TS. Alexis M. Stranahan - Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học thần kinh và y học tái sinh Trường đại học Georgia Regents cùng các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu ngẫu nhiên trên những con chuột đực. Nhóm 1 được ăn chế độ có khoảng 10% calo từ chất béo bão hòa trong khi nhóm còn lại ăn chế độ có khoảng 60% chất béo. Các chỉ số về trọng lượng, nồng độ insulin, nồng độ glucose trong máu của chuột được theo dõi vào các tuần thứ 4, 8 và 12 sau khi bắt đầu chế độ ăn uống. Kết quả cho thấy, ở tuần thứ 4 và thứ 8, nhóm nghiên cứu thấy các mức đánh dấu synaptic như nhau ở cả hai nhóm chuột. Tuy nhiên, ở tuần 12, những con chuột nhóm 2 không chỉ trở lên béo phì mà chúng còn giảm các dấu hiệu khớp thần kinh và mức độ cytokine tăng cho thấy các khớp thần kinh đã bị phá hủy trong vùng hippocampus. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, khi có quá nhiều chất béo trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến tình trạng viêm mạn tính gây ra một phản ứng tự miễn dịch từ thần kinh đệm. Theo TS. Stranahan, khi trao đổi một nửa số chuột nhóm 2 sang nhóm 1, sau 2 tháng trọng lượng những con chuột này trở lại bình thường, trong khi những con chuột ăn nhiều chất béo ở nhóm 2 vẫn tiếp tục tăng cân và mất nhiều khớp thần kinh. Điều này cho thấy việc chuyển chế độ ăn uống ít chất béo có thể bù đắp tổn thương thần kinh gây ra bởi một chế độ ăn giàu chất béo.