hạn nào. Hãy đảm bảo rằng chế độ ăn kiêng này không trở thành một lối sống cho bạn. Hãy biến keto trở thành một chế độ ăn uống phù hợp với lối sống và khu vực của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bắt đầu chế độ ăn kiêng keto, hãy cân nhắc những rủi ro của nó và liệu nó có bền vững cho bạn hay không.
Bạn có thể quyết định chế độ ăn uống nào phù hợp nhất với mục tiêu sức khỏe của mình. Thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách kế hoạch ăn kiêng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Luôn tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bước vào bất kỳ chế độ ăn kiêng nào để tránh những rủi ro sức khỏe sau này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giải thích lí do tại sao bạn vẫn tăng cân dù ăn hoa quả rất nhiều.