1. Lợi ích của chế độ ăn giàu thực vật với người bệnh ung thư vú
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị ung thư vú nếu ăn chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt gia cầm (so với chế độ ăn nhiều đường, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là thịt chế biến sẵn) có tỷ lệ sống tốt hơn.
Chế độ ăn thực vật rất giàu chất xơ và vitamin giúp người bệnh ung thư vú tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, giảm tác dụng phụ của điều trị hóa chất, xạ trị…
Đặc biệt, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có nhiều chất chống oxy hoá như Polyphenol. Polyphenol giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Vì chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, nên Polyphenol có thể làm giảm nguy cơ tế bào đột biến do bị hư hại và trở thành ung thư.
Nghiên cứu cho thấy, Polyphenol có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư như: Ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô (da), ung thư nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung), ung thư vú
Chế độ ăn nhiều Polyphenol giúp giảm đáng kể tình trạng viêm ở những người bị ung thư vú. Ngoài ra, một chế độ ăn uống dựa trên thực vật có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì cân nặng hợp lý.
Giữ cân nặng hợp lý trong suốt cuộc đời là điều quan trọng để giảm nguy cơ ung thư, bao gồm cả nguy cơ ung thư vú, vì trọng lượng cơ thể cao hơn có nghĩa là mức estrogen lưu thông cao hơn, và những người sống sót sau ung thư vú nếu thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư tái phát hơn.
2. Một số thực phẩm giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú
2.1. Rau họ cải
Mặc dù tất cả các loại rau đều được coi là lành mạnh, nhưng một số loại có thể đặc biệt có lợi cho việc giảm nguy cơ ung thư, cụ thể là rau họ cải như: Bông cải xanh, súp lơ trắng, cải bắp, cải xoăn, cải xoong…
Các loại rau họ cải có chứa các hợp chất lưu huỳnh, chất này có đặc tính chống ung thư, có thể bổ sung vào chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư vú nhằm góp phần giảm nguy cơ tái phát.
2.2. Các loại quả mọng và cam, quýt
Nhiều loại trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng và cam, quýt giàu chất xơ, folate, vitamin C và chất chống oxy hóa, có tính năng hỗ trợ chống ung thư và giảm nguy cơ tái phát ung thư. Đặc biệt là các loại trái cây như: Dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi, dâu đen, cam, táo, bưởi, chanh vàng…
2.3. Các loại thảo mộc và gia vị
Thảo mộc và gia vị làm tăng hương vị trong nhiều món ăn. Một số loại có khả năng hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Người bệnh nên kết hợp các loại thảo mộc và gia vị trong chế độ ăn uống lành mạnh như: Gừng, nghệ, quế, hạt tiêu đen…
2.4. Trà xanh
Trà xanh có chứa catechin (EGCG), là chất chống oxy hoá tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, làm giảm sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể, bảo vệ các tế bào và phân tử khỏi bị hư hại. Mức độ cao của các gốc tự do góp phần gây ra bệnh tim, ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người uống trà xanh có nguy cơ mắc các loại ung thư thấp hơn như: ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng. Trong các nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm, EGCG hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng