SKĐS - Chế độ ăn là yếu tố quan trọng giúp người suy dinh dưỡng thể thấp còi bắt kịp quá trình phát triển, bên cạnh đó còn giúp cải thiện khả năng miễn dịch, phòng ngừa các bệnh mạn tính.
Khi thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra trong các giai đoạn phát triển quan trọng như 1.000 ngày đầu đời và thời kỳ dậy thì có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Theo các nghiên cứu, việc thiếu hụt dinh dưỡng ở giai đoạn này có thể gây ra các vấn đề về phát triển chiều cao, cân nặng, hệ miễn dịch, dẫn đến suy giảm khả năng nhận thức trong suốt cuộc đời.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp, giàu protein, vitamin và khoáng chất không chỉ giúp tăng trưởng thể chất mà còn cải thiện khả năng miễn dịch, phòng ngừa các bệnh mạn tính liên quan đến suy dinh dưỡng thể thấp còi.
2. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp người bị suy dinh dưỡng thể thấp còi bắt kịp quá trình phát triển. Chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ giúp tăng trưởng thể chất mà còn cải thiện khả năng miễn dịch, phòng ngừa các bệnh mãn tính liên quan đến bệnh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu hụt protein và axit amin thiết yếu trong khẩu phần ăn có liên quan trực tiếp đến việc suy giảm chức năng tuyến yên, dẫn đến sự chậm phát triển xương và chiều cao.
Các dưỡng chất khác như sắt, kẽm, vitamin A có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình phát triển.
Việc cung cấp đầy đủ năng lượng thông qua carbohydrate và chất béo lành mạnh cũng giúp đảm bảo quá trình phát triển, trong đó chất béo không bão hòa có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển hệ thần kinh.
3. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi
Dưỡng chất cho người bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi gồm:
Protein: Protein là dưỡng chất chính để phát triển cơ bắp và các mô, giúp bắt kịp quá trình phát triển chiều cao. Nguồn protein bao gồm thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu nành, các loại đậu và hạt.
Sắt: Sắt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, hỗ trợ sản sinh hồng cầu và vận chuyển oxy. Nguồn thực phẩm giàu sắt gồm thịt đỏ, gan, rau xanh, các loại đậu.
Kẽm: Kẽm có vai trò quan trọng trong phát triển xương và tăng cường hệ miễn dịch. Trẻ thiếu kẽm dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và chậm phát triển chiều cao. Thực phẩm giàu kẽm gồm hải sản, thịt gà, ngũ cốc nguyên cám.
Vitamin A và D: Vitamin A hỗ trợ chức năng miễn dịch và phát triển thị giác, trong khi vitamin D giúp hấp thu canxi, hỗ trợ sự phát triển xương. Thực phẩm giàu vitamin A và D gồm dầu cá, trứng, các loại rau củ màu cam (cà rốt, bí đỏ).
4. Gợi ý món ăn cho người bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi
Món ăn gợi ý cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 2 tuổi:
Cháo thịt bò rau củ: Thịt bò cung cấp protein và sắt; cà rốt, bí đỏ giàu vitamin A, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Cháo cá hồi và rau chân vịt: Cá hồi giàu omega-3, protein, vitamin D; rau chân vịt cung cấp sắt và canxi.
Cháo gà nấu với khoai lang: Thịt gà giàu protein và kẽm; khoai lang cung cấp vitamin A và carbohydrate.
Món ăn gợi ý cho trẻ từ 2-5 tuổi:
Cơm nát với cá thu kho và rau muống xào tỏi: Cá thu giàu omega-3 và vitamin D; rau muống giàu chất xơ, sắt.
Bún thịt heo và rau củ: Thịt heo cung cấp protein, kẽm; rau cải xanh giàu canxi, vitamin A.
Súp lươn nấu rau ngót: Lươn giàu protein và kẽm; rau ngót bổ sung vitamin A và sắt.
Món ăn gợi ý cho trẻ từ 6-19 tuổi:
Canh xương hầm rau củ: Xương heo cung cấp canxi; cà rốt và khoai tây bổ sung vitamin A, chất xơ.
Salad rau xanh với ức gà áp chảo: Ức gà cung cấp protein; rau xanh và cà chua bổ sung vitamin, khoáng chất; bơ cung cấp chất béo lành mạnh.
Súp bí đỏ và đậu lăng: Bí đỏ giàu vitamin A; đậu lăng cung cấp protein, sắt, kẽm.
Một số bữa phụ gợi ý:
Sữa chua trái cây: Kết hợp sữa chua với các loại trái cây như xoài, chuối, giúp cung cấp lợi khuẩn và vitamin.
Phô mai que: Phô mai giàu canxi giúp phát triển xương, có thể dùng làm món ăn vặt.
Bánh mì nguyên cám phết bơ đậu phộng: Bánh mì nguyên cám cung cấp chất xơ, bơ đậu phộng giàu protein, chất béo lành mạnh.
Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi:
Đa dạng hóa thực phẩm: Cần cung cấp chế độ ăn phong phú và cân bằng.
Chia nhỏ bữa ăn: Người suy dinh dưỡng thường ăn ít, cần chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Tăng cường vận động: Vận động giúp tiêu hóa tốt hơn và hỗ trợ quá trình hấp thu dinh dưỡng.
SKĐS - Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một dạng suy dinh dưỡng mãn tính. Bệnh thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm dinh dưỡng, bệnh lý và điều kiện sống.
TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức
Giảng viên chính Bộ môn Nhi, Trường Đaị học Y - Dược, Đại học Huế