1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lang ben
Lang ben (Tinea versicolor) là bệnh nhiễm nấm trên da được gây ra bởi loại nấm men tự nhiên sống trên da có tên Malassezia. Khi nấm phát triển ngoài tầm kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới màu sắc tự nhiên trên da, làm xuất hiện các mảng da sáng hơn hoặc tối hơn vùng da xung quanh.
Đây là bệnh ngoài da phổ biến có ảnh hưởng tới 30-40% dân số chung và thường lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chăn màn...
Bệnh lang ben không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Dù có khả năng chữa được bằng các loại thuốc kháng nấm nhưng nguy cơ tái nhiễm cũng rất cao.
Trong một số ít trường hợp bệnh lang ben có thể tự thuyên giảm nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Lưu ý tái khám và điều trị dự phòng. Điều trị dự phòng thường được chỉ định ở bệnh nhân hay tái phát, đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm.
Để kiểm soát hiệu quả phòng ngừa tái phát lang ben, cách tốt nhất nên tránh sử dụng các sản phẩm gây nhờn da, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; Không nên mặc quần áo quá chật, chất liệu không thoáng khí; Cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, không dùng chung đồ đạc.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần hạn chế tái phát bệnh lang ben. Mặc dù không có loại thực phẩm cụ thể nào có thể giúp chữa khỏi bệnh lang ben nhưng việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì dinh dưỡng tốt có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch cơ thể. Từ đó, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của làn da, giảm nguy cơ phát triển nhiễm nấm hoặc làm các triệu chứng nặng hơn.
Vì vậy, người bệnh cần chú ý đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh lang ben
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, hệ thống miễn dịch suy yếu góp phần gây ra bệnh lang ben, vì vậy một chế độ ăn uống giúp xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể tốt cho người bệnh lang ben.
Ngoài ra, tình trạng thiếu kẽm, selen, sắt, đồng, acid folic cũng như vitamin A, B6, C và E sẽ làm thay đổi phản ứng miễn dịch trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật. Mặc dù nghiên cứu trên con người còn thiếu nhưng chế độ ăn nhiều rau, trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này, giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, từ đó có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh nấm da.
Người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau quả giàu vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa. Các loại rau có lá màu xanh đậm, trái cây họ cam quýt, nho, cà chua, ớt chuông đỏ, cam đều là những nguồn cung cấp vitamin A, C và E và chất chống oxy hóa dồi dào.
Nên bổ sung nguồn thực phẩm giàu probiotic chứa vi khuẩn có lợi cho đường ruột và chức năng tiêu hóa. Khi đường ruột khỏe mạnh, sức khỏe miễn dịch sẽ được tăng cường.
Thực phẩm giàu vitamin D cũng hỗ trợ hệ thống miễn dịch và làn da khỏe mạnh. Thiếu vitamin D không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lang ben nhưng nó có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến bạn dễ bị nhiễm nấm hơn.
Ăn các thực phẩm giàu magie như: hải sản, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt... cũng giúp hỗ trợ tâm trạng và cảm xúc lành mạnh. Bởi lẽ, căng thẳng và lo lắng làm tăng lượng đường trong máu, làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng cần thiết cho làn da khỏe mạnh.
Lưu ý: Những người bị bệnh nấm da nên tránh hoặc hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate tinh chế cao như kẹo, bánh ngọt, bánh mì trắng, bánh quy, khoai tây chiên…
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, những thực phẩm này có chỉ số (GI) cao, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể thúc đẩy tình trạng viêm và khiến da chúng ta tiết ra nhiều dầu hơn. Khi da sản xuất quá nhiều dầu làm phát sinh mụn trứng cá và nấm da.
3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bệnh lang ben
- Các loại rau không chứa tinh bột: bông cải xanh, bắp cải, rau bina, cà chua…
- Trái cây ít đường: chanh, bưởi, cam, ô liu...
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt: đậu xanh, kê, diêm mạch, yến mạch...
- Protein tốt cho sức khỏe: thịt gà, trứng, cá hồi...
- Các loại hạt: hạnh nhân, hạt lanh, hạt bí...
- Chất béo và dầu lành mạnh: dầu dừa, dầu lanh, dầu ô liu.
- Các loại gia vị: tỏi, nghệ.
- Thực phẩm lên men: sữa chua nguyên chất...
- Đồ uống: nước lọc, trà thảo dược không đường...