Chế độ ăn giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe, không lo biến chứng

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Vậy người bệnh cần ăn uống thế nào để duy trì được mức đường huyết an toàn, sống khỏe mạnh, không lo biến chứng?

Người bệnh đái tháo đường cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trước đó thường có lối sống ít vận động, béo phì, ăn nhiều chất béo và chất ngọt, ăn ít rau và trái cây, hút thuốc và uống nhiều bia rượu… Vì vậy, bên cạnh việc điều chỉnh lối sống thì cần phải điều chỉnh ngay chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần được điều chỉnh tùy theo mức độ bệnh. Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể. Bệnh nhân cần lưu ý cách ước tính trọng lượng của các loại thực phẩm một cách tương đối. Tốt nhất là nên có thói quen ghi nhật ký ăn uống các thức ăn và chỉ số đường huyết trong ngày để tiện theo dõi và điều chỉnh.

Giảm tinh bột

Lượng tinh bột đưa vào cơ thể người đái đường nên bằng khoảng 50-60% người thường. Người bệnh nên ăn các loại bánh mì không pha trộn với phụ gia như bánh mì đen, gạo lứt, khoai tây, khoai sọ... Sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô, nguyên hạt, chà xát ít vì lớp vỏ có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe mạnh, không lo biến chứng - Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Hạn chế tối đa  sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, patê, xúc xích... Thay vào đó hãy ăn cá, trứng sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu... Cách chế biến chủ yếu là luộc, nướng hoặc hầm chứ không nên chiên xào. Người bệnh cần bỏ hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas...

Chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe mạnh, không lo biến chứng - Ảnh 3.

Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích...

Bổ sung rau và trái cây tươi

Người bệnh cần tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ. Nên ăn cả xác hơn là ép lấy nước uống vì chất xơ ở rau quả là thành phần quan trọng làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn. Không nên ăn các loại trái cây ngọt như nho, xoài, na, nhãn… 

Chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe mạnh, không lo biến chứng - Ảnh 4.

Các loại rau xanh và trái cây ít đường tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Không bỏ bữa, ăn kiêng

Trên thực tế có nhiều bệnh nhân khi mới được chẩn đoán mắc đái tháo đường có tâm lý luôn lo sợ đường huyết tăng nên đã ăn kiêng hoặc bỏ bữa. Điều này rất nguy hiểm. Nếu bỏ bữa nhiều hoặc ăn kiêng quá mức sẽ khiến người bệnh bị hạ đường huyết. Khi đó nếu không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến hôn mê, tử vong.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thì việc xây dựng lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý là những nguyên tắc cơ bản giúp người bệnh đái tháo đường sống khoẻ mạnh và phòng ngừa được những biến chứng do bệnh gây ra. 

Rùng mình với lá phổi đông cứng do chưa tiêm phòng COVID-19


BS. Phương Anh
Ý kiến của bạn