Hà Nội

Chế độ ăn của người bệnh ung thư gan nguyên phát

22-10-2024 10:36 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư gan nguyên phát có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng, giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

1. Tầm quan trọng của thực phẩm cho người bệnh ung thư gan nguyên phát

Ung thư gan nguyên phát là ung thư xuất phát từ gan, đa phần là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), ngoài ra còn có ung thư đường mật trong gan, u nguyên bào gan… Yếu tố nguy cơ chính dẫn đến ung thư gan nguyên phát là xơ gan do các nguyên nhân như viêm gan B, C, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Một trong những cách để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp bảo vệ gan trước những tổn thương của thuốc điều trị, giúp người bệnh cải thiện thể lực, nhanh chóng hồi phục là duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Một chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho gan. Thêm nữa, còn tạo điều kiện để tái tạo tổ chức gan và ngăn ngừa sự huỷ hoại thêm tế bào gan.

Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.

Chế độ ăn của người bệnh ung thư gan nguyên phát- Ảnh 1.

Ung thư gan nguyên phát là căn bệnh nguy hiểm, nhiều người mắc phải.

Theo ThS. BSNT Nguyễn Thị Thanh Hoà, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, đối với bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu là ăn ít, tình trạng sụt cân… dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng bởi với người bình thường cùng sụt giảm lượng cân nặng thì giảm khối cơ và khối mỡ, thì với bệnh nhân ung thư gan nguyên phát là sụt giảm về khối cơ do đó chế độ ăn cần tăng thực phẩm giàu đạm và protein như thịt, trứng, cá, sữa và thực vật như giàu protein...

Có hai chế độ cho bệnh nhân đó là trước và sau phẫu thuật. Đối với trước phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng trước phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn có nhiều protein vì sau phẫu thuật ngoại khoa bệnh nhân mất nhiều protein do vết thương, mất máu, viêm, nhiễm khuẩn… Bệnh nhân cần có chế độ ăn nhiều glucid, giúp gan dự trữ nhiều glycogen để bảo vệ tế bào gan bị tổn thương khi gây mê. Bệnh nhân cần chế độ ăn nhẹ, mềm, ít chất xơ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không nên ăn muộn, thường là hôm trước phẫu thuật, hôm sau có thể tập ăn nhẹ như cháo.

Cũng theo ThS. BSNT Nguyễn Thị Thanh Hoà, nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trung bình là 1.800 kcal một ngày, nên chia thành các bữa ăn chính và phụ là các loại bánh, hoặc bát chè, cốc sữa. Những bữa chính có món ăn mềm, nấu chín, hầm nhừ. Không thực sử dụng thức ăn sống. Người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ, nhiệt độ thức ăn thích hợp là khoảng 40 - 50 độ C, dễ tiêu hóa và hấp thụ. Không nên để quá đói hoặc quá no, không nên ăn đêm. Bệnh nhân chia thành 3 bữa chính và các bữa phụ.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh ung thư gan nguyên phát

CN Bùi Thị Kim Huế, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có khuyến cáo dưới đây về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư gan.

2.1 Trước khi truyền hóa chất, người bệnh nên ăn uống như sau

Ăn tăng dần năng lượng, đầy đủ vitamin, muối khoáng, chất xơ; Ăn nhạt tương đối, muối 4 - 5g/ngày; Lượng nước 40ml/ kg cân nặng/ ngày, giảm nếu có phù, cổ chướng; Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh đầy bụng, dễ dung nạp thức ăn.

Một số thực phẩm khuyến khích nên dùng: Tăng cường các thực phẩm giàu acid amin để giảm gánh nặng cho gan: Ngũ cốc, các loại đậu, hạt, tảo biển, sữa… Bổ sung protein từ động vật theo tỉ lệ 1 - 1,2g protein/kg cân nặng từ: Thịt bò, thịt gà, thịt lợn, trứng, sữa, cá… và protein từ thực vật như: Đậu tương, giá đỗ, sữa đậu nành…

Các thực phẩm giàu glucid như: Gạo, miến, bún, phở, bánh mỳ, khoai củ… Các loại thực phẩm giàu omega3 như: Cá hồi, dầu oliu, hạt điều, óc chó… Sử dụng các loại vitamin A, C, E, selen có khả năng chống oxy hóa như: Cà rốt, cà chua, rau ngót, và các loại rau củ, quả nhuận tràng như khoai lang, đu đủ… Chất béo nguồn gốc thực vật như: Dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu vừng… Ăn thức ăn nhuận tràng tránh táo bón: Sữa chua, rau khoai, đậu bắp, rau mùng tơi… và uống nước đầy đủ. Dùng các loại đồ uống lợi mật, mát gan như: Nhân trần, rau má, atiso…

Thực phẩm không nên dùng: Tránh ăn các loại gỏi sống và đồ ăn tái. Mỡ động vật, các món xào, rán, quay, thịt hun khói… Dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần. Những thức ăn lạ, dễ gây dị ứng; hải sản, cua, ốc… Các loại thực phẩm gây táo bón, thực phẩm có vị chát như: Sung, chuối xanh, ổi, rau già nhiều xơ… Các loại thức ăn bị nấm mốc do bảo quản không đúng cách hoặc hết hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng những chất kích thích như: rượu, bia, đồ ngọt có gas, thuốc lá…

Chế độ ăn của người bệnh ung thư gan nguyên phát- Ảnh 3.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng cho người bệnh ung thư gan nguyên phát.

2.2 Dinh dưỡng trong thời gian truyền hóa chất

Duy trì khẩu phần ăn cân đối, hợp lý (như lời khuyên chế độ ăn trước khi truyền hóa chất); Chế biến thực phẩm dạng luộc, hấp, ít mùi vị, mềm lỏng, dễ tiêu hóa; Kết hợp nuôi dưỡng bổ sung đường tĩnh mạch trong thời gian truyền hóa chất nếu cần thiết, theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

2.3 Dinh dưỡng sau ngày truyền hóa chất

Lựa chọn các nhóm thực phẩm tương đồng với thời gian trước truyền hóa chất; Tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp theo chỉ định của bác sĩ và cán bộ dinh dưỡng nhằm phòng tránh các tác dụng phụ của hóa chất như nôn, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, uể oải, sốt cao, hạ bạch cầu…

3. Gợi ý chế độ ăn, món ăn cho người bệnh ung thư gan nguyên phát

- Chế độ ăn cho người bệnh là trẻ em 

+ Chọn thực phẩm tươi, tránh thức ăn dễ gây dị ứng như đồ biển, tôm, ốc, sò, hến. 

+ Protein: Nên chọn từ cá, sữa, thịt nạc… không sử dụng phủ tạng động vật. 

+ Lipid: nên dùng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật. Chọn rau, quả tươi, giàu vitamin.

Chế biến thức ăn: Không nên chế biến cầu kỳ, hạn chế các món rán và hạn chế dùng nhiều gia vị. Số bữa ăn: Tùy theo từng trẻ và giai đoạn bệnh. Có thể chia ra nhiều bữa để trẻ hấp thu tốt. Bữa ăn phải đủ các thành phần và có tỷ lệ thích hợp: Carbonhydrat, lipid, protein tùy theo từng bệnh và giai đoạn bệnh.

- Chế độ cho người bệnh gầy, béo: 

Người gầy cần có chế độ dinh dưỡng sao cho đủ cân nặng cần thiết phù hợp với cơ thể. Đặt mục tiêu, duy trì dinh dưỡng cân đối. Ngoài bữa sáng, trưa, tối, cần có thêm khoảng 3 bữa phụ. Buổi sáng ăn bún, phở, mì, 50g thịt, bánh mì trứng. Bữa trưa và tối phải đủ nhóm dinh dưỡng thịt, cá, sữa, rau xanh, cơm, sữa. Bữa phụ nên là thực phẩm là sữa, hoa quả có nhiều năng lượng như bơ, chuối.

Đối với người béo, bị bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều calo, trong khi với bệnh viêm gan C, ngoài những lưu ý chung về chế độ ăn kiêng cho người bệnh gan thì cần hạn chế thêm thực phẩm giàu chất sắt. Người bệnh chỉ nên ăn thịt nạc như thịt ức gà, không nên ăn thịt có nhiều mỡ, không ăn da gà, vịt vì chứa nhiều mỡ.

Chế độ ăn của người bệnh ung thư gan nguyên phát- Ảnh 4.

Người bệnh ung thư gan cần có chế độ ăn uống khoa học, phù hợp.

- Chế độ cho người tiểu đường, gout: 

Thực phẩm có chứa lượng glucid trên 20%, cho phép ăn thực phẩm nhỏ hơn 5% glucid, hạn chế ăn với thực phẩm có lượng glucid từ 10 - 20%. Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đường như mứt, kẹo, bánh ngọt hay các loại nước ngọt, không nên ăn trái cây khô vì loại này có lượng glucid trên 20%. Kiêng hoặc hạn chế tối đa đối với các loại đường hấp thu nhanh (mứt, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt) trái cây khô là các loại thức ăn có trên 20% glucid. Chỉ nên sử dụng lượng muối khoảng 2300mg/ngày. Không nên uống bia, rượu và các đồ uống có cồn.

- Chế độ cho người có thai, cho con bú: Người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan. Chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiết mật cùng một lúc trong thời gian dài cho gan. Ăn uống đúng giờ, không để cơ thể bị đói vì khi bị đói gan sẽ phải lấy các glucogen dự trữ để tiêu hao cho hoạt động của cơ thể. Điều này khiến gan trở nên mệt mỏi hơn. Nên tạo thói quen ăn uống tại nhà, tự nấu ăn, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn bày bán sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.

Người bệnh nên chế biến những món luộc, hạn chế các món nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật vì những đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến gan đang bị bệnh phải làm việc vất vả hơn, nó sẽ làm cho gan càng trở nên mệt mỏi, suy yếu hơn. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp tăng cường vitamin cho cơ thể (>400g/ngày). Bổ sung lượng carbohydrates một cách đầy đủ cho cơ thể từ các loại gạo, ngũ cốc để cung cấp lượng đường cần thiết cho gan.

Ung thư gan nguyên phát: Phân loại, biểu hiện và các yếu tố nguy cơUng thư gan nguyên phát: Phân loại, biểu hiện và các yếu tố nguy cơ

SKĐS - Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Ung thư gan nguyên phát phần lớn là ung thư tế bào gan hoặc tế bào ống thường gặp ở các nước nhiệt đới.


Thanh Hằng
Ý kiến của bạn