1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm kéo dài, dai dẳng ở vùng họng, thường là hậu quả của các đợt viêm họng cấp tái phát nhiều lần và không đáp ứng hiệu quả với điều trị thông thường.
Bệnh viêm họng mãn tính biểu hiện qua các triệu chứng như đau rát họng kéo dài, ho dai dẳng, tăng cảm giác đau khi nuốt, có thể kèm đờm. Tình trạng này nếu kéo dài nhiều tuần cần được thăm khám để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân viêm họng mãn tính.
Ngoài việc thăm khám và điều trị y khoa, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân viêm họng mãn tính.
2. Thực phẩm nên ăn để hỗ trợ hồi phục khi bị viêm họng mãn tính
Bệnh nhân viêm họng mãn tính cần được bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng và rút ngắn thời gian hồi phục. Một số nhóm thực phẩm nên được ưu tiên:
Thức ăn mềm, dễ nuốt
Niêm mạc họng bị tổn thương cần được "nghỉ ngơi" để phục hồi. Các món ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp, canh hầm sẽ giúp giảm ma sát khi nuốt, giảm đau rát và dễ tiêu hóa – đặc biệt hữu ích với người đang suy nhược.
Thực phẩm có đặc tính kháng viêm
Một số loại thực phẩm tự nhiên có khả năng hỗ trợ chống viêm, kháng khuẩn như tỏi, gừng, mật ong, bạc hà, chanh… nên được đưa vào khẩu phần ăn. Có thể sử dụng dưới dạng pha trà, làm nước ép, hoặc dùng như gia vị chế biến món ăn.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là vi chất cần thiết cho chức năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm. Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm:
Rau củ: củ cải, rau chân vịt.
Hải sản có vỏ: nghêu, sò, ngao.
Thịt đỏ, gan động vật.
Các loại hạt: hạt bí ngô, hạnh nhân…
Thực phẩm giàu vitamin A, C, E
Vitamin giúp phục hồi mô tổn thương và tăng sức đề kháng. Đặc biệt:
Vitamin A: có nhiều trong bí đỏ, cà rốt, cà chua – giúp phục hồi niêm mạc họng.
Vitamin C: có trong trái cây họ cam, quýt và rau xanh – tăng cường miễn dịch.
Vitamin E: trong bơ, củ cải, rau xanh – hỗ trợ chống oxy hóa và chữa lành mô.
3. Thực phẩm nên kiêng khị bị viêm họng mãn tính
Để tránh làm nặng thêm triệu chứng như đau, rát họng, ho kéo dài…, người bệnh cần tránh:
Thực phẩm cay nóng
Gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt làm tăng kích ứng niêm mạc họng, gây đau và có thể kéo dài thời gian viêm. Thói quen ăn cay cần được hạn chế trong giai đoạn điều trị.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán
Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên xào làm tăng tiết đờm, gây cảm giác vướng họng, kích thích ho và có thể làm nặng thêm viêm họng.
Thực phẩm khô, cứng
Các loại bánh quy, bánh mì cứng… có thể gây xước niêm mạc, làm trầm trọng tổn thương họng. Người bệnh nên ưu tiên thức ăn mềm, ninh nhừ hoặc nghiền nhuyễn.
Đường tinh luyện, đồ ngọt
Đường là "kẻ thù" của bạch cầu – tế bào miễn dịch chủ lực chống lại vi khuẩn, virus. Ăn nhiều đồ ngọt làm giảm khả năng miễn dịch, khiến bệnh lâu hồi phục.
Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh
Nhiệt độ thức ăn quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng xấu đến niêm mạc họng đang viêm. Bệnh nhân nên sử dụng đồ ăn – thức uống ở nhiệt độ ấm vừa phải.