Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính có thể do kém hấp thu trong loạn khuẩn đường ruột do lạm dụng kháng sinh; tổn thương niêm mạc ruột do viêm mạn; thiếu enzym tiêu hóa; nghiện rượu; ung thư đường ruột; bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa như trong đái tháo đường, xơ gan... Ăn uống có vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy mạn.
Tiêu chảy mạn tính khi đi phân lỏng hoặc nhão không thành khuôn, 3 lần trở lên/ngày, kéo dài trên 2 tuần. Hậu quả: người bệnh gầy sút, thiếu máu rồi suy dinh dưỡng nếu không được điều trị dinh dưỡng hợp lý. Nên sử dụng thức ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị, khẩu phần có đủ năng lượng. Ăn nhiều bữa hơn bình thường.
Các loại thức ăn thường sử dụng trong tiêu chảy mạn:
Ngoài các thực phẩm đủ các nhóm bột - đường, đạm, lipid, vitamin và khoáng chất cho một bữa ăn hợp lý, cần ưu tiên chọn các thức ăn như:
Sữa chua: Là sữa đã được lên men bằng vi khuẩn, trong quá trình lên men vi khẩn đã biến đổi lactose thành acid lactic nên hấp thu tốt. Sữa chua còn có tác dụng tái lập thăng bằng vi khuẩn, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
Sữa đậu nành: Trong trường hợp người bệnh kém dung nạp lacstose hoặc dị ứng protein sữa bò thì có thể dùng sữa đậu nành thay thế.
Thịt gà: Trong các thức ăn động vật thì nên sử dụng thịt gà. Vì thịt gà dễ tiêu hóa, mùi vị thơm ngon và mềm hơn các loại thịt khác, độ mềm của thịt gà dễ cắt thành những mảnh nhỏ, nhai xong chỉ còn một lượng bã rất ít, hơn nữa, thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt gà dễ hấp thu ngay cả khi niêm mạc ruột bị tổn thương. Thịt gà nấu cháo cho người bệnh tiêu chảy ăn sẽ có tác dụng phục hồi sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
Sử dụng hoa quả tươi chín như hồng xiêm, chuối, táo tây , ổi chín... để cung cấp vitamin, muối khoáng. Khi người bệnh khỏi tiêu chảy thì chuyển sang chế độ ăn bình thường nhưng cần ăn thêm mỗi ngày một bữa kéo dài một tháng.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn trong tiêu chảy mạn
Phù hợp với lâm sàng: giàu đạm, giàu calo, đủ vitamin trong đa số trường hợp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có uể mấu cao thì cần giảm đạm, giàu calo.
Chế biến, phân bố bữa ăn, lựa chọn thức ăn phải có tính lâu dài, dễ hấp thu, chia nhiều bữa để đưa được nhiều calo, hợp khẩu vị để bệnh nhân ăn được.
Chế độ ăn giàu đạm, giàu calo, giàu vitamin cho tiêu chảy mạn có thể theo mức cao như sau:
Tổng năng lượng: 2.000- 2.400 kcalo/ngày. Trong đó đạm (protein): 80g/ngày (1,5-2g/kg/ngày); béo (lipid): 15g/ngày; bột - đường: 400g trở lên; nước, muối: vừa đủ; rau, quả: tươi, chín.
Xây dựng thực đơn
Tùy theo tập tục, thực phẩm từng địa phương để xây dựng thực đơn cho mỗi ngày và mỗi tuần.
Mẫu thực đơn
7 giờ: sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 20g), bánh quy 100g.
11 giờ: cháo thịt 500ml (gạo 60g, thịt 80g, dầu 2g), bánh mỳ 50g, táo tây nghiền 150g.
14 giờ: súp khoai 400ml (khoai tây 200g, cà rốt 100g, đậu quả 100g, trứng gà 30g), bánh mỳ 50g, dầu 2g.
18 giờ: cháo tim gan 500ml (gạo 60g, tim gan 80g, dầu 2g), sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 20g).
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng = 1.800 kcalo. Trong đó: đạm 58,08g, chất béo 15,9g; bột - đường 320,85g. Khi bệnh nhân đáp ứng được thì tăng thêm đạm, bột đường, không tăng chất béo.