1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người mắc bệnh viêm tai giữa mạn tính
Bên cạnh việc thăm khám và điều trị, một chế độ ăn uống hợp lý cũng có thể giúp người bệnh viêm tai giữa mạn tính giảm bớt các triệu chứng mà bệnh gây ra.
Trong các nghiên cứu được thực hiện trên các mẫu mucoid dịch nhầy của bệnh nhân viêm tai giữa ứ dịch (OME) trên toàn cầu cho thấy, chế độ ăn uống có thể làm tăng các chất trung gian gây viêm tại chỗ và gia tăng các dấu hiệu của stress oxy hóa trong dịch ở trẻ em bị OME. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiền viêm và tăng phản ứng của niêm mạc chống lại các tác nhân lây nhiễm.
Trẻ bị suy giảm miễn dịch có các tế bào trình diện kháng nguyên với phản ứng dưới mức tối ưu của tế bào T và B bị suy yếu. Thụ thể Toll-2 TLR2 cần thiết cho việc giải quyết kịp thời tình trạng viêm và nó đã được chứng minh có tác dụng thúc đẩy quá trình kêu gọi đại thực bào và loại bỏ vi khuẩn. Khi vắng mặt các TLR có thể dẫn đến tình trạng viêm tai giữa kéo dài.
Tất cả những điều này cho thấy rằng, một chế độ ăn uống phù hợp có thể hỗ trợ điều trị viêm tai giữa mạn tính cũng như góp phần giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người mắc bệnh viêm tai giữa mạn tính
Để tăng cường hệ miễn dịch, chế độ ăn của người bệnh cần giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, vitamin A và kẽm, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trái cây tươi, rau xanh và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như cam, quýt, cà rốt và rau cải xanh nên được ưu tiên trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Đồng thời, nên uống đủ nước để giữ ẩm cho niêm mạc, giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu cũng có tác dụng chống viêm, hỗ trợ quá trình hồi phục.
Ngoài ra, cần hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo bão hòa, vì chúng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Đảm bảo ăn uống đầy đủ và cân đối sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình điều trị viêm tai giữa mạn tính.
Lưu ý, người bị viêm tai giữa mạn tính cần phải kiêng ăn các thực phẩm sau:
- Không ăn đồ ăn cứng và không ăn vặt thường xuyên: Động tác nhai cần sự kết hợp của cơ và khớp hàm, nếu nhai quá mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục của tai.
- Không nên sử dụng các loại thực phẩm tăng đường huyết một cách đột ngột như bánh ngọt, các loại chè...
- Không ăn các loại hoa quả sấy khô như chuối, mít, cam thảo... các loại hoa quả sấy có thể làm tăng huyết áp, gây ù tai và gây chóng mặt.
- Không sử dụng các thực phẩm xào hoặc chiên rán quá nhiều dầu mỡ, những loại thực phẩm này sẽ làm tăng cảm giác đau.
- Không ăn các loại thực phẩm kích thích tạo mủ hoặc tăng tình trạng đau nhức như đồ nếp, xôi, tôm, cua...
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, tránh khói thuốc lá...
3. Lưu ý về chế độ ăn khi bị viêm tai giữa mạn tính
Dinh dưỡng ảnh hưởng đến tiến độ điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lành mạnh. Đặc biệt, với bệnh nhi, ở mỗi độ tuổi lại có những nguyên tắc dinh dưỡng khác nhau khi bị viêm tai giữa. Cụ thể như sau:
3.1. Đối với trẻ đang bú mẹ
Duy trì việc cho bé bú với tần suất cao hơn vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào và chứa nhiều kháng thể tốt cho trẻ. Lưu ý không cho trẻ bú nằm vì sữa có thể chảy ngược vào tai, tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
3.2. Đối với trẻ đã biết ăn thức ăn
Bé sẽ thấy đau khi nhai nuốt nên gia đình bổ sung cho trẻ những thực phẩm mềm, dễ nuốt như súp, cháo, canh... Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tăng sức đề kháng, hỗ trợ miễn dịch cơ thể.
Một nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Mỹ (NCBI) đã chứng minh, chế độ ăn uống theo kiểu Địa Trung Hải truyền thống có thể giúp phòng ngừa và quản lý bệnh viêm tai giữa ứ dịch (OME).
Các khuyến nghị trong chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống cơ bản bao gồm:
- Luôn bổ sung chế độ ăn uống theo nhu cầu của trẻ em (theo độ tuổi).
- Sử dụng dầu ô liu làm nguồn bổ sung chất béo chính cho cơ thể.
- Ăn nhiều trái cây, rau, các loại đậu và các loại hạt.
- Bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại bánh mì và ngũ cốc khác (mì ống, gạo và ngũ cốc nguyên hạt).
- Thực phẩm đã qua chế biến tối thiểu, thực phẩm tươi và sản xuất tại địa phương là tốt nhất.
- Sử dụng các chế phẩm từ sữa hàng ngày, chủ yếu là sữa chua và pho mát. Thịt đỏ, cá, trứng nên được dùng vừa phải. Trái cây tươi nên là món tráng miệng hàng ngày. Hạn chế sử dụng đồ ngọt, bánh ngọt và các món tráng miệng từ sữa… Uống đủ nước mỗi ngày.