Hà Nội

Chế độ ăn chữa tăng huyết áp

15-08-2015 14:54 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp như: các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng cũng tạo điều kiện cho tăng huyết áp phát triển; ăn mặn, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích như nước chè, cà phê, thuốc lá...

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp như: các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng cũng tạo điều kiện cho tăng huyết áp phát triển; ăn mặn, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích như nước chè, cà phê, thuốc lá... Tuy nhiên một chế độ ăn hợp lý, khoa học lại là một nhân tố quan trọng để phòng và chống tăng huyết áp hiệu quả.

Yêu cầu dinh dưỡng đối với người bệnh tăng huyết áp là: Ăn uống hợp lý, đủ chất, bảo đảm cho tim mạch hoạt động tốt, tránh hoặc hạn chế các bệnh gây tăng huyết áp như: vữa xơ động mạch, cholesterol máu cao, tiểu đường, suy gan, thận... Muốn thế cần thực hiện việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm như sau:

Cá bống - thực phẩm tốt cho người tăng huyếp áp.

Cá bống - thực phẩm tốt cho người tăng huyếp áp.

Năng lượng: Thực đơn nên có năng lượng thấp, đối với người thừa cân mà ít hoạt động thì chỉ nên ăn 1.200 - 1.600 Kcal. Nếu là người lao động vừa phải thì hạn chế ở mức 1.800 - 2.000 Kcal hằng ngày. Bệnh tăng huyết áp gặp nhiều ở độ tuổi trên 40, việc giữ cân nặng trung bình rất quan trọng để giảm huyết áp. Nhiều trường hợp sau khi giảm cân thì huyết áp cũng giảm theo.

Chất đạm (protein): Người tăng huyết áp không cần hạn chế thịt và cá như quan niệm trước đây. Cá là thức ăn tốt đối với hệ tim mạch vì có những chất bảo vệ tim hiệu quả. Tuy nhiên để thay đổi khẩu vị nên dùng cả thịt và cá cho bữa ăn hằng ngày. Nên dùng thịt nạc của gia súc gia cầm như thịt trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan ngỗng... Các loại đạm thực vật cũng rất tốt, như đậu nành, đậu đen, đậu xanh, vừng, lạc...

Chất bột đường (glucid): Là nguồn cũng cấp năng lượng chính cho cơ thể, cần ăn đủ theo nhu cầu lao động và sinh hoạt. Tránh ăn nhiều quá sẽ tăng cân, nhưng cũng không nên ăn ít quá, không đủ năng lượng để sống và làm việc sẽ bị gầy sút, suy dinh dưỡng, dễ mắc nhiều bệnh khác. Nên dùng các hạt ngũ cốc nguyên vẹn như gạo tẻ, gạo nếp, khoai củ. Cần hạn chế các loại đường vì có thể gây hại cho răng, cho tụy, nhất là ở người bệnh tiểu đường. Mật ong cũng nên hạn chế như các loại đường khác, chỉ dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chất béo (lipid): Nguyên tắc là chỉ nên ăn dầu, không nên ăn mỡ. Dầu và mỡ là thức ăn cho rất nhiều calo: 900 calo/100g dầu lạc, dầu vừng hay mỡ lợn, mỡ bò. Cho nên những người muốn giảm cân nặng, chống béo phì, cần hạn chế ăn chất béo để giảm bớt calo đưa vào cơ thể.

Dầu và mỡ ảnh hưởng đối với hệ tim mạch rất khác nhau: những chất béo chứa nhiều acid béo bão hòa làm tăng cholesterol “xấu” nên gây vữa xơ động mạch nhiều hơn như mỡ bò, mỡ cừu chứa tới 90% acid béo bão hòa. Các loại dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu vừng chỉ chứa dưới 40% acid bão hòa, nhất là dầu ô liu dùng làm thức ăn đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh tim mạch. Những dầu thực vật này không gây vữa xơ động mạch nên không có hại cho hệ tim mạch, thậm chí người ta còn thấy chúng làm tan bớt các mảng vữa xơ. Cholesterol là một chất béo có hại cho hệ tim mạch, nhưng nó cũng rất cần cho cơ thể. Thực tế chỉ có 1/4 cholesterol trong máu là do thức ăn cung cấp, còn 3/4 do cơ thể tự tổng hợp ra. Nếu kiêng cholesterol quá đáng, cũng không tốt cho sức khỏe. Những thực phẩm có ít cholesterol có thể dùng: Lòng đỏ trứng gà, vịt chứa 220mg cholesterol, người tăng huyết áp mỗi tuần có thể ăn 2-3 lòng đỏ trứng, lòng trắng trứng không chứa chất béo nên không phải kiêng; sữa đã loại bớt chất béo (sữa gầy); sữa chua; mỡ trong thịt gà, thịt vịt và trong cá cũng ít acid béo bão hòa, nên có thể ăn tốt. Một số thực phẩm chứa nhiều cholesterol không nên ăn nhiều là: sữa bò, sữa dê, sữa trâu có nhiều cholesterol (110mg/lít và acid bão hòa 36g/lít); bơ (cholesterol 280mg/100g và acid bão hòa 77g/100g); các loại phủ tạng động vật như: gan, óc, bầu dục... Không nên ăn quá 30g lipid/ngày.

Trái cây chứa nhiều vitamin tốt cho người tăng huyếp áp.

Trái cây chứa nhiều vitamin tốt cho người tăng huyếp áp.

Rau và trái cây: Là những thức ăn rất cần thiết cho người bị tăng huyết áp cũng như bị các bệnh tim mạch khác nhờ các ưu điểm: chứa nhiều kali và hầu như không có natri, rất có lợi cho tim mạch; rau, trái cây tươi chứa nhiều vitamin thiên nhiên và nhiều chất chống ôxy hóa, góp phần chống lão hóa; có nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa và giúp thải trừ cholesterol ra ngoài...

Các muối khoáng: Có lợi cho sức khỏe như kali, magiê, calci, trừ natri. Nếu ăn nhiều natri sẽ gây tăng huyết áp, chỉ ăn dưới 6g/ngày bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm. Nhiều nghiên cứu cho thấy: chế độ ăn giàu kali sẽ làm giảm huyết áp. Canxi có vai trò kích thích co cơ trơn thành mạch làm mạch máu co giãn đàn hồi tốt. Canxi có nhiều trong thức ăn là xương động vật, cá, nghêu, sò, ốc, hến.

Ngoài ra người tăng huyết áp không nên dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh dùng rượu, cà phê, chè đặc vì kích thích thân kinh làm tăng huyết áp.

ThS. Nguyễn Mạnh Hà

 

 


Ý kiến của bạn