Ths.BS Phạm Phúc Khánh - Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Áp xe cạnh hậu môn là một ổ nhiễm khuẩn có chứa mủ nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Áp xe hậu môn thường xuất hiện sau khi tuyến bã ở trong hậu môn bị nhiễm trùng. Các tuyến bã ở trong hậu môn bị bít tắc bởi vi khuẩn, phân, dị vật và tạo thành môi trường để hình thành ổ áp xe.
Khi xuất hiện ổ áp xe cạnh hậu môn bệnh nhân có thể thấy đau, đỏ, sưng, ở vùng xung quanh hậu môn. Mệt mỏi, sốt nóng, sốt rét cũng thường xảy ra. Trong hầu hết trường hợp bệnh, người bệnh cần thực hiện dẫn lưu ổ áp xe (rạch tháo mủ) bằng phẫu thuật. Tùy trường hợp áp xe nặng hay nhẹ, người bệnh sẽ được gây tê hoặc gây mê, thực hiện phẫu thuật trong phòng mổ. Quá trình phẫu thuật thường mất khoảng 30 phút.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi bị áp xe hậu môn
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị áp xe hậu môn. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ giúp giảm đau, kháng viêm mà còn hỗ trợ quá trình lành thương và ngăn ngừa táo bón.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp ngăn ngừa táo bón. Khi bị táo bón khiến việc đại tiện trở nên khó khăn, gây áp lực lên vùng hậu môn, làm vết thương lâu lành và dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra ăn đúng thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất xơ còn giúp giảm đau, giảm viêm, giúp giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu, từ đó giảm đau và viêm ở vùng hậu môn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn đủ chất còn tăng cường sức đề kháng. Một chế độ ăn cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
2. Thực phẩm nên ăn khi bị áp xe hậu môn
Thực phẩm giàu chất xơ
Thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống sẽ làm mềm và làm đầy phân, giúp việc đi ngoài dễ dàng hơn. Một số thực phẩm giàu chất xơ nên ăn như:
- Bánh mì, ngũ cốc và mì ống làm từ 100% lúa mì nguyên cám;
- Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, hạt diêm mạch và gạo lứt;
- Đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan;
- Các loại trái cây như quả mọng, táo và cam;
- Các loại rau như bông cải xanh, rau lá xanh và cà rốt;
- Các loại hạt.
Khi bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống, hãy ăn chậm để hệ tiêu hóa có thể điều chỉnh. Ăn quá nhiều chất xơ quá nhanh có thể gây đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
Thực phẩm dễ tiêu hóa
Bổ sung thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như:- Cháo loãng;
- Súp;
- Thịt nạc hấp, luộc;
- Cá.
Thực phẩm làm mềm phân
Một số thực phẩm có thể bổ sung vào chế độ ăn uống cũng có tác dụng làm mềm phân. Ví dụ mận khô và nước ép mận khô có chứa sorbitol, một loại rượu đường mà đường tiêu hóa không thể hấp thụ. Khi sorbitol đến ruột già, nó sẽ hút nước (làm mềm phân) và có tác dụng nhuận tràng. Mận khô cũng là nguồn chất xơ tốt.
Nước ép táo hoặc nước ép lê cũng chứa sorbitol.
Thực phẩm cung cấp nước
Chú ý uống nhiều nước khi tăng lượng chất xơ. Nước là lựa chọn tốt nhất nhưng cũng có thể bổ sung nước từ thức ăn như dưa chuột, cà chua, dưa hấu và cam có hàm lượng nước cao và là thực phẩm cung cấp nước tốt. Đây cũng là nguồn chất xơ tốt.
Chất thải thức ăn nằm trong ruột già càng lâu thì càng khó đi ngoài. Đi ngoài rất đau khi bị áp xe hậu môn nhưng không đi ngoài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Thêm chất xơ và chất lỏng để làm mềm phân giúp đi ngoài dễ dàng hơn, có khả năng gây ít đau hơn.
3. Lưu ý chế độ ăn sau phẫu thuật áp xe hậu môn
Chế độ ăn uống, sinh hoạt sau phẫu thuật:
Nấu chín kỹ thức ăn. Tránh ăn thức ăn sống hoặc tái để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chú ý ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp hệ tiêu hóa hoạt động từ từ. Nhai kỹ thức ăn để trình tiêu hóa dễ dàng hơn. Uống 6 - 8 cốc nước mỗi ngày.
Thực hiện chế độ ăn uống với nhiều trái cây và rau quả, giúp tránh táo bón sẽ gây đau cho bệnh nhân khi đại tiện.
Sau mổ 6 giờ, khi hết cảm giác buồn nôn và tê hai chân, bệnh nhân có thể ăn cháo, uống sữa với số lượng ít và chia thành nhiều lần trong ngày.
Ngày thứ 2 sau mổ có thể ăn uống bình thường, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung thêm những thức ăn nhuận tràng như chuối, đu đủ, khoai lang, khoai tây, rau mồng tơi, rau lang… để tránh gây táo bón.
Thực tế có những loại thực phẩm sẽ làm khiến vết mổ lâu lành, tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn do đó nên kiêng: thực phẩm gây nóng, các món nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, có chứa chất kích thích như tiêu, ớt, rượu, bia vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị. Không hút thuốc lá vì trong thuốc lá có chất nicotin làm giảm tưới máu tới vết mổ và tăng sinh tổ chức xơ làm chậm lành vết mổ, tạo sẹo xấu.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị áp xe hậu môn. Bằng việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và xây dựng một chế độ ăn lành mạnh tốt cho việc đẩy nhanh quá trình hồi phục và giảm các biến chứng. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe cá nhân.
Xem thêm: