Bàng quang tăng hoạt (OAB) là tên được sử dụng cho một tập hợp các triệu chứng tiết niệu chứ không phải bản thân nó là một bệnh. Bàng quang tăng hoạt là khi bàng quang hoạt động quá mức khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, buồn tiểu không kiểm soát được, tiểu không tự chủ. Những người bị ảnh hưởng cũng có thể cần phải đi tiểu thường xuyên, cả ngày lẫn đêm. Những người bị buồn tiểu đột ngột khi bàng quang hoạt động quá mức.
Triệu chứng OAB phổ biến nhất là buồn tiểu đột ngột, cấp bách; ở một số người, cảm giác buồn tiểu đột ngột có thể đi kèm với tình trạng rò rỉ nước tiểu (gọi là "tiểu không tự chủ khẩn cấp").
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là một tình trạng mạn tính có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của một lượng lớn dân số. OAB ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động hàng ngày và có tỷ lệ mắc ước tính là 16,5%.
Mức độ khẩn cấp và tần suất của các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức có thể tăng lên sau khi ăn một số loại thực phẩm. Chúng kích thích cảm giác bàng quang đầy và cần được làm trống khẩn cấp.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bàng quang tăng hoạt
Theo BSCKI. Nguyễn Đức Du, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, bàng quang tăng hoạt mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng gây ra những phiền toái làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Thực hiện một chế độ dinh dưỡng đúng cách để giảm thiểu những triệu chứng của bệnh.
Những người có bàng quang khỏe mạnh không cần lo lắng về những thực phẩm có thể gây kích thích việc đi tiểu nhưng những người bị bàng quang hoạt động quá mức cần chú ý đến những gì họ ăn vì một số loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng và làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Thực phẩm không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Chế độ ăn uống có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe bàng quang. Một số loại thực phẩm và đồ uống khi tích tụ trong bàng quang có thể gây kích ứng dẫn đến co thắt cơ bàng quang. Những cơn co thắt đó có thể tạo ra cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và làm tăng tần suất đi tiểu.
Thực tế, có những thực phẩm có thể làm nặng thêm tình trạng bàng quang tăng hoạt nhưng nhiều loại thực phẩm lại giúp ngăn chặn việc đi tiểu thường xuyên do bàng quang hoạt động quá mức gây ra. Vì vậy, việc tìm hiểu các loại thực phẩm nên ăn và nên hạn chế trong chế độ ăn dành cho người bàng quang tăng hoạt rất có giá trị trong việc giảm các triệu chứng.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bàng quang tăng hoạt
Vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe và bệnh tật đã được xác định rõ ràng. Nhiều hướng dẫn về can thiệp dinh dưỡng được phát triển bởi các hiệp hội tiết niệu và phụ khoa trên toàn cầu bao gồm các khuyến nghị về lối sống liên quan đến dinh dưỡng và thay đổi hành vi đối với các tình trạng có triệu chứng đường tiết niệu dưới như hội chứng OAB.
Các khuyến nghị về dinh dưỡng đã được tìm thấy cho cả một số tình trạng tiết niệu, trong đó có OAB tuy nhiên, mức độ điều chỉnh chế độ ăn uống khác nhau tùy theo tình trạng. Theo một nguyên tắc lâm sàng mới nổi là cần phải coi các tình trạng bệnh đi kèm là một yếu tố góp phần. Đáng lưu ý, nhiều bệnh đi kèm có thể được điều trị bằng liệu pháp dinh dưỡng y tế để đánh giá/đánh giá lại, chẩn đoán, can thiệp hoặc theo dõi bệnh hoặc tình trạng, để điều trị hoặc quản lý các triệu chứng và/ hoặc điều kiện y tế.
Ví dụ, liệu pháp dinh dưỡng đối với bệnh nhân OAB mắc bệnh tim kèm theo có thể bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng lượng rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, cá, thịt gia cầm, các loại hạt.
Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ công nhận một số loại thực phẩm có khả năng làm dịu các bàng quang nhạy cảm. Những thực phẩm này bao gồm lê, chuối, đậu xanh, bí, khoai tây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, bánh mì và trứng. Đây là những hướng dẫn chung và chủ yếu áp dụng cho các bàng quang nhạy cảm.
Nhiều yếu tố liên quan đến chăm sóc bàng quang, lối sống và dinh dưỡng có thể giúp duy trì và cải thiện sức khỏe bàng quang như làm trống bàng quang thường xuyên và bất cứ khi nào cần thiết, không nhịn tiểu. Lưu ý, bàng quang hoạt động bình thường cần phải đi tiểu sau mỗi 3 đến 4 giờ.
Uống đủ lượng chất lỏng
Cần chú ý các vấn đề về thực phẩm và đồ uống, uống đủ nước. Các khuyến nghị về dinh dưỡng để điều trị OAB xoay quanh lượng nước uống vào. Nhìn chung, bạn nên uống sáu đến tám ly nước mỗi ngày. Nếu uống nhiều hơn có thể khiến bàng quang phải làm việc quá sức và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Những gì bạn uống cũng quan trọng và mặc dù điều quan trọng là phải luôn đủ nước nhưng uống quá nhiều, đặc biệt là đồ uống có ga hoặc chứa caffein có thể khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên hơn mức bạn muốn.
Nếu uống quá ít có thể cô đặc nước tiểu khiến niêm mạc bàng quang trở nên khó chịu hơn và gây kích ứng bàng quang. Điều này cũng có thể gây táo bón, làm tăng áp lực lên bàng quang, làm trầm trọng thêm các triệu chứng OAB.
Vì vậy, luôn hướng tới lượng nước uống hàng ngày được khuyến nghị và uống đủ để bạn không cảm thấy khát.
Bảo đảm chất xơ
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả. Vì táo bón có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tiểu không tự chủ, do đó nên đảm bảo cung cấp đủ chất xơ bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình.
Ăn đủ protein
Ăn protein nạc bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gà tây và cá ít béo. Khi hấp hoặc nướng, những thứ này sẽ ít có khả năng làm xấu đi bàng quang của bạn hơn. Trứng cũng là nguồn cung cấp protein tốt nếu bạn đang muốn tránh ăn thịt. Trứng là một trong những thực phẩm ít gây khó chịu nhất cho tình trạng bàng quang.
3. Gợi ý những món ăn cho người bị bàng quang tăng hoạt
Thực phẩm giàu chất xơ: Những thực phẩm này làm no và có thể giúp ngăn ngừa táo bón, có thể gây thêm áp lực lên bàng quang của bạn. Hạnh nhân, yến mạch, lê, quả mâm xôi, đậu lăng, các loại đậu, trái cây không có múi, rau là những lựa chọn tốt khi bạn muốn bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của mình.
Trái cây: Mặc dù một số loại trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, có thể gây kích ứng bàng quang nhưng điều quan trọng là bạn phải kết hợp chúng vào chế độ ăn uống của mình. Chuối, táo, nho, dừa và dưa hấu là những lựa chọn tốt cho những người có bàng quang hoạt động quá mức.
Sẽ rất hữu ích nếu bạn cũng nhớ rằng bạn nhận chất lỏng từ các thực phẩm khác, bao gồm trái cây, rau và súp và trái cây giàu chất xơ như: lê, chuối, đậu xanh, bí đỏ, khoai tây trắng hoặc khoai lang.
Có một số loại nước trái cây ít gây kích ứng bàng quang hơn những loại khác, bao gồm táo, nho, anh đào và nam việt quất. Những loại nước ép này cũng giúp làm cho nước tiểu có tính acid hơn, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và kiểm soát mùi nước tiểu. Nhưng hãy cẩn thận với các chất phụ gia trong những đồ uống này. Một nghiên cứu lưu ý rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng khả năng mắc OAB.
Rau: Các loại rau lá xanh, như cải xoăn, rau diếp, dưa chuột, bí, khoai tây, bông cải xanh, cà rốt, cần tây và ớt chuông.
Ngũ cốc nguyên hạt: Quinoa, gạo và yến mạch, lúa mạch… là một số ví dụ điển hình nhất về ngũ cốc nguyên hạt.
Các loại hạt: Hạt điều, hạnh nhân, đậu phộng là những món ăn nhẹ lành mạnh và cũng rất giàu protein.
4. Những món ăn người bệnh bàng quang tăng hoạt nên tránh
Theo nhiều nghiên cứu, khuyến nghị dinh dưỡng phổ biến cho điều kiện bảo quản bàng quang là điều chỉnh lượng "chất kích thích bàng quang" hấp thụ vào. Chất kích thích bàng quang thường được định nghĩa là rượu, caffeine, nước ép cam quýt, soda (thông thường và ăn kiêng) và thức ăn cay. Đồng thời hạn chế ăn chất béo bão hòa, nhiều chất béo, thực phẩm chứa natri, đường bổ sung, đồ uống có đường, thực phẩm chế biến và đóng gói. Đối với phụ nữ bị bàng quang tăng hoạt và phù ngoại biên (tùy thuộc vào bệnh lý cơ bản), có thể cần hạn chế chất lỏng và natri.
Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt chứng minh ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với chứng rối loạn bàng quang vì các khuyến nghị chủ yếu dựa vào khoa học nghiên cứu và nghiên cứu quan sát.
Thực phẩm cần tránh nếu bạn bị OAB
Một số thực phẩm bạn ăn thực sự có thể gây kích ứng bàng quang, gây co thắt bàng quang, cảm giác khó chịu và thậm chí là rò rỉ bàng quang.
Những người nhạy cảm với gluten cũng có thể gặp các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức vì bàng quang có thể bị kích thích bởi gluten. Loại bỏ thực phẩm có lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của OAB.
Các bác sĩ đã xác định được một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tình trạng bàng quang hoạt động quá mức trở nên trầm trọng hơn. Có một số đồ uống được biết là có thể khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều lần. Ngay cả một lượng vừa phải rượu, cà phê, trà hoặc soda cũng sẽ làm tăng lượng nước tiểu mà bàng quang phải quản lý.
Một nghiên cứu cho thấy gần một nửa số người trên 60 tuổi uống hơn 300 mg cà phê mỗi ngày (hơn một cốc một chút) bị các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức, cao hơn đáng kể so với những người cùng tuổi không tiêu thụ caffeine. Vì vậy, người bị bàng quang tăng hoạt cần cân nhắc các thực phẩm sau:
- Đồ uống và thực phẩm có chứa caffein.
- Rượu bia.
- Thức ăn cay.
- Trái cây và nước ép cam quýt.
- Đồ uống có ga.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Đường, mật ong.
- Chất làm ngọt nhân tạo.
Bởi vì mỗi người sẽ phản ứng khác nhau khi kích hoạt thực phẩm, ví dụ cà phê có thể gây khó chịu cho một người, trong khi sữa lại gây rắc rối cho người khác, do đó các bác sĩ khuyên bạn nên ghi nhật ký thực phẩm để bạn có thể biết loại thực phẩm nào ảnh hưởng nhiều nhất.
5 lời khuyên về cách người bị bàng quang tăng hoạt có thể quản lý lượng chất lỏng của mình:
- Hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ và chia đều chất lỏng trong suốt cả ngày.
- Không mang theo chai nước lớn nếu bạn không tập thể dục.
- Bạn có thể đổ một nửa cốc hoặc ly hoặc sử dụng cốc nhỏ hơn.
- Bạn nên nhấm nháp và không uống nhiều một lúc.
- Nếu bạn uống đủ nước, nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng nhạt hoặc không màu.