Chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt

23-10-2024 16:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và phù hợp sẽ giúp người bệnh viêm tuyến nước bọt có thể cải thiện tình trạng bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt

Theo ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E, viêm tuyến nước bọt là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm, thường xảy ra do nguyên nhân nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Tình trạng tắc ống dẫn tuyến do sỏi hoặc tuyến giảm bài tiết dễ dẫn tới bội nhiễm vi khuẩn.

Các tuyến nước bọt chính là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi, trong đó viêm tuyến nước bọt mang tai là thường gặp nhất. Việc tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học có thể giúp hỗ trợ đẩy nhanh hiệu quả điều trị và làm giảm triệu chứng bệnh một cách tự nhiên.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt- Ảnh 1.

Viêm tuyến nước bọt là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm, thường xảy ra do nguyên nhân nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

Viêm tuyến nước bọt không phải là bệnh lý quá nguy hiểm gây ảnh hưởng tính mạng, song không vì thế mà chủ quan để bệnh kéo dài mạn tính, hay tái phát các đợt cấp, cuối cùng phải phẫu thuật cắt tuyến nước bọt.

Các biến chứng viêm tuyến nước bọt có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ, chẳng hạn như: áp xe tuyến nước bọt, ung thư tuyến nước bọt, biến dạng mặt, tắt nghẽn đường thở, nhiễm trùng huyết…

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh viêm tuyến nước bọt

ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E lưu ý, người bị viêm tuyến nước bọt cần chú ý uống nhiều nước để dễ tiết nước bọt; nước chanh được cho là kích thích tiết nước bọt. Ngoài ra cần vệ sinh răng miệng tốt, tránh sờ nắn vùng tuyến nước bọt bị viêm.

Một số loại thực phẩm người bệnh nên bổ sung như:

Thức ăn mềm, lỏng tốt cho người bị viêm tuyến nước bọt

Các loại thức ăn được nấu chín mềm hoặc có dạng lỏng, chẳng hạn như súp, cháo, rau củ hầm nhừ sẽ tốt hơn cho người bị viêm tuyến nước bọt.

Khi mắc căn bệnh này, tuyến nước bọt bị sưng, viêm khiến người bệnh bị đau và gặp khó khăn trong việc tiết nước bọt tiêu hóa cũng như nhai nuốt thức ăn. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị sốt, mệt mỏi do nhiễm trùng dẫn đến chán ăn, mất cảm giác ngon miệng.

Sử dụng các thức ăn mềm, lỏng sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc nhai nuốt thực phẩm mà không bị đau. Nó cũng đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt- Ảnh 2.

Các loại thức ăn được nấu chín mềm hoặc có dạng lỏng, chẳng hạn như súp, cháo, rau củ hầm nhừ sẽ tốt hơn cho người bị viêm tuyến nước bọt.

Các loại đậu

Các loại đầu, chẳng hạn như đậu nành, đậu xanh hay đậu đỏ chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất phong phú. Chúng giúp hỗ trợ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương viêm bên trong tuyến nước bọt.

Người bệnh có thể sử dụng chúng bằng cách rang chín, nấu nước uống hoặc ninh nhừ cùng với cháo để dễ tiêu hóa hơn. Luôn phiên sử dụng các loại đậu hoặc các chế phẩm của chúng trong những ngày bị bệnh viêm tuyến nước bọt để nhanh chóng đẩy lùi được bệnh tật.

Rau xanh

Các loại rau xanh cũng là một gợi ý hữu ích cho thắc mắc viêm tuyến nước bọt nên ăn gì. Rau xanh cung cấp nhiều chất xơ giúp đảm bảo cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Nguồn vitamin và khoáng chất phong phú được tìm thấy trong các loại rau cũng giúp cải thiện khả năng miễn dịch và thúc đẩy quá trình lành bệnh.

Đặc biệt, rau xanh còn cung cấp nguồn chất chống oxy hóa dồi dào. Nó giúp kháng viêm, giảm sưng đau mặt và làm nhanh lành tổn thương bên trong tuyến nước bọt.

Các loại gia vị có tính kháng viêm, giảm đau

Một số loại gia vị có đặc tính kháng viêm, giảm đau tự nhiên như tỏi, gừng hay nghệ cũng được thêm vào thực đơn như một phương pháp tự nhiên để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm tuyến nước bọt. 

Chúng thường được sử dụng để làm nước chấm hay ướp vào các món ăn vừa giúp tạo ra hương vị đặc trưng cho món ăn, vừa giúp kích thích vị giác và hỗ trợ đẩy lùi bệnh.

Thực phẩm giàu omega 3

Bao gồm các loại cá béo, hạt lanh, hạt óc chó, dầu gan cá tuyết, rau chân vịt… Chúng cung cấp nhiều omega 3 có tác dụng kháng viêm, bảo vệ các mô khỏe mạnh trong tuyến nước mạnh, giảm thiểu tổn thương do tình trạng viêm nhiễm gây ra.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt- Ảnh 4.

Người bệnh nên bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức khỏe, nhanh khỏi bệnh.

3. Một số thực phẩm nên tránh đối với người bệnh viêm tuyến nước bọt

Đồ ăn ngọt không tốt cho người viêm tuyến nước bọt

Các loại đồ ngọt như bánh kẹo, đường sữa, nước ngọt, các loại chè,… đều không tốt cho người bị viêm tuyến nước bọt. Đồ ngọt sẽ làm tăng phản ứng viêm, khiến tình trạng viêm kéo dài và có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Đồ ăn có vị chua mạnh hoặc tính acid

Các thực phẩm có vị chua mạnh hoặc tính axit như chanh, xoài xanh, dưa muối chua,… có thể kích thích làm tăng cảm giác khó chịu trong miệng của những người bị viêm tuyến nước bọt.

Đồ ăn cay nóng

Các món ăn cay nóng, chứa nhiều gia vị cay như tiêu, ớt, mù tạt có thể kích thích tạo cảm giác nóng rát khó chịu ở trong miệng. Các món này cũng kích thích tình trạng sưng viêm, khiến viêm tuyến nước bọt kéo dài hơn. Nếu viêm có mủ, đồ ăn cay nóng còn khiến tình trạng chảy mủ thêm trầm trọng.

Đồ nếp và các món chế biến từ gạo nếp

Các món mà người đang bị sưng viêm, đặc biệt là sưng viêm có mủ không nên ăn là đồ nếp và các món từ gạo nếp. Đó có thể là xôi, cơm nếp, bánh chưng, bánh dày, bánh tét, chè nấu từ gạo nếp, cháo nấu từ gạo nếp,… Đồ nếp dễ khiến các tổn thương tạo mủ và lâu lành.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm tuyến nước bọt- Ảnh 5.

Đồ nếp dễ khiến người viêm tuyến nước bọt bị các tổn thương tạo mủ và lâu lành.

Đồ ăn giàu chất béo

Các thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật, dầu ăn, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh,… có thể làm tăng lượng mỡ trong máu. Lượng mỡ này có thể làm cản trở quá trình lưu thông máu đến tuyến nước bọt bị tổn thương. Chất béo cũng được cho là thành phần có thể kích hoạt phản ứng viêm. Tất cả những điều này đều không tốt cho người viêm tuyến nước bọt.

Đồ ăn, thức uống lạnh

Nhiều người cho rằng khi tuyến nước bọt bị sưng viêm, chúng ta sử dụng đồ ăn hoặc thức uống lạnh có thể giúp làm dịu cảm giác sưng viêm, nóng đỏ. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại. Những món lạnh còn khiến tuyến nước bọt bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ lạnh khiến các mạch máu xung quanh co lại. Đường dẫn nước bọt cũng co lại làm giảm tiết nước bọt và kích hoạt phản ứng viêm.

Đồ uống có cồn

Các loại đồ uống như rượu, bia làm tăng đào thải chất độc qua đường nước tiểu. Đi tiểu nhiều khiến cơ thể bị mất nước và miệng bị khô. Khi miệng khô, tiết nước bọt bị giảm sẽ khiến tình trạng viêm thêm trầm trọng.

Bài tập cho người bị viêm tuyến nước bọtBài tập cho người bị viêm tuyến nước bọt

SKĐS - Tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ hỗ trợ những người bị viêm tuyến nước bọt cải thiện tình trạng bệnh mà còn giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.


Diễm Hằng
Ý kiến của bạn