Áp xe gan là tình trạng tụ mủ trong gan do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Nguyên nhân do nấm thường hiếm gặp. Áp xe gan do vi khuẩn được gọi là áp xe gan sinh mủ. Ký sinh trùng amip gây rối loạn đường ruột, bệnh lỵ amip, gây áp xe gan do amip. Người bệnh có thể có nhiều hơn một áp xe.
Bệnh phải được điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng máu và nguy cơ tử vong. Người bị áp xe gan cần chú ý đến chế độ ăn có lợi nhất cho sức khỏe gan nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh áp xe gan
Theo BSNT Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Áp xe gan là bệnh nhiễm trùng cấp tính tại gan bởi những căn nguyên vi sinh vật, hình thành những ổ mủ trong gan. Đây là bệnh thường gặp tại vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, liên quan đến thói quen ăn uống và cần phân biệt với nhiều bệnh lý như u gan.
Người có thói quen ăn rau sống, thịt, cá chưa nấu chín có thể mang giun sán gây bệnh. Một số yếu tố khác như: Tuổi cao, nghiện rượu hoặc uống nhiều rượu, hệ thống miễn dịch bị tổn hại do các tình trạng như HIV/AIDS hoặc suy giảm miễn dịch khác, dùng corticosteroid, cấy ghép nội tạng hoặc điều trị ung thư, tình trạng dinh dưỡng kém, đi du lịch đến những vùng thường xuyên nhiễm amip - làm tăng nguy cơ áp xe gan do amip.
Bên cạnh việc điều trị kịp thời, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của người bị áp xe gan vì giai đoạn này ngoài ốm yếu, nôn và một số triệu chứng khác thì người bệnh còn có cảm giác rất chán ăn, ăn không ngon.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bị áp xe gan
Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể có khả năng thải độc. Gan tạo ra các enzyme và mật giúp tiêu hóa thức ăn và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nó cũng loại bỏ các chất có hại khỏi cơ thể, chẳng hạn như rượu và các hóa chất khác. Bất cứ thứ gì chúng ta ăn hoặc uống đều được gan thải độc, do đó điều quan trọng là phải duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho gan.
Nước:
Uống nước giữ cho cơ thể đủ nước và do đó làm giảm tình trạng suy nhược. Chất này chiếm tới 73% gan, vì vậy điều quan trọng là phải đảm bảo có đủ nước trong cơ thể để giữ cho nó hoạt động bình thường. Thiếu nước cũng có thể làm tổn thương thận.
Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh:
Thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây, rau, bánh mì nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá.
Rau lá xanh: Các gốc tự do là các phân tử có thể làm hỏng tế bào và gây ra các vấn đề sức khoẻ, bao gồm cả bệnh gan. Các chất được gọi là chất chống oxy hóa có thể giúp loại bỏ chúng. Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn và cải rổ chứa nhiều chất chống oxy hóa. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ và những thứ khác mà gan cần.
Trái cây: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại trái cây giàu chất xơ như táo có thể giúp ích cho những người mắc bệnh gan. Các loại trái cây khác có nhiều chất xơ bao gồm: chuối, cam, dâu tây, nho khô…
Cháo bột yến mạch: Thực phẩm giàu chất xơ này có thể giúp bảo vệ gan khỏi bị viêm. Chúng cũng có thể giúp giữ lượng đường trong máu và chất điện giải ở mức ổn định.
Ức gà không da: Cơ thể cần protein để xây dựng các cơ quan, bao gồm cả gan và giữ cho chúng khỏe mạnh. Nhưng gan không cần nhiều chất béo. Thịt gia cầm nạc (không có da) có thể là một cách tốt để có được lượng protein cần thiết. Không nên chiên rán mà nên luộc, nướng.
Cá hồi: Cá hồi chứa nhiều protein, acid béo omega-3 giúp làm giảm cholesterol, giảm viêm và giữ cân nặng khỏe mạnh. Tất cả những điều đó đều giúp ích cho gan. Nên ăn hai đến bốn khẩu phần cá hồi mỗi tuần.
Dầu ô liu: Loại bỏ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa không lành mạnh, như bơ và bơ thực vật ra khỏi chế độ ăn uống và tìm sự lựa chọn tốt hơn. Ví dụ: dùng dầu ô liu nguyên chất và dầu hạt cải để nấu ăn.
3. Những thực phẩm và đồ uống nên tránh
Người bị áp xe gan không được uống rượu. Rượu có thể làm hỏng gan và làm tăng nguy cơ bị áp xe khác.
Tránh thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm là cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng amip. Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, cần chú ý thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... không ăn rau sống chưa được rửa sạch, không uống nước chưa được đun sôi như nước lã ao, hồ, suối...
Loại bỏ các thực phẩm có thể gây tổn hại cho gan như thực phẩm chế biến sẵn, đường, dầu kém chất lượng và thịt đỏ. Nên tránh thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, hoặc các món có nhiều muối hoặc đường.
Ngoài ra, thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ và rửa tay nhiều lần mỗi ngày.