Chế độ ăn giúp bảo tồn chức năng thận cho người suy thận mạn

SKĐS - Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh suy thận mạn tính bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận. Ngoài ra sẽ góp phần hạn chế biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

suy thận mạn

Ai dễ mắc suy thận mạn?

Tình trạng suy giảm chức năng của thận được gọi là suy thận hay tổn thương thận. Suy thận do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau gây nên.

Người ta thường chia thành 2 nhóm bệnh theo thời gian mắc bệnh là suy thận cấp (tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (bệnh thận mạn).

Bệnh thận mạn ít được phát hiện sớm, đa phần được phát hiện đã ở giai đoạn nặng. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn là người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật, bệnh hệ thống gây tổn thương thận. 

Những người dùng kéo dài những thuốc giảm đau chống viêm, thuốc ức chế calcineurin, lithium cacbonate, aminosalicylates... Những người có bố (mẹ) mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3-5 và người trên 65 tuổi cũng là những người có nguy cơ cao mắc suy thận mạn tính.

Nhu cầu dinh dưỡng ở người suy thận mạn

Dinh dưỡng hợp lý nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mạn - Ảnh 2.

Người bệnh suy thận cần có một chế ăn cân bằng, hợp lý.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận mạn khá cao, chiếm 40%. Đặc điểm suy dinh dưỡng ở các bệnh nhân này do giảm protein, bệnh nhân suy thận mạn béo phì vẫn có thể bị suy dinh dưỡng do giảm khối cơ xương. 

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bệnh thận mạn là do ăn vào không đủ (chán ăn, nôn, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein...), do rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon như tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, giảm erythropoietin, bệnh đường tiêu hóa.

Những thực phẩm nên dùng

Chất bột đường

Dinh dưỡng hợp lý nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mạn - Ảnh 3.

Khoai lang ít chất đạm tốt cho người bệnh suy thận mạn.

Người bệnh suy thận mạn nên chọn các thực phẩm chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, hủ tiếu, phở... 

Bệnh nhân suy thận mạn kèm bệnh đái tháo đường, chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp, trung bình như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang...

Chất đạm

Nên ăn đa dạng, chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày ăn 1 lần, thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục...) 2 lần/tuần. Số lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận. Nên chọn các loại sữa giảm đạm.

Chất béo

Chọn dầu thực vật (dầu vừng, dầu đậu nành...), mỡ cá.

Giai đoạn bệnh thận mạn nhẹ có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím... Bệnh nhân có kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi... với số lượng tùy mức kali máu. Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.

Dinh dưỡng hợp lý nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mạn - Ảnh 4.

Trái cây có chỉ số đường huyết thấp là thực phẩm nên dùng.

Thực phẩm cần hạn chế

Thực phẩm nhiều kali như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ... Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống...), mộc nhĩ, các loại đậu.

Chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa...

Thực phẩm có nhiều phốt-pho: Khi phốt-pho trong máu tăng, sẽ làm cường tuyến cận giáp, xơ vữa mạch máu, ngứa. Các thuốc ngăn cản sự hấp thu phốt-pho ở máu không đủ để kiểm soát tình trạng tăng phốt-pho máu, vì vậy cần giảm các loại thức ăn có chứa nhiều phốt-pho như sữa, pho-mát, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, các loại rau quả khô. Các thực phẩm trên cũng làm tăng tình trạng rối loạn mỡ trong máu.

Dinh dưỡng hợp lý nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mạn - Ảnh 5.

Ăn nhiều lòng đỏ trứng không tốt cho người bệnh suy thận mạn.

Thực phẩm có nhiều muối natri như mắm, cá khô, tôm khô, trứng vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên... Khi cả hai thận đều bị suy, muối sẽ không được loại bỏ mà ứ lại trong cơ thể gây phù, ứ nước làm huyết áp tăng và làm cho tình trang suy thận nặng thêm.

Không nên uống quá nhiều nước, vì điều này sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát đồng thời nếu ở bệnh thận mạn giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ tiểu nhiều hơn đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19


BS. Đặng Thạch
Ý kiến của bạn