Chế độ ăn cho người xơ cứng bì toàn thể

18-11-2024 15:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mặc dù không có chế độ ăn kiêng dành cho bệnh xơ cứng bì toàn thể nhưng việc thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt chú trọng đến các loại thực phẩm chống viêm và cung cấp năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất là điều quan trọng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bị xơ cứng bì toàn thể

Xơ cứng hệ thống là tình trạng mà hệ thống miễn dịch kích thích quá mức các tế bào sản xuất collagen của cơ thể gây viêm và tích tụ quá nhiều collagen, dẫn đến da cứng, xơ hóa các cơ quan nội tạng như phổi, đường tiêu hóa, mạch máu. Mặc dù không có loại thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng cụ thể nào có khả năng làm giảm sản xuất collagen nhưng những loại thực phẩm người bệnh xơ cứng bì toàn thể ăn có tác động tích cực đến tình trạng bệnh bằng cách chống lại tình trạng mệt mỏi, viêm và rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, người bệnh xơ cứng bì toàn thể có nguy cơ suy dinh dưỡng cao do hấp thụ không đủ thực phẩm dinh dưỡng hoặc do hấp thụ kém chất dinh dưỡng từ đường tiêu hóa (GI). Người bệnh có thể bị thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất cụ thể, có hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, điều quan trọng đối với mọi người mắc bệnh xơ cứng bì là phải theo dõi tình trạng dinh dưỡng thường xuyên và ăn thực phẩm lành mạnh trong ngày từ tất cả các nhóm thực phẩm khác nhau.

Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý và cải thiện tình trạng bệnh xơ cứng bì toàn thể. Tuy không thể chữa khỏi bệnh nhưng một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ điều trị.

Chế độ ăn cho người xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 1.

Chế độ ăn cân bằng, tăng cường các loại thực phẩm chống viêm, cung cấp đủ năng lượng rất quan trọng với người bệnh xơ cứng bì toàn thể.

Chế độ ăn tốt mang lại những lợi ích sau với người bệnh xơ cứng bì toàn thể:

Giảm viêm: Viêm là một trong những yếu tố chính gây ra các triệu chứng của xơ cứng bì. Nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm, giúp giảm sưng, đau và cứng khớp.

Cải thiện tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa là một triệu chứng phổ biến ở người bệnh xơ cứng bì. Chế độ ăn phù hợp giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm đầy hơi, khó tiêu.

Cung cấp năng lượng: Bệnh xơ cứng bì thường gây mệt mỏi, chán ăn. Một chế độ ăn giàu năng lượng giúp cung cấp đủ nhiên liệu cho cơ thể hoạt động.

Hỗ trợ điều trị: Chế độ ăn kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thuốc, vật lý trị liệu giúp tăng hiệu quả điều trị.

2. Thực phẩm người xơ cứng bì toàn thể nên ăn

Chương trình Scleroderma của Đại học Michigan Medicine gồm những người chăm sóc, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lâm sàng về bệnh xơ cứng bì và các tình trạng liên quan cho biết, đối với một người phải đối mặt với một căn bệnh mạn tính có khả năng gây suy nhược như bệnh xơ cứng bì toàn thể thường gặp tình trạng mệt mỏi, khó tiêu và thiếu hụt chất dinh dưỡng là phổ biến thì chế độ ăn uống bổ dưỡng, chất lượng cao phải đóng vai trò trung tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp kiểm soát thành công các triệu chứng.

Người bệnh nên ăn chế độ ăn nhiều chất xơ với 100% ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả; uống thực phẩm bổ sung men vi sinh hàng ngày và/hoặc thường xuyên ăn sữa chua có chứa men vi sinh; tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể.

Trái cây, rau quả tươi: Xay sinh tố hoặc ép nước trái cây và rau quả tươi. Tăng lượng chất chống oxy hóa bằng cách chọn trái cây và rau quả có màu đậm (đặc biệt là xanh đậm, vàng đậm, cam, đỏ, tím, xanh lam); ăn cá béo, hạt lanh xay và quả óc chó để bổ sung acid béo omega-3; ăn thực phẩm giàu vitamin E như các loại hạt, dầu ô liu nguyên chất, mầm lúa mì, dầu cải, đậu phộng… giúp ích cho da và móng.

Các nguồn protein mềm, ẩm trong các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ như phô mai, trứng rán, sữa chua, cá, gà với nước sốt, thịt xay, mì ống và phô mai… Cân nhắc bổ sung thêm chất dinh dưỡng dạng lỏng giàu protein.

Chất béo lành mạnh: dầu ô liu, dầu cải và dầu đậu phộng; các loại hạt, bơ hạt; quả bơ; cá béo; nước sốt trộn salad làm từ dầu...

Thảo mộc và gia vị chống oxy hóa, chống viêm như húng quế, hương thảo, kinh giới, quế, gừng, ớt bột, ớt cayenne, nghệ và bột cà ri.

Uống nước sạch đã lọc từ hệ thống lọc nước tại nhà và không tiếp xúc với nhựa, chỉ uống từ bình thủy tinh hoặc thép không gỉ. Cố gắng uống một nửa trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Vitamin: Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng viên bổ sung đa vitamin/khoáng chất không kê đơn có chứa kẽm, sắt, vitamin A, E và K, folate, B12, uống vitamin D cùng với bữa ăn nhiều chất béo để hấp thụ tốt hơn. Nếu phát hiện thiếu hụt chất dinh dưỡng cụ thể, có thể cần bổ sung thêm. Dùng viên bổ sung men vi sinh có thể giúp phục hồi chức năng đường ruột và giúp giảm các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng.

3. Thực phẩm nên tránh

Chế độ ăn cho người xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 3.

Thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt không tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể.

Chế độ ăn ít FODMAP tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể, giúp giải quyết các triệu chứng đường tiêu hóa có vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, khó chịu, tiêu chảy và/hoặc táo bón. Vì vậy, hãy cân nhắc loại bỏ các thực phẩm có chứa lúa mì hoặc sữa (lactose) khỏi chế độ ăn uống của người bệnh vì những thực phẩm như vậy thường khó tiêu hóa. Nếu việc loại bỏ lúa mì và/hoặc các sản phẩm từ sữa không giúp giảm bớt, việc áp dụng chế độ ăn ít FODMAP có thể có lợi.

FODMAP là đường và các loại carbohydrate khác có trong nhiều loại thực phẩm có xu hướng được tiêu hóa và hấp thụ kém ở ruột. Các thành phần này dễ bị vi khuẩn trong ruột lên men, dẫn đến đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và/hoặc táo bón. Khi các loại thực phẩm giàu FODMAP bị loại khỏi chế độ ăn, các triệu chứng đường tiêu hóa trầm trọng hơn thường sẽ được giải quyết.

Cắt giảm lượng đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong trái cây, sữa và sữa chua không phải là vấn đề đáng lo ngại trừ khi nó gây ra vấn đề về đường tiêu hóa. Kiểm tra danh sách thành phần để biết các thuật ngữ chỉ đường bổ sung như sucrose, nước mía cô đặc, fructose, xi-rô gạo lứt, mật ong, mật hoa thùa, mật mía, xi-rô ngô, xi-rô cây phong.

Tránh các thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ cà chua, đồ chiên nhiều dầu mỡ, cà phê, tỏi, hành tây, bạc hà, thực phẩm sinh khí (như ớt sống, đậu, bông cải xanh, hành sống), đồ ăn cay, đồ uống có gas và rượu...

4. Khuyến nghị khác với người bệnh xơ cứng bì toàn thể

Chế độ ăn cho người xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 4.

Chế độ ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng và áp dụng nguyên tắc ăn khoa học là điều người bệnh xơ cứng bì toàn thể nên làm.

- Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên sau mỗi 3-4 giờ. Nếu bị sụt cân quá nhiều hoặc chỉ có thể ăn một lượng nhỏ cùng một lúc, hãy cân nhắc ăn sau mỗi hai giờ để tối đa hóa lượng chất dinh dưỡng hấp thụ. Tránh ăn trong vòng 2-3 giờ trước khi đi ngủ.

- Sử dụng một miếng đệm ngủ hoặc nâng cao đầu giường để nâng cao đầu và thân mình để ngăn ngừa trào ngược thức ăn từ dạ dày vào đường thở.

- Chọn thực phẩm tươi, nguyên chất, chế biến tối thiểu, không có chất bảo quản, thành phần nhân tạo hoặc dầu hydro hóa. Nếu có tên nghe có vẻ "hóa chất" trong danh sách thành phần, hãy tránh xa. Nhìn chung, danh sách thành phần càng ngắn thì càng tốt.

- Tập thể dục như đi bộ giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Tham gia 30-60 phút tập thể dục vừa phải hàng ngày như đi bộ, đạp xe, tập thể dục trong hồ bơi, pilates, yoga hoặc thái cực quyền. Tập thể dục còn làm tăng tuần hoàn đến những vùng bị hạn chế lưu lượng máu; nếu bị loét ngón tay, hãy ăn các nguồn protein động vật có kẽm và sắt (như thịt bò và thịt lợn) để đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

- Ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh xơ cứng bì toàn thể. Một chế độ ăn cân bằng, khoa học sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên đây chỉ là những thông tin chung để người bệnh và người chăm sóc tham khảo. Để có một chế độ ăn phù hợp nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Xem thêm:

Bệnh xơ cứng bì toàn thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhBệnh xơ cứng bì toàn thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể (hay còn gọi là xơ cứng bì hệ thống) là một bệnh lý mạn tính, một dạng rối loạn miễn dịch ảnh hưởng đến da và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bệnh hiếm gặp và xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn bất thường khiến cơ thể sản xuất quá nhiều protein collagen.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh xơ cứng bì toàn thểCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh xơ cứng bì toàn thể

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn dịch đặc trưng bởi xơ cứng da và tổn thương ở các cơ quan nội tạng. Đây là bệnh gặp nhiều ở phụ nữ trung niên. Việc khám và điều trị bệnh sớm sẽ giúp giảm thiểu đau đớn, khó chịu, cũng như các nguy cơ về sức khỏe.

Bài tập tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thểBài tập tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh nặng, có nhiều biểu hiện và diễn biến phức tạp. Ngoài điều trị, bệnh nhân cần thường xuyên tập thể dục thể thao nhằm duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và độ nhạy cảm của da...

Điều trị bệnh xơ cứng bì toàn thểĐiều trị bệnh xơ cứng bì toàn thể

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh nặng, có nhiều biểu hiện và diễn biến phức tạp. Tùy từng tình trạng, mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, nhằm giảm triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống…



Thuỳ Vân
Ý kiến của bạn