Chế độ ăn cho người bị nhiệt miệng

19-09-2024 15:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiệt miệng là tình trạng viêm loét xảy ra ở trong niêm mạc miệng, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Dù bệnh nhiệt miệng không nguy hiểm song tình trạng đau trong miệng gây không ít phiền toái trong việc ăn uống. Chế độ ăn lành mạnh phù hợp sẽ giúp bạn nhanh khỏi nhiệt miệng, cũng như giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Đây là bệnh lành tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa số trường hợp bị nhiệt miệng nhẹ sẽ tự khỏi. Bệnh nhiệt miệng tuy không nguy hiểm nhưng gây ra những ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.

Cảm giác đau rát do nhiệt miệng gây ra thường khiến người bệnh ăn uống kém đi, đôi khi là bỏ bữa dẫn đến thiếu chất. Cơ thể thiếu chất sẽ yếu, sức đề kháng giảm. Nhiệt miệng sẽ tấn công mạnh mẽ khi sức đề kháng của cơ thể giảm. Vì vậy, dù nhiệt miệng gây cản trở việc ăn uống, nhưng người bệnh vẫn cần đảm bảo một chế độ ăn khoa học, đủ chất để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật.

2. Bị nhiệt miệng nên ăn gì?

Dưới đây là những gợi ý về thực phẩm và thức uống tốt cho người bị nhiệt miệng:

2.1 Thức ăn chế biến mềm, ít gia vị và dễ nuốt

Dù nhiệt miệng khiến bạn khó ăn uống hơn song vẫn cần đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Trước tiên, bạn cần ăn đủ bữa. Không nên bỏ bữa hoặc ăn qua loa khi bị nhiệt miệng. Đặc biệt là với trẻ nhỏ vì việc này càng khiến sức đề kháng suy giảm. Trẻ dễ bị viêm nặng hơn và nhanh tái phát bệnh.

Khâu chế biến thức ăn cũng quan trọng, nhất là khi bạn bị đau khi nhiệt miệng khiến cảm thấy chán ăn. Bạn hãy chế biến thực phẩm mềm, dạng soup canh ít gia vị và dễ nuốt. Các thức ăn này sẽ giúp bạn ít cảm thấy đau, xót khi ăn, dễ ăn và ăn được nhiều hơn.

2.2 Ăn sữa chua tốt cho người bị nhiệt miệng

Trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, trong đó có lactobacillus acidophilus có khả năng kìm hãm các vi khuẩn có hại trong miệng, từ đó làm giảm viêm đau do loét miệng. Nếu đang bị nhiệt miệng, hãy ăn khoảng 2 hũ sữa chua (100g/hũ) mỗi ngày, giúp bạn cảm thấy dễ chịu, đỡ đau xót hơn.

Sau khi khỏi nhiệt miệng, bạn vẫn nên duy trì ăn khoảng 1 hũ sữa chua mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa nhiệt miệng.

2.3 Uống nước rau má

Theo y học cổ truyền, nước rau má có tác dụng giải nhiệt, thải độc rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, rau má giúp làm dịu, mát cơ thể, ngăn ngừa nhiệt miệng. Hơn nữa trong rau má có hoạt chất triterpenoids có tác dụng đẩy nhanh quá trình tự làm lành vết loét, giúp bệnh nhiệt miệng nhanh khỏi hơn.

Bệnh nhân bị nhiệt miệng có thể uống nước rau má (rửa sạch, xay nhuyễn, ngày uống 1 lần) trong vài ngày, cảm giác đau do vết loét sẽ giảm hẳn.

2.4 Trà xanh hoặc trà đen

Người bị nhiệt miệng không nên bỏ qua các loại trà có tác dụng làm mát cơ thể, làm dịu đau do nhiệt miệng, thanh nhiệt giải độc, phòng ngừa bệnh tái phát.

Trong lá trà xanh còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, dược chất có tác dụng làm se bề mặt vết loét, đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương. Do vậy, khi bị nhiệt miệng, hãy uống nước trà xanh cho đến khi không còn cảm giác đau, viêm loét.

Bên cạnh trà xanh thì bạn có thể dùng trà đen để bổ sung chất tanin giúp giảm đau, giảm sưng do nhiệt miệng. Có thể uống trà đen hàng ngày hoặc đắp túi trà đen ướt lên trực tiếp vết loét miệng trong 1 phút. Thực hiện 2-3 lần trong ngày để nhiệt miệng mau khỏi.

Hai loại trà trên có thể duy trì hàng ngày để làm mát cơ thể, ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát và cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

2.5 Ăn thực phẩm giàu chất sắt

Cơ thể thiếu sắt và các khoáng chất khác như kẽm,… cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm, từ đó dễ bị viêm loét miệng hơn. Thực phẩm giàu chất sắt giúp tạo máu cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ quá trình làm lành vết thương do nhiệt miệng. Các thực phẩm giàu sắt mà người bệnh nhiệt miệng có thể bổ sung gồm: thịt gà, trứng, súp lơ xanh,…

2.6 Bổ sung các loại rau củ trái cây giàu vitamin C, E

Chế độ ăn cho người bị nhiệt miệng- Ảnh 1.

Các loại trái cây, rau củ giàu vitamin C.

Vitamin E có tác dụng giảm sự phân hủy của collagen và chống lại tác hại của các gốc tự do trong da. Hơn nữa, vitamin E còn giúp làm dịu da một cách tự nhiên, giúp sửa chữa các tổn thương và viêm nhiễm, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Vitamin C cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động, là chất chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công từ các virus hay vi khuẩn.

Vì vậy, người bệnh nhiệt miệng nên nên bổ sung các loại rau củ, trái cây để tăng cường vitamin, đặc biệt vitamin C, E, các yếu tố vi lượng. Qua đó, giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế tổn thương ở niêm mạc, thúc đẩy các vết loét nhiệt miệng nhanh lành.

Những loại rau, của quả chứa nhiều vitamin E nên bổ sung gồm: đậu phộng, quả bơ, bí đỏ, măng tây, bông cải xanh, các loại cá…

Thực phẩm giàu vitamin C gồm: cam, quýt, bưởi, ổi, ớt chuông vàng, quả dâu tây, xoài, kiwi, bắp cải xanh, cà chua…

2.7 Uống nhiều nước

Chế độ ăn cho người bị nhiệt miệng- Ảnh 2.

Người bị nhiệt miệng nên uống nhiều nước. (ảnh minh họa)

Một phần nguyên nhân gây ra nhiệt miệng là do nóng trong người. Vì thế, bạn nên bổ sung đủ nước để giúp làm mát cơ thể, giảm tình trạng nhiệt miệng tiến triển nặng hơn. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các loại nước khác như nước trái cây, trà khổ qua, atiso,…

3. Bị nhiệt miệng nên kiêng ăn gì?

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng giảm giác đau, xót, khiến vết loét miệng nặng hơn. Nên người bị nhiệt miệng nên tránh các thực phẩm này.

3.1 Thức ăn và các loại quả chứa nhiều acid

Thực phẩm chứa nhiều acid (khi ăn có cảm giác quá chua) sẽ khiến vết viêm loét miệng lâu lành hơn, thậm chí vết loét còn rộng lan rộng nên dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, nấm. Do vậy, những ai đang bị nhiệt miệng thì nên hạn chế món ăn hay loại quả nhiều acid như chanh, mận xanh, dứa, quả cóc…

3.2 Thức ăn cay, nóng

Thức ăn cay, nóng là thực phẩm cần tránh khi bị nhiệt miệng. Những thực phẩm như ớt, tỏi, gừng, tiêu,... có tính nóng. Khi bị nhiệt miệng, nếu bạn ăn những thực phẩm này thì có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, tốt nhất nên hạn chế các món ăn cay, nóng khi bị nhiệt miệng. 

Hơn nữa, người bị nhiệt miệng cũng nên hạn chế ăn thức ăn còn nóng, vừa mới nấu xong. Việc chế biến thực phẩm cũng cần tránh dùng nhiều gia vị kể cả bị cay hay mặn để vết nhiệt miệng nhanh lành hơn.

3.3 Rượu bia, cà phê, nước ngọt, thức ăn ngọt

Những thức uống như bia, rượu, cà phê, đồ uống có gas,… sẽ khiến cho vết loét miệng to lên và lâu lành hơn. Vì vậy, khi bị nhiệt miệng thì cần tránh xa các loại đồ uống này để bệnh nhanh khỏi.

Các thực phẩm bánh kẹo, nhiều đường không chỉ tăng nguy cơ sâu răng mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển. Bên cạnh đó, thực phẩm ngọt cũng làm cơ thể bị nóng khiến vết nhiệt miệng lâu khỏi.

Hơn nữa, người bị nhiệt miệng nên hạn chế ăn các món quá khô, quá cứng hoặc quá giòn sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng gây ra nhiệt miệng.

4. Lưu ý khi điều trị nhiệt miệng

Bên cạnh việc nên ăn gì và kiêng ăn gì để bệnh nhanh khỏi thì người bị nhiệt miệng cũng cần chú ý vệ sinh khoang miệng sạch sẽ. Thói quen này sẽ giúp bạn tiêu diệt vi khuẩn có hại, thúc đẩy vết loét trong khoang miệng nhanh lành hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh nhiệt miệng cũng nên thay đổi lối sống để giúp quá trình điều trị nhiệt miệng hiệu quả hơn. Căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm loét miệng. Vì vậy người bị nhiệt miệng hãy cố gắng kiểm soát, cân bằng cảm xúc bằng cách tập Yoga hay bất cứ bộ môn thể dục nào, giúp bạn cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng. Nên xây dựng thời gian làm việc, ngủ, nghỉ hợp lý, khoa học…


DS. Lê Bích Hồng
Ý kiến của bạn