1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh suy buồng trứng
Suy buồng trứng hay còn được gọi là tình trạng mãn kinh sớm ở nữ giới, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh sản, đời sống tình dục, sức khỏe và tâm lý của phái nữ. Để khắc phục tình trạng này, việc lựa chọn thực phẩm giúp buồng trứng được phục hồi khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp người bệnh duy trì thể trạng tốt, hỗ trợ việc trị bệnh. Người bệnh nên có chế độ ăn cân bằng đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.
2. Những thực phẩm, dưỡng chất phụ nữ bị suy buồng trứng nên bổ sung
- Thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D, sắt: Nữ giới nên lựa chọn bổ sung lòng trắng trứng, hải sản như tôm, cua, cá chạch, sữa, rau cải, hạt vừng, yến mạch, hạnh nhân,... Các thực phẩm này đều giàu canxi và dưỡng chất cho cơ thể, hỗ trợ buồng trứng, bổ sung Estrogen. Thực phẩm như rau dền, ức gà, đậu phộng, hạt dẻ, lựu, táo,... là những thực phẩm giàu sắt cho cơ thể. Chị em có thể chế biến thành món ăn khác nhau trong bữa ăn hàng ngày giúp nuôi dưỡng buồng trứng tốt hơn.
- Các thực phẩm giàu kẽm, magie và Omega 3: Thực phẩm giàu kẽm và magie cũng hỗ trợ bố sung chức năng buồng trứng như hạt hướng dương, hạt bí ngô, hạt vừng, các loại ngũ cốc,... Các loại ngũ cốc nguyên hạt còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như vitamin B1, B2, B6, vitamin C, vitamin K cùng các loại khoáng chất như Canxi và axit folic cần thiết cho phụ nữ, giúp cân bằng nội tiết, làm dày niêm mạc. Khi bị suy buồng trứng bệnh nhân nên lựa chọn các thực phẩm như cá hồi, cá thu, hàu, thịt bò, trứng cá muối, hạt lanh, hạt chia, óc chó, súp lơ, đậu hà lan,... Đây đều là nhóm thực phẩm giàu Omega 3, không chỉ ngăn ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp, mà còn hỗ trợ chức năng buồng trứng hoạt động ổn định.
- Sữa ong chúa: Trong sữa ong chúa giàu acid amin, chất béo, đường, protein, sắt, vitamin D và E,... giúp tăng cường sức khỏe tổng thể cho phụ nữ, cân bằng nội tiết tố, tăng nồng độ Estrogen.
- Đậu nành: Việc thiếu hụt Estrogen chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy buồng trứng sớm ở phụ nữ. Vì thế, việc bổ sung Estrogen là cách tốt nhất để giúp nữ giới phòng tránh và đẩy lùi tình trạng này. Đậu nành là thực phẩm giúp cung cấp nguồn Estrogen dồi dào, cải thiện các triệu chứng suy giảm ham muốn, khô âm đạo, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm,... Đồng thời kích thích cơ thể sản sinh ra Estrogen nội sinh, điều hòa nội tiết tố và tăng khả năng thụ thai.
3. Những thực phẩm người bị suy buồng trứng nên tránh
- Không nên ăn các món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa: Theo các chuyên gia những thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh có thể làm giảm chất lượng trứng, tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.
- Không dùng caffeine, thuốc lá và rượu bia: Caffeine, thuốc lá, rượu bia… không tốt cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Bởi chúng sẽ đẩy nhanh quá trình rụng trứng, làm biến đổi DNA trong trứng và giảm tỉ lệ thụ thai.
4. Một số khuyến cáo với phụ nữ bị suy buồng trứng
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có chứa hormone sinh dục nữ như isoflavone, estrogen có trong: Đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành, mè, đu đủ, trái anh đào, ...
- Tránh bị căng thẳng, quá áp lực, thay vào đó nên thư giãn, để tinh thần luôn được thoải mái. Sự căng thẳng, mệt mỏi sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra hormone cortisol và prolactin. Đây là hormone làm cản trở quá trình rụng và sản xuất trứng. Vì thế, cân bằng cảm xúc, tránh căng thẳng, stress là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe sinh sản. Chị em có thể điều hòa cảm xúc thông qua việc tập luyện các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, khiêu vũ, yoga, thiền…
- Sử dụng một số biện pháp hỗ trợ và kích thích khi quan hệ như dùng chất bôi trơn, thay đổi các tư thế khác nhau để đời sống tình dục được cải thiện.
- Chị em có thể sử dụng một số loại thảo dược, thuốc Đông y để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bởi, cơ địa của mỗi người là khác nhau, việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nặng hơn, giảm tỉ lệ thụ thai, nguy hiểm hơn là gây vô sinh.