1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người mất thính lực
Một số nghiên cứu cho thấy, sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như kẽm, magie, selen, sắt…, cũng như các vitamin A, B, C, D và E làm tăng tỷ lệ mất thính lực. Thính giác kém hơn cũng có liên quan đến việc ăn nhiều chất béo và cholesterol hoặc protein thấp.
Các bệnh tim mạch có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu đến tai, gây suy giảm thính lực. Chế độ ăn lành mạnh giúp kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường huyết, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gián tiếp hỗ trợ sức khỏe thính giác.
Cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể, đôi tai cần được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động tốt. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho tai thực hiện chức năng của mình. Các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm giúp bảo vệ tế bào tai khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì huyết áp ổn định và cải thiện lưu thông máu đến tai, đảm bảo cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, hạn chế ảnh hưởng đến thính lực.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thính lực
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một số loại vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng nghe.
Kali
Kali đóng vai trò lớn trong cách thức các tế bào tương tác ở tai trong. Mức kali trong cơ thể sẽ bị giảm khi chúng ta già đi. Tai đặc biệt nhạy cảm với sự sụt giảm này. Các loại thực phẩm chứa kali giúp cơ thể chống lạị sự lão hóa các cơ quan thính giác.
Thực phẩm chứa nhiều kali: chuối, mơ, dưa hấu, cam và rau chân vịt.
Chuối chứa nhiều kali.
Folate
Từ lâu, folate đã được biết đến như một thần dược trong ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Folate đã được chứng minh có tác dụng làm chậm lại sự lão hóa của cơ quan thính giác do tuổi tác. Loại vitamin nhóm B này từ lâu đã được biết đến như một thần dược trong ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe trong suốt cuộc đời. Folate tan trong nước và không được lưu trữ tốt trong cơ thể, vì vậy cần bổ sung hàng ngày từ thực phẩm.
Thực phẩm chứa nhiều folate: Bông cải xanh, măng tây, rau chân vịt (rau bina) và các loại rau lá xanh khác, đậu lăng, đậu, bơ...
Magie
Khoáng chất này giúp cơ thể đối phó với sự căng thẳng và đã được chứng minh trong vai trò làm tăng mẫn cảm thính giác, giảm ù tai và ngăn ngừa mất thính lực.
Thực phẩm giàu magie: Hạnh nhân, gạo nâu, rau lá xanh, atisô, lúa mạch, quả hạch Brazil, các loại đậu và hạt bí ngô.
Kẽm
Kẽm là một vi chất bổ sung quan trọng cho hệ thống miễn dịch. Nên bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống nếu thường xuyên gặp vấn đề về nhiễm trùng tai.
Các loại thực phẩm giàu kẽm bao gồm: Hàu, gia cầm, thịt đỏ, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Omega-3
Omega-3 được chứng minh có tác dụng làm giảm chứng viêm gây tổn thương biểu mô và rất có lợi cho hệ tim mạch. Omega-3 cũng rất hiệu quả trong việc phòng chống điếc do tuổi tác.
Thực phẩm chứa nhiều omega-3: Các loại cá béo như cá hồi, các thu, cá ngừ, cá trích… và nhiều loại hạt, ngũ cốc, đậu, các loại dầu.
Vitamin C và E
Hai loại vitamin này hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của gốc tự do. Vitamin E khôi phục lại các mạch máu và dây thần kinh xung quanh tai trong khi vitamin C tăng cường chức năng miễn dịch để chống lại nhiễm trùng tai.
Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, các loại thảo mộc tươi, ổi và dâu tây. Vitamin E có trong quả hạnh, hạt hướng dương, rau lá xanh, xoài và dầu ô liu. Loại thực phẩm giàu cả hai loại vitamin này là ớt chuông, bông cải xanh, kiwi, đu đủ.
Vitamin D
Loại vitamin này rất quan trọng đối với sức khỏe cũng như nhiều cơ quan nội tạng. Nó đóng vai trò kiểm soát cân nặng để hình thành xương. Gần đây vitamin D được biết đến trong công tác phòng chống mất thính lực. Vitamin D có đặc tính kháng viêm và tăng cường xương nhỏ trong tai.
Cơ thể có thể tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nấm, vi tảo và địa y cũng là thực phẩm chứa nhiều vitamin D.
Vitamin B12
Vitamin B12 giúp ngăn ngừa tình trạng mất thính lực do tuổi tác. Thiếu hụt vitamin B12 sẽ gây ra chứng ù tai kinh niên, thậm chí là điếc. Đây là một chất có tính kháng ôxy hóa cao (đặc biệt khi được dùng kết hợp với glutathione). Vitamin B12 được dùng để bảo vệ thính lực và giúp tái tạo những tế bào thính giác..
Thực phẩm chứa nhiều vitamin B12: Cá, động vật có vỏ, gan, thịt, trứng, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua. Ngoài ra B12 được tìm thấy trong các loại rong biển.
3. Những thực phẩm tốt cho thính lực
Việc tiêu thụ một số loại thực phẩm có thể giúp bảo vệ thính giác và làm chậm quá trình mất thính lực.
Cá béo
Các loại cá béo chứa nhiều omega-3 và vitamin D như cá hồi, cá ngừ, cá mòi tác động tích cực đến thính lực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn ăn cá 2 lần/tuần có nguy cơ mất thính lực liên quan đến tuổi tác thấp hơn 42% so với những người không ăn cá. Lý do chính là omega-3 tăng cường các mạch máu trong hệ thống cảm nhận âm thanh của tai.
Các loại hải sản
Các loại hải sản là nguồn cung cấp kẽm hiệu quả. Hàm lượng kẽm có trong các loại hải sản được chứng minh là cao vượt trội hơn so với các loại thực phẩm khác. Điển hình có thể kể đến: hàu, cua, sò,… trong đó hàu chứa lượng kẽm dồi dào nhất. Kẽm là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến thính lực của con người.
Các loại hải sản rất tốt cho thính lực.
Quả óc chó
Quả óc chó là loại thực phẩm giàu omega-3 rất tốt cho trí não. Nguồn omega-3 có trong quả óc chó giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu ở tai, giảm nguy cơ ù tai, từ đó giúp thính giác hoạt động hiệu quả, khắc phục chứng nghe kém, khó nghe và các bệnh lý ở tai.
Có thể ăn hạt óc chó hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác như: Sữa óc chó, làm salad óc chó,... Lưu ý không nên ăn vào buổi tối để tránh gây đầy bụng, khó tiêu.
Quả óc chó với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào sẽ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu ở tai.
Các loại rau xanh
Hãy bổ sung các loại rau xanh vào khẩu phần ăn uống hàng ngày của người suy giảm thính lực. Các loại rau xanh còn có nguồn vitamin và lượng magie rất lớn.
Magie giúp giải tỏa căng thẳng, stress, giúp cải thiện tình trạng suy giảm thính lực, ù tai và phòng ngừa các bệnh về tai. Một số loại rau lá xanh chứa nhiều magie bao gồm: rau cải, rau muống, rau bina,…
Nếu đang bị suy giảm thính lực, hãy bổ sung các loại rau xanh vào khẩu phần ăn uống hàng ngày.
Các loại đậu
Các loại đậu như: đậu đen, đậu nành,… chứa lượng kẽm và sắt dồi dào. Hai khoáng chất này đặc biệt tốt cho thính lực. Dưỡng chất có các loại đậu giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, làm giãn mạch máu, từ đó giúp cải thiện thính lực hiệu quả.
Măng tây
Một cây măng tây chứa lượng acid folic rất lớn. Chất này giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu ở tai, đồng thời chống lại các gốc tự do - căn nguyên làm giảm lưu lượng máu ở tai. Chính vì vậy, măng tây không chỉ giúp cải thiện suy giảm thính lực ở người trẻ mà còn giúp phòng ngừa chứng ù tai, lãng tai ở người cao tuổi hiệu quả.
4. Những thực phẩm người bị mất thính lực nên hạn chế
Mặc dù không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào có thể chữa khỏi hoặc ngăn chặn hoàn toàn việc mất thính lực. Nhưng một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gián tiếp tác động đến thính lực.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm mà người bị mất thính lực nên hạn chế:
Thực phẩm giàu natri (muối): Lượng muối quá cao có thể gây tăng huyết áp, làm tổn hại đến mạch máu nhỏ, bao gồm cả các mạch máu nuôi dưỡng tai trong. Muối có nhiều trong các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn nhanh, các loại snack đóng gói, nước tương, bột ngọt...
Thực phẩm có hàm lượng đường cao: Đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn hại đến các mạch máu nhỏ, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tai. Do vậy, người suy giảm thính lực nên tránh sử dụng các loại nước ngọt có gas, bánh kẹo, các loại bánh mì ngọt…
Thực phẩm giàu cholesterol: Cholesterol cao có thể gây xơ vữa động mạch, làm hẹp các mạch máu và giảm lưu lượng máu đến tai. Các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol bao gồm: Nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, đồ ăn nhanh…
Thực phẩm chứa nhiều caffeine: Caffeine có thể làm tăng huyết áp và gây mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và gián tiếp tác động đến thính lực. Cà phê, trà đặc, nước tăng lực, sô-cô-la là những thực phẩm chứa nhiều caffeine.
Thực phẩm gây dị ứng: Phản ứng dị ứng có thể gây viêm nhiễm và sưng tấy, ảnh hưởng đến chức năng của tai. Mức độ dị ứng và các thực phẩm gây dị ứng tùy thuộc vào từng cá nhân, có thể là hải sản, trứng, đậu phộng, các loại hạt, sữa, lúa mì...
Việc xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng và hạn chế các loại thực phẩm có hại là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể, hỗ trợ việc điều trị mất thính lực. Tuy nhiên, chế độ ăn uống chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng, khi có các dấu hiệu suy giảm thính lực, người bệnh cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Xem thêm: